Giữa thinh không, con người và cây cối bình đẳng

Là giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Ngọc Lâm được xếp là một trong 'ngũ nhạc điêu khắc'.

Điêu khắc gia Nguyễn Ngọc Lâm (giữa).

Điêu khắc gia Nguyễn Ngọc Lâm (giữa).

Điêu khắc gia Nguyễn Ngọc Lâm dành nhiều thời gian với chất liệu gỗ để tìm ra mối liên kết giữa sự vô hạn của thiên nhiên và sự tận cùng của ý chí con người.

Triển lãm “Hóa thân 241” đang diễn ra tại Hanoi studio gallery (Ba Đình, Hà Nội), với loạt tác phẩm không chỉ mang đến cho người xem cảm xúc thích thú, mà còn gợi mở những chiêm nghiệm về đời sống, về sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên vạn vật - từ thông điệp nghệ thuật mà nhà điêu khắc muốn gửi gắm.

Người và cây cùng tồn tại, biến đổi

Là giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Ngọc Lâm được xếp là một trong “ngũ nhạc điêu khắc”: Tuyền – Lâm – Lương – Thiệp – Tri. Là một nhà điêu khắc sử dụng vật liệu đa dạng, từng thể nghiệm sáng tác trên gỗ, sắt, kính, đồ gốm đất nung, hoặc riêng lẻ hoặc phối hợp trong cùng một bộ tác phẩm, nhưng có lẽ nổi trội nhất là chủ đề về cây cối, thiên nhiên. Vì thế, trong giới điêu khắc thường gọi Nguyễn Ngọc Lâm là “Lâm cây”.

“Lâm” có nghĩa là “rừng”, mà trong rừng phải có cây, rất nhiều cây mới tạo thành rừng. Đó có thể là một mối liên hệ khăng khít, hoặc chỉ là vô tình giữa việc đặt tên và cảm hứng mãnh liệt của nghệ sĩ đối với chất liệu gỗ. Nhưng cũng nhờ vật liệu sáng tác quen thuộc này, gỗ trở thành “dấu chỉ nhận diện”, là đặc trưng của Nguyễn Ngọc Lâm.

Có thể thâýhình tượng nghệ thuậtnày xuyên suốt trong hầu hết sáng tác của anh từ khi còn là sinh viên đến nay. Điêu khắc đương đại Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện những thế hệ các nhà điêu khắc có sự theo đuổi, gắn bó lâu dài với hình tượng nghệ thuật như vậy, và nỗ lực đó là một yếu tố quan trọng khẳng định sự chuyên nghiệp trong sáng tạo.

Giữa hơi thở của thiên nhiên và nhịp đập cơ học, triển lãm “Hóa thân 241” trưng bày các tác phẩm điêu khắc thể hiện một đoạn đời của cây. Với gỗ và kim loại, sự tương phản nhưng hợp nhất, anh tạo nên các khối gỗ, khung kim loại, và cả những mấu hàn rồi cắt, đẽo chạm… Tất cả như một thước phim gợi nhớ về ký ức, minh chứng cho một quãng đường tồn tại.

Cây và người, xuất hiện giữa thinh không, vươn mình vào thực tại. Cây và người, đâm chồi, hít thở, xoay vần, lụi tàn rồi thành những khối vật chất trôi dạt. Ý thức của con người và tự nhiên hòa vào nhau, trùm lên nhau, vật lộn để giành vị thế trung tâm. Nhưng điều gì xảy ra khi xung đột và xâm lấn được đẩy lên cực hạn? Tất nhiên, chúng sẽ tiến hóa thành một dạng thức, hình hài khác.

Điêu khắc gia Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng, cây và người - hai hình ảnh đối lập nhưng gắn bó, là hai cột trụ trong vòng xoáy tồn tại. Mỗi tán cây không chỉ là sinh vật tự nhiên, mà còn là biểu tượng của sự kiên nhẫn, biến đổi. Trong khi con người, với ý thức chủ quan luôn tìm kiếm bản ngã qua những chuỗi hành trình vật chất, thì cây với cái nhìn tĩnh lặng, lặng lẽ đối diện với dòng chảy thời gian, vươn mình ra thế giới mà không cần lý giải.

