Nghị quyết 68: Một tinh thần cải cách mới đang được khơi dậy mạnh mẽ

Mặc dù vẫn còn những băn khoăn, lo ngại từ cộng đồng doanh nghiệp, song giới chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự đột phá của Nghị quyết 68, cũng như cách làm luật lần này của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nghị quyết 68 là cú hích thể chế, khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hoàng Anh.

Nghị quyết 68 là cú hích thể chế, khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hoàng Anh.

Doanh nghiệp và nỗi lo khoảng cách từ chủ trương đến thực tế triển khai

Thừa nhận những bước đột phá rất lớn của Nghị quyết 68, nhưng từ góc nhìn của một doanh nghiệp làm công nghệ, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech vẫn không khỏi băn khoăn.

Bởi, ông nhận thấy có khoảng cách rất lớn giữa chủ trương và thực tế triển khai các quy định pháp luật trong suốt thời gian qua.

"Trên chủ trương thì rất thoáng, rất tích cực nhưng khi đi xuống dưới, các điều kiện, giấy phép con lại bị cài cắm quá nhiều, dẫn đến tình trạng chính sách bị bóp méo và làm khó doanh nghiệp", ông nói.

Ông Bình lấy ví dụ trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), ngành mà ông trực tiếp tham gia từ những năm 2008 – 2009. Khi đó, việc làm thanh toán điện tử, ví điện tử còn mới mẻ, nhưng các cơ quan nhà nước rất cởi mở, sẵn sàng cấp phép thử nghiệm.

Thế nhưng, từ khoảng 2015 – 2016 trở đi, tư duy quản lý lại thay đổi hoàn toàn. Các cơ quan bắt đầu siết chặt: mọi thứ đều phải có luật, phải ban hành nghị định, rồi mới cho thử nghiệm. Từ đó đặt ra nhu cầu xây dựng “sandbox” – cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

"Suốt từ lúc đề xuất đến lúc ban hành phải mất 8 năm. Startup nào chờ nổi 8 năm? Đến khi sandbox chính thức ra đời thì hầu hết các startup tiên phong đều đã không còn tồn tại", ông Bình chia sẻ.

Chưa hết, khi đọc kỹ nghị định về cơ chế thử nghiệm vừa ban hành gần đây, ông Bình thấy một điểm rất đáng lo. Mặc dù, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhưng trong phần điều kiện lại quy định rằng tổng giám đốc hoặc đại diện pháp luật phải có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực ngân hàng.

Như vậy, các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nhân đổi mới sáng tạo – những người thực sự có khả năng “phá vỡ” cái cũ – lại không đủ điều kiện tham gia thử nghiệm. Rõ ràng đây là một sự mâu thuẫn giữa khẩu hiệu “đổi mới sáng tạo” và quy định thực tế.

"Chúng ta vẫn nói về cơ chế thử nghiệm như một bước tiến lớn, nhưng nếu nó chỉ phục vụ cho người cũ, thì đó không còn là đổi mới thực sự nữa. Giống như Uber đâu phải do một người lái taxi phát minh ra, mà là từ một người ngoài ngành, công nghệ tài chính cũng vậy. Muốn thay đổi được ngành ngân hàng thì phải có tư duy ngoài ngành ngân hàng", ông Bình cho biết.

Nếu điều này tiếp tục diễn ra ở các lĩnh vực khác như vận tải, logistics hay công nghệ, chắc chắn sẽ trở thành lực cản lớn cho tiến trình đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế số. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mất cơ hội.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT MISA cũng cho rằng, hiện các quy định pháp luật đang tồn tại một vấn đề là luật gốc quy định chung chung, sau đó ủy quyền quá nhiều cho Chính phủ và các bộ ban hành.

Điều này dẫn đến nội dung cụ thể bị đẩy xuống các nghị định, thông tư, trong khi đó, các nghị định thường ghép nhiều vấn đề khác nhau, nội dung quá khái quát hoặc chưa rõ ràng, khiến việc thực thi trở nên rất khó khăn.

Ông Hoàng lo ngại, nếu thực trạng tương tự xảy ra đối với Nghị quyết 68 thì đó sẽ là một sự đáng tiếc rất lớn.

Cùng tâm lý lo ngại tương tự, ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch Công ty Kiểm toán UHY cũng cho rằng, để thay đổi được các vướng mắc hiện nay, phải tính đến lộ trình nhiều năm.

Chẳng hạn, với quy định "không hình sự hóa quan hệ kinh tế", mặc dù được nêu trong Nghị quyết 68, nhưng để triển khai được, cần phải sửa cả Luật Hình sự. Theo Luật Hình sự hiện hành, mọi hành vi được quy định trong luật đều bị coi là tội phạm.

