Thương mại hàng giả toàn cầu gây rủi ro cho sự an toàn của người tiêu dùng
HNN.VN - Thương mại hàng giả toàn cầu vẫn là mối đe dọa lớn đối với các nền kinh tế, người tiêu dùng và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, theo báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) công bố.

Hàng giả được định giá khoảng 467 tỷ USD trong thương mại toàn cầu năm 2021. Ảnh minh họa: Shutter Stock
Phân tích dựa trên các dữ liệu mới nhất có sẵn cho thấy, hàng giả được định giá khoảng 467 tỷ USD trong thương mại toàn cầu vào năm 2021. Kể từ đó, các mô hình và rủi ro cơ bản tương tự vẫn tiếp tục thúc đẩy hoạt động buôn bán hàng giả toàn cầu.
Báo cáo “Bản đồ Thương mại hàng giả toàn cầu năm 2025” đánh dấu nghiên cứu chung thứ tư của OECD và EUIPO, cung cấp bức tranh chi tiết về hoạt động buôn bán hàng giả toàn cầu, đồng thời đưa ra hướng dẫn thực tế cho các nhà hoạch định chính sách để bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp pháp, và duy trì tính toàn vẹn của thương mại quốc tế.
Trong đó, quần áo, giày dép và đồ da vẫn nằm trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm tổng cộng 62% hàng giả bị thu giữ. Ngoài ra, báo cáo cũng phát hiện những kẻ làm hàng giả đang mở rộng sang những lĩnh vực mới, tiếp cận gần như mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Các loại hàng giả nguy hiểm, bao gồm phụ tùng ô tô, thuốc men, mỹ phẩm, đồ chơi và thực phẩm ngày càng phổ biến, gây ra những rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.
“Buôn bán bất hợp pháp đe dọa đến an toàn công cộng, làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ và cản trở tăng trưởng kinh tế, rủi ro có thể gia tăng khi những kẻ làm hàng giả tận dụng các công nghệ và kỹ thuật mới để tránh bị phát hiện. Việc OECD liên tục theo dõi và lập bản đồ về hoạt động buôn bán hàng giả toàn cầu cho thấy các cơ quan chức năng cần áp dụng các công cụ mới và tăng cường hợp tác, cũng như chia sẻ thông tin”, Tổng Thư ký OECD, ông Mathias Cormann lưu ý.
Báo cáo cũng nêu bật cách các tuyến đường thương mại hàng giả đang mở rộng. Những kẻ làm hàng giả đang gia tăng việc sử dụng các tuyến đường thủy quốc tế và áp dụng các chiến lược “nội địa hóa”, vận chuyển những bộ phận hoặc bao bì chưa lắp ráp để lắp ráp các sản phẩm giả gần hơn với thị trường cuối cùng, làm phức tạp thêm công tác phát hiện hàng giả.
Những kẻ làm hàng giả đang nhanh chóng sản xuất các phiên bản giả mạo của các sản phẩm có nhu cầu cao, quảng cáo trực tuyến và tận dụng những phương thức vận chuyển ít bị giám sát hơn; khoảng 65% các vụ thu giữ hàng giả bao gồm các bưu kiện, cho thấy sự chuyển dịch sang các kênh phân phối nhanh, tiện lợi và rủi ro kiểm tra thấp hơn.
Nhằm giải quyết mối đe dọa này trên toàn thế giới, nghiên cứu chung của OECD và EUIPO kêu gọi tiếp tục giám sát và phản ứng phối hợp hơn, bao gồm chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa các cơ quan hải quan, cảnh sát, đơn vị tình báo tài chính và các cơ quan giám sát thị trường.
Bên cạnh đó, hợp tác chặt chẽ hơn và trao đổi các cách làm tốt nhất giữa các bên trung gian thương mại, dịch vụ bưu chính và vận chuyển, khu thương mại tự do và các công ty hậu cần là điều cần thiết để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả.