Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, An Giang, Quảng Ngại cùng tham gia thảo luận.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_444_51485031/fc817d0e4e40a71efe51.jpg)
Theo các đại biểu, việc ban hành Nghị quyết để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 01-TB/BCĐTW ngày 22/1/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và một số Kết luận có liên quan. Sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Thảo luận về một số cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Các ý kiến cơ bản đồng thuận với các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề: Về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đang được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, theo đó, không cần quy định trong dự thảo Nghị quyết vì nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Về việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; quy định này có thể phát sinh rủi ro, xung đột lợi ích trong triển khai thực hiện và thiếu cơ chế kiểm soát tài sản công. Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước. Về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề nghị tiếp tục làm rõ quy định này thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay của Quốc hội, đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các đánh giá về tính hiệu quả của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và các quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quy định trong dự thảo Nghị quyết...
Liên quan đến một số cơ chế, chính sách trong hoạt động chuyển đổi số quốc gia: Một số ý kiến thống nhất với các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên cần làm rõ một số vấn đề: Về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh. Về thí điểm thử nghiệm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp; đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh để cho phép thí điểm, triển khai mô hình kinh doanh dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp không bị giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỉ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Về đầu tư, thuê, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Về phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư...
Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là bước đầu để thể chế hóa Nghị quyết 57. Về lâu dài, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục sửa đổi các luật, trước mắt là Luật Khoa học và Công nghệ và các luật có liên quan để tiến bộ, đồng bộ và phải rất sát với thực tiễn.