Nghị quyết 68: Khơi thông động lực phát triển kinh tế

Các thông điệp hết sức quan trọng về kinh tế tư nhân đã được đưa ra ở Nghị quyết 68-NQ/TW. Phấn khởi và kỳ vọng là những cảm xúc được cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ nhiều nhất kể từ khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành. Trong đó, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ để bứt phá.

Cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp nêu kiến nghị

Nghị quyết 68 đề cập nhiều vấn đề “nóng hổi” hiện nay như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thậm chí là những nội dung nhạy cảm như tiền ảo, tiền số; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) phát triển trong khuôn khổ pháp luật với tinh thần "Nhà nước không cấm thì DN được làm".

Theo chia sẻ của TS Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên), Nghị quyết 68 có nhiều điểm hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp và đầu tư trong khu vực KTTN như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong 3 năm đầu thành lập. Đối với DN khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế hiện hành chưa có ưu đãi riêng biệt. Các DN này vẫn áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân phổ thông là 20%, giống như các DN khác. Việc thiếu chính sách thuế đặc thù khiến nhiều DN khởi nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn đầu hoạt động.

“Tôi cũng đề xuất ưu đãi thuế cho nhà đầu tư vào DN khởi nghiệp. Cụ thể, miễn thuế TNDN trong 5 năm đầu hoạt động; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo; Cải cách thuế theo hướng kiến tạo và hỗ trợ phát triển, hệ thống thuế cần chuyển từ vai trò chủ yếu là thu ngân sách sang vai trò kiến tạo phát triển. Điều này bao gồm việc giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế và đảm bảo đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế”- bà Vinh nói đồng thời cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Ngoài chính sách thuế, cần có các biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng cho DN khởi nghiệp. Đặc biệt, nới lỏng điều kiện vay vốn dựa trên xếp hạng tín dụng hoặc tín nhiệm cá nhân.

Cụ thể hơn, TS Nguyễn Thị Vinh đề xuất, giảm thuế suất TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15–17% thay vì 20% như hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DN này. Đồng thời, kiến nghị miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu thành lập cho DNNVV. Hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh bằng cách xóa bỏ thuế khoán và đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tài chính bao trùm nhằm tiếp thêm cơ hội cho phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc vươn lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực KTTN.

Sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng bãi bỏ quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo, miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp vào DN khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Cùng với đó, phát triển DN công nghệ cao, khuyến khích các DN tư nhân tham gia vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đề xuất cụ thể, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho rằng, cần có các thay đổi mạnh mẽ đối với văn bản liên quan đến thủ tục thuế, hải quan.

Theo ông Việt, thời gian qua May 10 thực hiện chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ nên rất thuận lợi rồi nhưng sau đó cơ quan quản lý có đợt rà soát văn bản. Cụ thể, trước đây công ty mua nguyên phụ liệu trong nước rồi tái xuất khẩu thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng nay cơ quan thuế lại yêu cầu phải nộp.

“Không chỉ công ty mà Hiệp hội Dệt may đã có nhiều văn bản kiến nghị cụ thể nhưng chưa có quyết định cụ thể để tháo gỡ cho DN. Nghị quyết 68 đã không hình sự hóa quan hệ kinh tế, DN được sản xuất kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vậy nhưng, trong pháp luật thuế và hải quan có nhiều văn bản vênh nhau dẫn đến việc DN khó giải trình” – ông Việt nói.

Nghị quyết 68 đưa ra chủ trương chung là cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội phân tích, Nghị quyết 68 đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm cắt giảm rào cản chính sách bằng những từ "bãi bỏ", "cắt giảm", chứ không phải "sửa đổi". Các quy định nào không có lợi thì không chỉ là sửa đổi cho tốt hơn mà là mạnh dạn cắt bỏ.

Ông Hiếu cũng dẫn chứng trong hoạt động cấp phép an toàn thực phẩm, người quản lý không phải ngồi ở bàn giấy cấp giấy phép, chứng nhận một sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. "Thay vì chúng ta ngồi bàn giấy, tại sao không dành thời gian đi giám sát và kiểm soát chất lượng thực sự của sản phẩm. Nếu làm như vậy, một số vụ việc vừa qua cũng có thể tránh được" - ông Hiếu đề xuất.

Doanh nghiệp tư nhân được mở rộng không gian để phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp tư nhân được mở rộng không gian để phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Cần lắng nghe tâm tư doanh nghiệp

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Thủ tướng chỉ rõ, phải có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân; tạo xu thế, phong trào phát triển DN tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn đầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh phát triển thành DN, DN siêu nhỏ thành DN nhỏ, DN nhỏ thành DN lớn và DN lớn trở thành DN lớn hơn…

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Đảng đã đưa ra chủ trương, Chính phủ và Quốc hội cần phải đưa ra những chế tài nghiêm khắc để buộc đội ngũ công chức và những người có trách nhiệm phải thực thi nghiêm, thực thi đúng. Chúng ta phải có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, để nếu đội ngũ công chức không thực thi nhiệm vụ sẽ bị thi hành kỷ luật. Nếu đã thực thi mà có rủi ro do khách quan và trong quá trình thực thi, cán bộ công chức không tư lợi thì được đảm bảo không quy trách nhiệm.

Trong kế hoạch hành động, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan, gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu; có đánh giá kết quả thực hiện theo tháng, quý, sáu tháng và hàng năm.

Cũng theo ông Lâm, cần phải có một tổ công tác đặc biệt, chuyên trách do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách với thành phần chủ yếu là các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, có trải nghiệm, tâm huyết và có kiến thức trong cải cách pháp luật, cải cách thể chế. Tổ này có sự tham gia của đại diện DN, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng để rà soát tất cả những quy định bất cập, những gì là rào cản sự phát triển, kinh doanh của DN. Có như vậy, năm 2025 mới có thể hoàn tất yêu cầu rà soát tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cũng cho rằng, tổ công tác đặc biệt không chỉ lắng nghe ý kiến, tâm tư của DN mà còn phải chủ động tiếp cận với DN, tìm hiểu và tháo gỡ các khó khăn mà DN đang gặp phải.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB):

Những nội dung trong Nghị quyết 68 không chỉ truyền cảm hứng mà còn chỉ ra những tồn tại cản bước phát triển của cộng đồng DN tư nhân như: Chi phí cao, khó tiếp cận tài sản công, khó vay vốn, thiếu liên kết chuỗi. Nay với quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu, cho thuê đất công hợp lý và phát triển hệ sinh thái DN chuỗi, tôi tin rằng nếu thực thi tốt sẽ tạo động lực để cộng đồng DN bứt phá.

T.Hằng – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghi-quyet-68-khoi-thong-dong-luc-phat-trien-kinh-te-10305668.html
Zalo