Đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán không tiền mặt

Sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động… ngày càng phổ biến. Song song với đó các ngân hàng cũng đầu tư lớn về tài chính, công nghệ, con người…

Nhộn nhịp mua sắm trực tuyến

Những ngày cuối năm và đầu năm trên khắp các chợ mạng, từ bánh mứt, hoa quả, đặc sản vùng miền, đến đồ trang trí nhà cửa… đa dạng mời chào khách. Chỉ vài cú “chạm” điện thoại, chị Hoa nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã mua đủ đồ cần thiết cho Tết Nguyên đán năm nay. Không chỉ sắm một mình, nhiều người còn ghép đơn để săn ưu đãi giảm giá, miễn phí vận chuyển, “tiết kiệm cả triệu đồng mà chẳng tốn công sức"- chị Hoa chia sẻ.

Các sàn thương mại điện tử lớn triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ người bán và thu hút người mua.

Các sàn thương mại điện tử lớn triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ người bán và thu hút người mua.

Mua hàng online không xa lạ với người dân. Gần đây, tiểu thương cũng thành thạo công nghệ nhận đơn hàng qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội… tích hợp thêm thanh toán quét mã, chuyển khoản như một cách tạo tiện ích cho người mua. Đối với các cá nhân bán hàng trực tuyến không mất phần phí chia sẻ với trung gian (khoảng 20% giá trị đơn hàng). Các cửa hàng bán món ngon ngày Tết cũng cạnh tranh bằng cách phối hợp với ví điện tử khuyến mãi cho khách hàng nhận hàng trước trả tiền sau.

Cùng với nhu cầu mua sắm online, các sản phẩm thanh toán tiện ích như cà thẻ, quét mã QR, thanh toán một chạm bằng nhận diện khuôn mặt (Facepay)... được các ngân hàng đẩy mạnh. Các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại mang lại tiện lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người bán hàng và mua hàng. Sản phẩm thanh toán của ngân hàng và các trung gian thanh toán đa dạng còn góp phần vào thúc đẩy doanh số, doanh thu cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong những mùa cao điểm mua sắm như lễ, tết.

Năm 2024, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển vượt bậc. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2024 thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển vượt bậc, khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội. Theo đó, thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam ghi nhận tổng giá trị giao dịch (GTV) ấn tượng, tăng từ 126 tỷ USD vào năm 2023 lên 149 tỷ USD vào năm 2024.

Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết, bên cạnh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương dẫn đầu về tăng trưởng thanh toán không tiền mặt, thì năm 2024 đã chứng kiến sự bứt phá đáng chú ý từ các tỉnh thành khác, chẳng hạn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… “Những con số tăng trưởng cao, tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt đã cho thấy sự phổ cập dịch vụ ngân hàng và thành công trong tạo lập, phát triển hệ sinh thái số”- ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN chia sẻ.

NHNN các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, thu nợ thuế; thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia…

Hướng tới hệ sinh thái số toàn diện

Hoạt động thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đi liền với đó là thách thức bảo mật, an ninh, an toàn thông tin, đối phó với tội phạm mạng và vô số các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong thanh toán trực tuyến ngày càng tinh vi bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại... Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

Năm 2024 là năm có khá nhiều thay đổi về các yêu cầu pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán không tiền mặt cũng như tăng cường bảo mật cho khách hàng. Các chính sách và quy định mới được ban hành không chỉ nhằm nâng cao tính bảo mật mà còn tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân khi tham gia giao dịch tài chính.

Để tăng cường bảo mật, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ CCCD. Quy định này hướng đến việc đảm bảo tính chính chủ của tài khoản ngân hàng và ví điện tử, đồng thời nâng cao khả năng phòng chống gian lận, bảo vệ tài sản của người dân.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn SMS, email có chứa link liên kết (hyperlink) truy cập các trang tin điện tử, nhằm tránh đường link giả mạo, trừ trường hợp theo yêu cầu của khách hàng...

NHNN cũng đề cập đến nhiều nội dung về an toàn, bảo mật khác. Đơn cử, ứng dụng ngân hàng điện tử sẽ không cho phép chức năng ghi nhớ mật khẩu. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần có giải pháp phòng, chống, phát hiện các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking đã cài đặt trong thiết bị di động của khách hàng.

Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt và phòng chống tội phạm công nghệ cao…Về phía các ngân hàng thương mại, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Các ngân hàng mở rộng đầu tư nâng cấp, đổi mới và phát triển hạ tầng công nghệ, tăng cường nguồn nhân lực trình độ cao. Nâng cao năng lực quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế, giúp cải tiến mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả như Basel II, Core Banking, CTOM, ERP, RTOM...

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dam-bao-an-toan-bao-mat-trong-thanh-toan-khong-tien-mat.html
Zalo