Nghị quyết 68 - Bệ phóng để sáng tạo cất cánh

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là 'cơ hội vàng' cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Nếu nắm bắt được cơ hội này, doanh nghiệp văn hóa, sáng tạo có thể phá vỡ rào cản, chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.

Câu chuyện của người trong cuộc

Hơn 10 năm trước, Nguyễn Công Hiệp nảy ra ý tưởng chia sẻ kho sách cá nhân tới cộng đồng. Một phòng sách nhỏ chỉ khoảng 20m2 ra đời trong căn tập thể cũ ở Hà Nội, mở đầu cho chuỗi thư viện CA' - một trong những hệ thống không gian đọc chuyên về sách kiến trúc và nghệ thuật. Không gian tưởng chừng chuyên biệt dần lan tỏa, trở thành nơi gặp gỡ, quy tụ người yêu kiến trúc. Công chúng đến đọc sách, xem phim, tham gia trò chuyện, thảo luận…

Hiện giờ, hệ thống CA' Library đang thực hiện sứ mệnh kết nối cộng đồng với 8 cơ sở liên kết trên khắp Hà Nội như Hòa Mã, Giải Phóng, Tây Sơn… Mỗi cơ sở chuyên về một lĩnh vực nhưng đều hoạt động trên tinh thần tự giác, không nhân viên trực, không kiểm soát gắt gao. Người đến đọc, mượn sách tự quản lý việc mượn trả qua hệ thống hướng dẫn.

Cơ sở của CA' Library ở Complex1 Tây Sơn, Hà Nội. Ảnh: CA'

Cơ sở của CA' Library ở Complex1 Tây Sơn, Hà Nội. Ảnh: CA'

“11 năm qua, thách thức, khó khăn cũng vô cùng lớn. Trong chừng ấy thời gian, chúng tôi di chuyển địa điểm rất nhiều lần. Nhiều cơ sở không duy trì được mặt bằng hoạt động. Một số đơn vị đánh giá cao tinh thần vì cộng đồng của CA', hoặc là anh em hoạt động sáng tạo với nhau nên thấu hiểu và hợp tác (thậm chí gọi là cưu mang cũng đúng) hỗ trợ thư viện. Tuy nhiên, không được bền vững, khoảng 1 - 2 năm lại phải chuyển địa điểm”, Nguyễn Công Hiệp bộc bạch.

Không riêng câu chuyện của CA' Library, qua chia sẻ của những người trực tiếp hoạt động trong ngành sáng tạo cho thấy lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, dù sở hữu tiềm năng và có bước phát triển đáng ghi nhận, vẫn đối mặt với không ít thách thức. Bên cạnh khó khăn cố hữu là địa điểm hoạt động, thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến hợp tác quốc tế cũng là rào cản lớn.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Út Quyên, Quản lý chương trình của Heritage Art Space cho rằng, chấp nhận sáng tạo đến đâu là khoảng mở khuyến khích thành quả sáng tạo đến đó. Bởi sáng tạo là cái mới, chưa từng có, chưa từng xảy ra, không cởi mở với cái mới ấy thì làm sao có thể sáng tạo? Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động nghệ thuật, Heritage Art Space từng gặp nhiều vấn đề về thủ tục xin phép, nhất là liên quan đến nghệ sĩ, tổ chức quốc tế.

“Nghệ sĩ đương đại Việt Nam ngày càng hoạt động mạnh mẽ ở quốc tế, có nhiều trưng bày ở các bảo tàng, gallery lớn trên thế giới, nhưng khi đem về Việt Nam, nhiều tác phẩm không được công nhận hay đến được công chúng. Sẽ là chảy máu chất xám nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp. Hay vừa rồi, chúng tôi làm việc với một số tổ chức ở Đông Nam Á, muốn tạo kết nối giữa khối công lập, đại diện là VICAS (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) và các không gian sáng tạo độc lập, nhưng sau một thời gian do nhiều chính sách không thông nên kế hoạch bị bỏ ngỏ. Điều này đặt ra vấn đề làm sao thúc đẩy hợp tác quốc tế - một yếu tố quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo?”, nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Út Quyên bày tỏ.

Cởi mở, lắng nghe và ủng hộ

Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế này, trong đó có các tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Nhiều nội dung của Nghị quyết mở ra cơ hội và giải pháp quan trọng, khơi thông nguồn lực và kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp…

Sự cởi mở, lắng nghe, tiếp nhận và ủng hộ là điều rất cần. Nhận định như vậy, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Kiến trúc Bùi Thị Thanh Hương dẫn chứng về việc tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội. “Lễ hội đã gây tiếng vang từ lần tổ chức đầu tiên năm 2021 khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nhiều người hỏi điều gì khiến lễ hội thành công như vậy? Thiết nghĩ yếu tố đầu tiên đến từ sự cởi mở, thấu hiểu của các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho các ý tưởng thiết kế, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật…”.

Trong hoạt động sáng tạo hiện nay, nguồn lực tài chính và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích được nhiều đơn vị quan tâm. Nhìn riêng trong nghệ thuật đương đại, mặc dù tương đối phát triển ở Việt Nam song trên thực tế đang thiếu hệ sinh thái hỗ trợ. Hay với không gian sáng tạo, đánh giá về mô hình tổ hợp đa dạng hoạt động (triển lãm, cà phê, biểu diễn nghệ thuật, thực hành…) cũng chưa rõ ràng, dẫn đến những hạn chế trong chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai… Những khó khăn này kỳ vọng sẽ được tháo gỡ với sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Một góc không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội

Một góc không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội

Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc “tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân”. Điều này có thể giúp giải quyết bài toán khó khăn về địa điểm bền vững mà nhiều không gian sáng tạo đang gặp phải. Việc “đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân” mở ra cơ hội cho các quỹ đầu tư, chương trình hỗ trợ tài chính trong và ngoài nước hướng đến lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, đáp ứng mong mỏi về hỗ trợ kinh phí cho các dự án văn hóa, nghệ thuật tiềm năng.

Cùng với đó, chủ trương “giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm” được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, mở đường cho không gian sáng tạo kết nối nguồn lực, phát triển bắt nhịp thị trường quốc tế.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, mấu chốt của các chính sách, hoạt động phát triển đều trên tinh thần sáng tạo, phục vụ Nhân dân. Nghị quyết số 68-NQ/TW mang đến luồng sinh khí mới, hứa hẹn tạo ra những chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo nói riêng. “Chúng ta đang đứng trước cơ hội để có thể giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, đứng trước cơ hội vàng để cùng nắm tay nhau đi trên một đại lộ. Nghị quyết 68 là bệ phóng để sáng tạo cất cánh”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-quyet-68-be-phong-de-sang-tao-cat-canh-10371698.html
Zalo