Nghị quyết 68: Đào tạo 10.000 CEO, khơi dậy sức mạnh doanh nghiệp

Khơi dậy khát vọng đào tạo 10.000 CEO tài năng, Nghị quyết 68 chính là bước đi chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cất cánh.

Mục tiêu đào tạo 10.000 giám đốc điều hành (CEO) theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị không chỉ là một mục tiêu về số lượng. Đây là một chiến lược then chốt, khẳng định quyết tâm nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân, bệ phóng quan trọng cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số không ngừng.

CEO: Quyết định thành bại doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và chuyển đổi số mạnh mẽ, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp (DN) ngày càng trở nên quan trọng. Họ không chỉ là người định hướng chiến lược mà còn là người dẫn dắt tổ chức vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội. Việc đào tạo giám đốc điều hành giúp họ cập nhật kiến thức quản trị hiện đại, kỹ năng lãnh đạo và tư duy đổi mới sáng tạo, là những yếu tố then chốt để DN phát triển bền vững.

Khi nhắc đến các công ty lớn tại Việt Nam, bên cạnh thương hiệu, giới đầu tư luôn nghĩ ngay đến tầm vóc của những nhà lãnh đạo tài ba, những người đã chèo lái con thuyền DN vượt qua bao sóng gió. Chẳng hạn, các giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Kido và Vinamilk thường được ví như “linh hồn” của DN vì những vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn của họ.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc tại Vinamilk, là một ví dụ về nhà lãnh đạo kiên trì, đổi mới và luôn truyền cảm hứng cho nhân viên để đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam và vươn ra quốc tế. Hay ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã có tầm nhìn đưa tập đoàn từ lĩnh vực bất động sản sang đa dạng hóa sang công nghiệp, công nghệ và dịch vụ, tạo ra những bước phát triển đột phá.

Ông Don Lam, nhà sáng lập Tập đoàn VinaCapital, cho biết cách đây hơn hai thập niên, các tên tuổi Hòa Phát hay Kido chỉ mới là những công ty tư nhân siêu nhỏ, với công nghệ còn lạc hậu và mô hình quản trị mang đậm dấu ấn gia đình.

 Doanh nhân Việt tự tin giới thiệu sản phẩm, chinh phục đối tác và thị trường quốc tế. Ảnh: QH

Doanh nhân Việt tự tin giới thiệu sản phẩm, chinh phục đối tác và thị trường quốc tế. Ảnh: QH

“Với vai trò là quỹ đầu tư, chúng tôi đã hỗ trợ vốn đầu tư, nguồn cung ứng hiệu quả và đưa người hỗ trợ về quản trị tài chính, đã từng bước giúp các công ty tư nhân này lớn mạnh. Nhưng điểm chủ chốt nhất, sự thành công của các công ty tư nhân này nằm ở sự điều hành của các nhà sáng lập, vốn là những người rất tâm huyết, có tầm nhìn và năng lực cho sự phát triển công ty. Đến nay, khi nhắc đến Hòa Phát hay Kido, hình ảnh những nhà lãnh đạo gắn liền với tên tuổi thương hiệu đã trở thành biểu tượng. Do đó, vai trò của CEO rất quan trọng trong việc dẫn dắt DN phát triển mạnh mẽ” - ông Don Lam nói.

Ngày 4-5, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặt mục tiêu triển khai chương trình đào tạo và bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành DN. Đây là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân, một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Bằng cách đầu tư vào “trí tuệ” của DN tư nhân, Việt Nam đang xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế năng động, sáng tạo và có khả năng cạnh tranh cao, đồng thời khẳng định vai trò của khu vực này như một động lực không thể thiếu trong hành trình phát triển và thịnh vượng chung của đất nước.
TS Cấn Văn Lực

Theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, việc triển khai chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành, một nội dung cốt lõi trong tinh thần Nghị quyết 68, không chỉ đơn thuần là một mục tiêu số lượng, mà còn là một mục tiêu chiến lược, khẳng định tầm nhìn sâu rộng và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân lên một vị thế mới.

Đây được xem là chìa khóa then chốt để giải phóng tối đa tiềm năng của khối DN năng động này, vốn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cấu trúc kinh tế Việt Nam. Bằng cách chú trọng vào việc bồi dưỡng và phát triển đội ngũ lãnh đạo DN, chương trình đào tạo này hứa hẹn sẽ tạo ra một lực lượng “thuyền trưởng” chất lượng cao, được trang bị những kiến thức quản trị hiện đại, kỹ năng điều hành chuyên nghiệp và một tư duy chiến lược sắc bén.

