Nghị quyết 57 - 'Một làn gió mới'
Trước đây tôi thường khá ngại ngồi nghe các hội thảo về Chuyển đổi số: nội dung dài, ý tứ ít khi rõ... một hai anh chị em làm chuyên môn báo cáo rồi kết thúc hội thảo. Nhưng khi đọc đến Nghị quyết 57 vừa qua tôi lại thấy khác hẳn: nội dung sâu sắc, ý tứ rõ ràng đến từ các Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Và dù không phải là một đảng viên, tôi đã chắt lọc các định hướng của Nghị quyết và áp dụng vào triển khai công việc ngay trong năm 2025 của cơ quan mình.
Điều làm tôi ấn tượng nhất là cách Nghị quyết đặt đề bài cho khái niệm Chuyển đổi số. Không còn là những công nghệ cao siêu như AI hay Blockchain, mà đơn giản là "thiết lập một cách làm việc mới". Tôi làm việc trong lĩnh vực dầu khí, và điều này thật sự có ý nghĩa sâu sắc và thực tiễn khi nhìn vào một hoạt động truyền thống của ngành là khoan khai thác. Với các dự án phát triển mỏ có tới nghìn giếng khoan (loại slim holes - loại giếng khoan có đường kính nhỏ), trước đây việc quyết định góc khoan, hướng khoan và các thông số kỹ thuật phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của kỹ sư khoan. Mỗi quyết định thường mất nhiều lần họp bàn, trao đổi qua điện thoại và email, xin ý kiến khá lâu... trong khi chi phí giàn khoan thì tính từng ngày.
Giờ đây, với bản sao số - phân tích dữ liệu địa chất và các thông số khoan thời gian thực, chúng ta có thể đưa ra quyết định tính theo phút, theo giờ. Nhưng quan trọng hơn là cách làm việc của cả đơn vị đã thay đổi - từ việc phải chờ đợi các cuộc họp, trao đổi rời rạc... giờ đây cả team onshore và offshore đều nhìn vào cùng một dashboard số, cùng phân tích dữ liệu thời gian thực và ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn nâng cao đáng kể hiệu quả và an toàn của hoạt động khoan.
Nghị quyết 57 còn phân tích về vấn đề lý luận mà chúng ta gọi là mối quan hệ giữa "phương tiện sản xuất" và "quan hệ sản xuất" - nghe cao siêu nhưng lại đời thường: Không thể chỉ mua sắm công nghệ mà không thay đổi cách làm việc. Tôi từng nghe về các dự án số hóa văn phòng tốn cả triệu đô: máy tính xịn, phần mềm quản lý tài liệu hiện đại, chữ ký số đầy đủ. Nhưng kết quả là mọi người vẫn in tài liệu ra giấy để trình ký, sau đó scan lại để lưu hồ sơ. Một mục tiêu, hai công việc! Trong khi đó, tôi thấy một đơn vị khác thành công với dự án nhỏ hơn nhiều, chỉ vì họ tập trung vào thay đổi quy trình và tư duy trước: từ lãnh đạo đến nhân viên đều cam kết "zero paper", mọi phê duyệt đều thực hiện trên hệ thống.
Tôi vẫn được nhắc nhiều về bài học Đổi mới của thế hệ trước đây: không phải thiếu máy móc hiện đại, mà phải thay đổi cơ chế, trao quyền cho doanh nghiệp và người dân thì mới tạo ra đột phá thật sự. Tương tự, chuyển đổi số không đơn thuần là việc thay "công cụ cũ" bằng "công cụ mới", mà quan trọng hơn là phải thay đổi cả "cách nghĩ" và "cách làm", đặc biệt là văn hóa làm việc của tổ chức.
Và điều quan trọng nhất mà cả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 951-NQ/ĐU mới đây của Đảng ủy Petrovietnam đều nhấn mạnh: Con người - Cơ chế - Công nghệ. Thứ tự này rất quan trọng. Đã có quá nhiều bài học về các dự án đổ tiền vào công nghệ trước, rồi mới lo đến đào tạo người dùng sau. Kết quả là phần mềm đắt tiền nằm im, vì không ai biết dùng hoặc không muốn dùng. Ở đơn vị và Tập đoàn, chúng tôi đã làm ngược lại: tập trung vào đào tạo nhân viên trước, xây dựng quy trình làm việc mới, rồi mới từng bước đưa công nghệ vào. Kết quả dài hạn sẽ cần thời gian kiểm chứng, nhưng trước mắt mọi người hào hứng đón nhận cái hay, cái mới hơn nhiều.
Nói về làn gió mới này, tôi lại càng tâm đắc với từ "chuyển" trong câu chuyện Chuyển đổi số. Tôi thích chuyển hơn là đổi. Từ chuyển theo Hán Nôm sẽ gồm chữ "xe" - phương tiện để di chuyển và chữ "chuyên" - nghĩa là có chủ đích, tập trung. Đấy là bản chất của Chuyển đổi số mà Nghị quyết 57 đề cập: không chỉ là có "phương tiện" (công nghệ số) mà quan trọng hơn là phải có "chủ đích" rõ ràng. Giống như một cỗ xe, dù tốt đến mấy mà không biết đi đâu, về đâu thì cũng vô nghĩa. Chữ chuyển cũng hàm ý sự chuyển động theo vòng tròn, từ điểm này sang điểm khác một cách liên tục. Thì đúng là Chuyển đổi số không phải là một dự án "một lần xong" mà là một hành trình liên tục - từ con người đến quy trình, từ công nghệ đến văn hóa, tất cả đều phải "chuyển" cùng nhau, liên tục và kiên trì.
Hãy cùng nhau ta thay đổi cho kỷ nguyên mới của dân tộc, cho nhiệm vụ, tầm vóc mới của Petrovietnam!