Đề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng để phát triển vũ khí hiện đại

Bộ Quốc phòng đề xuất thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng với nhiệm vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại.

Nội dung trên được đề cập tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, chuẩn bị được Bộ Tư pháp họp thẩm định.

Một trong những điểm lớn của dự thảo do Bộ Quốc phòng trình là thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu và phát triển được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.

Tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu và phát triển được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.

Theo dự thảo, tổ hợp công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất vật tư kỹ thuật, sản phẩm và cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất quốc phòng.

Đồng thời tập trung vào 2 nhiệm vụ, bao gồm: sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại; nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí trang bị kỹ thuật bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong chiến tranh hiện đại.

Ngoài ra, tổ hợp công nghiệp quốc phòng sẽ nghiên cứu, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng; chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, đặc biệt là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

Theo đề xuất của Bộ Quốc phòng, tổ hợp công nghiệp quốc phòng được Nhà nước ưu đãi xây dựng cơ chế thu hút, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, đặc biệt là vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược; tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ được giao...

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng còn đảm nhiệm chức năng nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh; chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh và thúc đẩy phát triển các nhóm ngành có hàm lượng công nghệ cao.

Dự thảo do Bộ Quốc phòng xây dựng nêu rõ thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm: hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng; các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt không phải là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng; các cơ sở công nghiệp quốc phòng khác; các cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng; các cơ sở công nghiệp động viên.

Tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Nghị định, Bộ Quốc phòng cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu và định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, theo đó "cần xây dựng và phát triển CNQP tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia".

Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 08 ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ cần phải tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại…

Theo Bộ Quốc phòng, qua nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tại các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… đều có các tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo nhóm chuyên ngành sản phẩm như tổ hợp công nghiệp hàng không - vũ trụ, tổ hợp công nghiệp quốc phòng đóng tàu quân sự,…

Còn tại Việt Nam, hiện chưa có quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng dẫn đến chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh để hình thành nên hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tổ chức, doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật.

Do đó, Bộ Quốc phòng khẳng định việc xây dựng các quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết nhằm hình thành các tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở nước ta và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/de-xuat-xay-dung-to-hop-cong-nghiep-quoc-phong-de-phat-trien-vu-khi-hien-dai-ar921824.html
Zalo