Nghị quyết 57 cho thấy xu hướng chuyển mình của đất nước
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được nhiều trí thức, nhà khoa học đánh giá là 'Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học', 'Nghị quyết của hành động' với những mục tiêu rất cụ thể, giúp đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới.
Các nhà khoa học Việt Nam kỳ vọng, Nghị quyết 57 không chỉ giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội mà còn thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chia sẻ góc nhìn về những chính sách đột phá nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 57, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đã có thời điểm thể chế về khoa học công nghệ còn nhiều điểm "nghẽn" khiến cả cơ hội và thu nhập trong lĩnh vực này đều không theo kịp các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, thời gian học tập để trở thành nhà nghiên cứu bậc cao lại rất dài, chưa kể điều kiện nghiên cứu, giao lưu học hỏi với cộng đồng khoa học quốc tế khá hạn chế do nhiều quy định chi phối... Do đó, Nghị quyết 57 ra đời thực sự đã truyền nguồn cảm hứng mới, động năng mới để không chỉ các nhà khoa học mà cả những bạn trẻ yêu thích khoa học yên tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Nghị quyết 57 cũng đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tri thức, mà còn được chuyển hóa thành công nghệ, ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn phục vụ nền kinh tế số.
Về 7 nhiệm vụ, giải pháp được nêu rõ trong Nghị quyết 57, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá, những nội dung này rất trúng và đúng, không chỉ bao phủ hết các vấn đề căn cốt để thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của tất cả các bên có liên quan mà còn tạo ra các yếu tố đột phá. Đặc biệt, việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho thấy xu hướng chuyển mình của đất nước, là thời cơ, vận hội mới cho các nhà khoa học, giúp họ yên tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu và sáng tạo, cống hiến cho đất nước.
Để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê đề xuất, Nhà nước cần nhanh chóng chỉnh sửa, ban hành các chính sách, các quy định phù hợp thực tiễn để tạo thể chế, thị trường cạnh tranh hiệu quả, công bằng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với đó, có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ. Các doanh nghiệp cần không chỉ trở thành nhà tài trợ, mà còn là người đặt hàng, tham gia đánh giá, làm giàu thêm giá trị các sản phẩm; tiếp nhận và chuyển giao các kết quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào sản xuất.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, khi Nghị quyết 57 được triển khai rộng rãi, các nhà khoa học sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu nhằm đạt được những mục tiêu cuối cùng. Đây chính là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn trong kỷ nguyên mới. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê cho rằng, trước yêu cầu và cơ hội từ Nghị quyết 57, các trí thức, nhà khoa học cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn tới.