“Điều này không chỉ giúp các DN tư nhân vượt qua những thách thức trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, mà còn khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng quy mô, từ đó đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia” - TS Nhân chia sẻ.

Cú hích cho tương lai

TS Bùi Thanh Luân, chuyên gia tự động hóa, Giám đốc Công ty Cơ điện tử Hiệp Phát, nhận định mục tiêu đào tạo 10.000 CEO cho đất nước là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo cần được điều chỉnh để mang tính “thực chiến” và phù hợp hơn với nhu cầu của các DN nhỏ và vừa (SME).

Dẫn chứng từ thực tế các trung tâm đào tạo doanh nhân hiện có, như một trường đào tạo doanh nhân có tiếng ở Hà Nội và TP.HCM, nơi mỗi khóa học thu hút hàng trăm học viên và liên tục mở lớp mới. “Chỉ riêng một nơi như vậy, số lượng CEO được đào tạo đã vượt con số 10.000 từ lâu. Tôi từng học khóa đào tạo doanh nhân cách đây vài năm, hiện họ đã tổ chức đến khóa thứ một trăm mấy rồi” - ông Luân cho biết.

Sự lạc quan này càng được củng cố bởi những tác động tích cực từ Nghị quyết 68, mà ông Luân đánh giá là một “bước ngoặt lớn cho Việt Nam”. Ông nhấn mạnh: “Nghị quyết lần này thực sự làm tôi phấn khởi. Nó chính thức công nhận và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho khối DN tư nhân, điều mà trước đây có thể chỉ là “ngầm công nhận”. Mọi thứ như được “mở bung” ra, những vướng mắc tồn tại từ lâu đã được giải quyết, đường hướng phát triển rất rõ ràng”.

Bên cạnh đó, TS Bùi Thanh Luân cũng chỉ ra những khía cạnh cần cải thiện trong chất lượng đào tạo CEO hiện nay, đặc biệt là tính ứng dụng cho SME. Ông nhìn nhận các chương trình hiện tại cung cấp nền tảng quản lý tốt, nhất là cho những người đã có nền tảng kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn còn hơi xa thực tế, nhất là với các DN nhỏ, mới khởi nghiệp.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết các lĩnh vực trọng tâm trong chương trình đào tạo và phát triển CEO cần tập trung vào tư duy chiến lược và lãnh đạo, hiểu biết về báo cáo tài chính, phân tích hiệu quả tài chính và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn là điều cần thiết cho thành công tài chính lâu dài. Các CEO phải có khả năng thu thập thông tin, phân tích dữ liệu phức tạp và đưa ra các quyết định sáng suốt dưới áp lực. Đào tạo và phát triển CEO hiệu quả dẫn đến kỹ năng lãnh đạo được cải thiện, khả năng ra quyết định tốt hơn và tăng cường sự linh hoạt chiến lược.

Doanh nhân thành đạt truyền lửa, chia sẻ bí quyết

Để chương trình đào tạo 10.000 CEO đạt hiệu quả cao, cần đặc biệt chú trọng việc huy động sự tham gia tích cực từ các doanh nhân thành đạt - những người đã chứng minh bản lĩnh và gặt hái thành công trên thương trường. Sự góp mặt của họ không chỉ cung cấp những kiến thức quản trị mang tính ứng dụng thực tiễn cao mà còn là nguồn cảm hứng, truyền lửa đam mê và khơi dậy khát vọng vươn lên cho thế hệ lãnh đạo mới.

Quan trọng hơn, những “người thầy đặc biệt” này sẽ chia sẻ những bí quyết thành công được đúc kết từ chính kinh nghiệm dày dạn của mình. Đồng thời, vai trò của họ còn thể hiện ở việc không ngần ngại nói về những thất bại đã trải qua. Đây là những bài học vô cùng quý giá, giúp các CEO tương lai có cái nhìn đa chiều, sâu sắc và tránh được những sai lầm không đáng có trên con đường xây dựng và phát triển DN.

ÔngNGUYỄN QUỐC ANH, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM

QUANG HUY - PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-68-dao-tao-10000-ceo-khoi-day-suc-manh-doanh-nghiep-post848485.html
Zalo