Việc sửa luật này không chỉ phức tạp về thủ tục, mà còn liên quan đến hàng loạt cơ quan như tòa án nhân dân, viện kiểm sát, Bộ Công an, Bộ Tư pháp... Rõ ràng, để giảm thiểu việc hình sự hóa giao dịch kinh tế, cần một nỗ lực cải cách tổng thể cả hệ thống pháp lý.

"Bây giờ là lúc bắt tay làm thật"

Thấu hiểu những băn khoăn, lo ngại của doanh nghiệp, tuy nhiên ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm với Nghị quyết 68, cũng như lần quyết tâm cải cách thể chế này của Đảng, Chính phủ.

Được giao nhiệm vụ tham gia Hội đồng tư vấn chính sách – trực tiếp làm việc trong tổ biên tập xây dựng các định hướng lớn, ông Chính cảm nhận rất rõ sự quyết liệt, mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua.

"Nói thật là áp lực vô cùng, bởi khối lượng công việc và cường độ làm việc cao hơn bất kỳ giai đoạn nào tôi từng trải qua. Có những phiên bản dự thảo được cập nhật lúc 11 giờ đêm và ngay sáng hôm sau đã phải góp ý", ông Chính chia sẻ và nhấn mạnh: tinh thần làm việc của đội ngũ công chức hiện nay rất đáng nể, họ làm ngày làm đêm, bền bỉ và quyết liệt, không ngơi nghỉ.

Nghị quyết 68 được ký ban hành vào ngày 4/5. Ngay sau đó, cơ quan soạn thảo đã họp với Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị cho một nghị quyết triển khai, với mục tiêu trình và thông qua vào ngày 18/5, tức chỉ sau đúng hai tuần.

Đây là điều chưa từng có tiền lệ, vì trước nay quá trình xây dựng và ban hành luật hay nghị quyết thường tính bằng quý, thậm chí cả năm.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC. Ảnh: President Club.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC. Ảnh: President Club.

Tại tọa đàm chuyên đề về Nghị quyết 68 do President Club tổ chức tại trụ sở Tập đoàn Công nghệ CMC cuối tuần qua, ông Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 68 là một bước ngoặt về tư tưởng. Nó không còn là thay đổi "tư duy", mà là một bước đột phá về nhận thức, khi lần đầu tiên vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát.

"Nếu triển khai được đầy đủ những nội dung trong nghị quyết, tôi tin rằng, phần lớn các điểm nghẽn lâu nay sẽ được tháo gỡ. Chúng ta sẽ có một không khí, một tinh thần phát triển mới – từ Đảng, Nhà nước và cả từ cộng đồng doanh nghiệp", ông Chính cho biết.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, Nghị quyết 68 là một bước tiến lớn, nhất là về tư tưởng. Từ việc coi kinh tế tư nhân là một thành phần, rồi là một động lực quan trọng, đến nay đã được xác định là “động lực quan trọng nhất”.

Đây là bước phát triển đáng kể trong tư duy, nhận thức và chính sách. Và điều đáng quý là trong nghị quyết này, tư nhân được mô tả không chỉ như người tạo ra của cải, mà còn là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế thời bình", và lần này sẽ cố gắng không để các "chiến sĩ ấy hy sinh".

Theo đó, thứ nhất, về môi trường kinh doanh, nghị quyết yêu cầu thực hiện các điều kiện cạnh tranh bình đẳng, an toàn, minh bạch cho mọi loại hình doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Thứ hai là sự tương tác giữa nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước phải từ bỏ tư duy xin – cho, chuyển sang phục vụ, để doanh nghiệp là trung tâm.

Thứ ba là nhóm chính sách hỗ trợ có phân tầng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp tư nhân đầu đàn.

Thừa nhận các quy định của nghị quyết rất đột phá, song ông Thành cũng nhấn mạnh, thực thi vẫn là vấn đề then chốt.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, điều quan trọng là tinh thần làm luật của các cơ quan quản lý hiện nay đã khác, "luật không chỉ nhanh mà còn bám sát thực tiễn", lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Tinh thần của nghị quyết lần này rất cởi mở, các đóng góp vẫn luôn tiếp tục, chứ không khép lại sau khi Đảng ban hành nghị quyết.

Đồng quan điểm, ông Chính cũng cho rằng, với nghị quyết đột phá lần này, bây giờ là lúc cả nước bắt tay vào làm thật, không dừng lại ở những kiến nghị.

Cả đội ngũ các nhà làm luật đang nỗ lực hết sức về thời gian, nguồn lực để theo sát thực tế, qua đó, chắc chắn sẽ xây dựng được những chính sách thực thi cụ thể, khả thi và có hiệu quả thực sự, ông tin tưởng.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nghi-quyet-68-mot-tinh-than-cai-cach-moi-dang-duoc-khoi-day-manh-me-d40116.html
Zalo