“Hai thực thể này qua sự kết nối, trở thành hai chốt chặn của chuỗi vĩnh cửu, nơi quá khứ và hiện tại gặp gỡ, nơi sự sinh - diệt xâm nhập vào nhau. Chúng trở thành cái hiện hữu cho sự kết nối và hóa thân từ hình dạng ban đầu thành những hình thái mới, đáp ứng điều kiện và hoàn cảnh của một thế giới chuyển mình”, nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ.

 Từ vật liệu gỗ, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm gợi mở vấn đề về sự trân trọng đối với thiên nhiên.

Từ vật liệu gỗ, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm gợi mở vấn đề về sự trân trọng đối với thiên nhiên.

Lời gợi mở trân trọng thiên nhiên

Những tác phẩm điêu khắc của “Hóa thân 241” không chỉ tự vấn về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người – nơi sáng tạo nghệ thuật trở thành phương tiện để kết nối, để chiêm nghiệm và tái sinh. Nguyễn Ngọc Lâm còn dành nhiều thời gian với chất liệu gỗ để tìm ra mối liên kết giữa sự vô hạn của thiên nhiên và sự tận cùng của ý chí con người.

Để rồi qua mỗi tác phẩm, người xem thấy sự tiến hóa biến hình của con người và cây cối, thấy trong chính những xung đột có hòa tan, trong lụi tàn có tái sinh, trong tĩnh lặng có chuyển động. Giữa thinh không, con người và cây cối như những nét vẽ đầu tiên trên một bức tranh trống, khắc họa hình hài chính mình. Giữa thinh không, thực ra con người và cây cối bình đẳng, đều chứa đựng sự phân ly và hòa hợp.

Tâm điểm của triển lãm là hình tượng cây - biểu tượng của sự sống, sự kết nối và hành trình biến đổi không ngừng; là kim loại - bàn tay mang hơi thở của một thời kỳ công nghiệp, là hình khối điêu khắc pha trộn với chạm nổi, chạm lộng, và các yếu tố trung gian như dây kim loại hay vô dạng như ánh sáng.

 Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Lâm kết hợp khối và nét, gỗ và kim loại đem lại cảm nhận giãn nở và cô đọng.

Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Lâm kết hợp khối và nét, gỗ và kim loại đem lại cảm nhận giãn nở và cô đọng.

Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng: “Hóa thân 241” không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp thị giác, mà còn là khơi gợi sự tương tác, kết nối giữa vạn vật trong vũ trụ. Đó là cách để chúng ta trân trọng thiên nhiên, yêu quý những gì hiện hữu, và tìm thấy ý nghĩa trong sáng tạo – nơi trái tim, khối óc và đôi tay con người mãi không thể thay thế”.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê, nhà điêu khắc Đào Châu Hải và NGND – họa sĩ Lê Anh Vân (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đều có chung nhận xét về triển lãm “Hóa thân 241” là: “Hoàn hảo, xúc động và ngạc nhiên”.

Sự kết hợp của khối và nét, gỗ và kim loại, cảm nhận giãn nở và cô đọng trong không gian tác phẩm của nhà điêu khắc luôn đạt tới chỉnh thể. Với thế mạnh là phong cách và cấu trúc, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Lâm đẩy người xem tới sự xúc động khi nắm được ý tưởng, ý niệm qua mỗi đường nét - đục - cắt - nối.

“Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người là nguồn cảm hứng cho phần lớn sáng tác của tôi. Tình yêu tuyệt vời mà thiên nhiên mang lại cho con người là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua các tác phẩm. Thiên nhiên là ngôi nhà của chúng ta, thông qua tác phẩm tôi muốn đưa ra câu hỏi: “Có giải pháp nào giúp con người và thiên nhiên cùng tồn tại và phát triển? Chúng ta đang làm gì ở đây và chúng ta sẽ đi tới đâu với nền văn minh này?””, điêu khắc gia Nguyễn Ngọc Lâm cho biết.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giua-thinh-khong-con-nguoi-va-cay-coi-binh-dang-post711960.html
Zalo