Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị: 8 điểm nhấn chính sách mở đường cho kinh tế tư nhân
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh những chính sách mới tạo thuận lợi cho 'lực lượng tiên phong của nền kinh tế' phát triển.

Ảnh minh họa.
Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao trùm các khía cạnh từ nhận thức, thể chế đến huy động nguồn lực và phát triển đội ngũ doanh nhân, với nhiều chính sách mới, đột phá. Cụ thể:
Bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 3 năm đầu
Một là, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, khởi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Nhất quán nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò kinh tế tư nhân trong cả hệ thống chính trị và xã hội. Nhà nước kiến tạo, phục vụ, không can thiệp hành chính trái nguyên tắc thị trường.
Xây dựng quan hệ chính quyền - doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành. Đẩy mạnh truyền thông khơi dậy tinh thần kinh doanh. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
Hai là, cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của kinh tế tư nhân. Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo cơ chế thị trường, giảm can thiệp hành chính, cơ chế "xin - cho". Đảm bảo quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.
Hoàn thiện pháp luật, xóa bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa thủ tục hành chính. Đến năm 2025, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đến 2028, môi trường kinh doanh thuộc top 3 ASEAN, top 30 thế giới.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, sửa đổi Luật Phá sản, đẩy mạnh tố tụng điện tử. Thiết lập cơ chế phản hồi về vướng mắc. Đảm bảo không phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực. Hoàn thiện chính sách thuế, phí công bằng cũng như khung pháp lý cho mô hình kinh tế mới (Fintech, AI, tài sản ảo...), cơ chế thử nghiệm sandbox và pháp luật về dữ liệu…
Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mua sắm công,…
Ưu tiên các biện pháp khắc phục khi có sai phạm, không hồi tố các quy định bất lợi
Nghị quyết 68 nêu, chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết, bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm.
Cùng với đó, sẽ sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Sẽ có chính sách kiểm soát biến động giá đất
Ba là, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, nhân lực,... Trong đó, Nghị quyết nêu, cần có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, nhất là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp. Chính sách này giúp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng yêu cầu chậm nhất trong năm nay phải hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Nhà điều hành cần áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng.
Cho phép địa phương dùng ngân sách hỗ trợ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để dành quỹ đất (tối thiểu 20ha/khu hoặc 5% quỹ đất) cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê, giảm 30% tiền thuê đất 5 năm đầu.
Cùng đó, nhà điều hành cần tập trung tháo gỡ vướng mắc với các dự án chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí hoặc tranh chấp kéo dài. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng tại địa phương.
Khuyến khích cho vay dựa trên dòng tiền, chuỗi giá trị, tài sản vô hình. Phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho dự án xanh, ESG. Hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoàn thiện hoạt động Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung chức năng đầu tư vào quỹ đầu tư tư nhân, tài trợ vốn mồi khởi nghiệp.
Bốn là, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Triển khai quyết liệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sang tạo và chuyển đổi số quốc gia cho khu vực kinh tế tư nhân. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Cho phép tính chi phí R&D vào chi phí được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế.
Hỗ trợ chi phí đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, xanh qua khấu trừ thuế hoặc tài trợ. Cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế lập quỹ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cho phép doanh nghiệp sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu của Nhà nước với phí hợp lý.
Đồng thời, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Năm là, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với với nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm ngành, chuỗi giá trị. Khuyến khích doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa. Hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành. Việc doanh nghiệp lớn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là tiêu chí hưởng ưu đãi.
Chi phí đào tạo của doanh nghiệp lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Khuyến khích tổ chức tín dụng tài trợ vốn theo chuỗi. Hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng chỉ quốc tế. Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp FDI và nội địa. Áp dụng tỷ lệ nội địa hóa phù hợp, yêu cầu dự án FDI lớn có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa.
Sáu là, hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn, tập đoàn tư nhân tầm cỡ. Mở rộng sự tham gia của tư nhân vào dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước chủ động đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc ưu đãi cho tư nhân tham gia lĩnh vực chiến lược (đường sắt tốc độ cao, năng lượng, hạ tầng số, quốc phòng...).
Thúc đẩy tư nhân đầu tư vào y tế, giáo dục chất lượng cao, công nghiệp văn hóa. Đa dạng hóa mô hình hợp tác công tư (PPP). Triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong về KHCN, đổi mới sáng tạo. Triển khai Chương trình "Go Global" hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra quốc tế.
Bảy là, hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Hoàn thiện pháp lý về kinh doanh cá thể, khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đơn giản hóa chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm. Xóa bỏ thuế khoán chậm nhất năm 2026.
Cung cấp miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý, đào tạo. Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên nhóm yếu thế.
Tám là, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần doanh nhân. Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, khát vọng cống hiến. Đánh giá doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế dựa trên tuân thủ pháp luật, tạo việc làm, đóng góp ngân sách, an sinh xã hội.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đưa đào tạo khởi nghiệp vào giáo dục. Huy động doanh nhân tham gia quản trị đất nước. Thiết lập quan hệ chặt chẽ, thực chất giữa chính quyền và doanh nghiệp. Phát huy vai trò phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội, nghiêm cấm trục lợi chính sách.
Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.