Nghệ thuật 'đánh điểm, diệt viện' trong Chiến dịch Biên giới

Trong Chiến dịch Biên giới (diễn ra từ ngày 16-9 đến 14-10-1950), lần đầu tiên quân ta tiến hành vận động tiến công quy mô đại đoàn, tiêu diệt gọn các binh đoàn tinh nhuệ của địch.

Qua chiến dịch khẳng định trình độ chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội có sự tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt, nghệ thuật chọn đúng mục tiêu, tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực; nghệ thuật tác chiến trong trận then chốt, đánh điểm, diệt viện... để lại nhiều bài học quý.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh, quân ta quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch “Lê Hồng Phong 2”, tiến công địch trên tuyến phòng thủ Đường số 4 thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới Việt-Trung, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa. Hội nghị cán bộ chiến dịch họp cuối tháng 8-1950, Bộ chỉ huy chiến dịch đã nhấn mạnh nguyên tắc đánh tiêu diệt. "Phải lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính, không đánh tiêu hao hoặc đánh tan... Phàm những trận không tiêu diệt được sinh lực địch đều coi là không hoàn thành được nhiệm vụ chiến đấu".

Các đơn vị tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950 làm lễ xuất phát, lên đường ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Các đơn vị tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950 làm lễ xuất phát, lên đường ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Các nhiệm vụ đề ra cho chiến dịch liên quan mật thiết với nhau nhưng nhiệm vụ hàng đầu là "tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch". Đó là điều kiện chủ yếu để đạt mục đích giải phóng đất đai, khai thông biên giới. Trong điều kiện thực tế lúc đó trình độ trang bị và khả năng chiến đấu của Quân đội ta, thế bố trí của địch, đặc điểm địa hình rừng núi Đông Bắc, cách đánh tốt nhất để tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và hạn chế thương vong của ta là đánh vận động, đánh địch ngoài công sự. Phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính” đã trở thành hành động chủ động, sáng tạo của từng phân đội trong những tình huống rất khẩn trương, nhất là khi hai binh đoàn địch xuất hiện. Trong nhiều trường hợp cụ thể ngoài tầm chỉ đạo, chỉ huy của cấp trên, nhiều phân đội đã "chủ động hiệp đồng theo tiếng súng".

Trong trận ở Cốc Xá-điểm cao 477, ta sử dụng Đại đoàn 308 vận động đánh địch ở địa hình rừng núi, trong phạm vi gần 60km, thực hiện chia cắt, kiềm chế hai binh đoàn Charton và Le Page cơ động của địch, dồn chúng vào thế bất lợi, tổ chức các bộ phận đón lõng, bao vây, chia cắt để tập trung diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ binh đoàn Le Page ở Cốc Xá. Tiếp đó, Đại đoàn 308 phối hợp với Trung đoàn 209 ngăn chặn, chia cắt rồi vận động tiến công tiêu diệt toàn bộ binh đoàn Charton tại điểm cao 477. Kết quả, quân ta đã diệt và bắt toàn bộ quân địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn vượt xa dự kiến ban đầu của ta.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của việc thực hiện phương châm tác chiến này bộc lộ rõ trong những ngày cuối chiến dịch, khi ta chuyển sang truy kích địch. Do tác động của nhiều yếu tố (tổ chức cơ quan cồng kềnh, mệnh lệnh chuyển đạt chậm, ý thức chấp hành mệnh lệnh của cán bộ thiếu khẩn trương, sức lực bộ đội giảm sút rõ rệt sau nhiều ngày chiến đấu liên tục, tiếp tế khó khăn, địch rút chạy vội vã ngoài dự kiến của ta...) cho nên hiện tượng phổ biến trong mấy ngày truy kích là "ta chỉ chú trọng đuổi địch đi hơn là đuổi cho kịp địch mà tiêu diệt".

Trong chiến dịch này, quân ta tập trung ưu thế hơn hẳn về binh lực, hỏa lực trong các trận then chốt từ đánh điểm đến diệt viện. Ở trận Đông Khê, ta tập trung binh lực ưu thế (ta 9 địch 1) và hỏa lực, mở cửa đột phá trên nhiều hướng nên giành thắng lợi, mặc dù trận đánh kéo dài hơn và thương vong nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, việc sử dụng hỏa lực và hiệp đồng bộ binh-pháo binh còn nhiều khuyết điểm, nhất là trong ngày đầu: Hỏa khí tập trung nhưng mỗi lần bắn, chỉ bắn một khẩu; về mặt hiệp đồng thì bộ binh và pháo binh hành động không ăn khớp, pháo bắn sau hai giờ thì xung kích mới lên...

Khi chuyển sang đánh viện, ta tập trung lực lượng ở các vị trí cơ động giữa Đông Khê và Thất Khê, nhưng so với trận đánh điểm thì đánh vận động tỷ lệ tập trung thấp hơn. Ngày 2-10-1950, khi quân ta bắt đầu đánh binh đoàn Le Page, ta 13 tiểu đoàn, địch 4 tiểu đoàn. Ngày hôm sau, khi binh đoàn Charton xuất hiện thì ta 16 tiểu đoàn (gồm cả Trung đoàn 174 mới từ phía Nam lên) còn địch có 7 tiểu đoàn. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ đó chỉ là 2/1, vì hai tiểu đoàn của Trung đoàn 174 phải triển khai trận địa đón lõng quân địch ở khu vực sông Bắc Khê.

Suốt 5 ngày, các đơn vị phải tiến hành đồng thời nhiều nhiệm vụ tác chiến: Diệt địch ở Khâu Luông đồng thời với chặn địch ở Cốc Xá; dứt điểm binh đoàn Le Page ở Cốc Xá đồng thời với chặn binh đoàn Charton từ hướng Quang Liệt về điểm cao 477; truy quét tàn binh địch ở Cốc Xá-điểm cao 477 đồng thời với chặn cánh quân của địch...

Nguyên nhân chủ quan có ý nghĩa quyết định thắng lợi của trận đánh trong điều kiện mức tập trung của ta không cao, đó là cách xử trí tình huống của Bộ chỉ huy chiến dịch khi cả hai binh đoàn địch cùng xuất hiện. Việc điều hai tiểu đoàn của Trung đoàn 209 ngày 4-10 lên hướng Quang Liệt, về hình thức có thể coi là phân tán lực lượng của ta, nhưng đó là cách xử trí rất sáng suốt nhằm ngăn chặn bước tiến của cánh quân Cao Bằng, làm cho hai binh đoàn địch chậm lại không phối hợp được với nhau hòng tạo thành sức mạnh đối phó với ta.

Chính với quyết tâm diệt binh đoàn Le Page trước, đồng thời kiềm chế binh đoàn Charton, nên ta tạo được thời cơ và điều kiện tập trung lực lượng, vừa tạo được thế trận chia cắt có lợi cho ta, phá thế co cụm của hai binh đoàn địch, vừa tạo nên sức mạnh đúng lúc, đánh đúng đối tượng cụ thể trước mắt, tiến tới tiêu diệt cả hai binh đoàn địch bằng hai trận then chốt gối đầu, kế tiếp trong ưu thế tương đối về so sánh tương quan lực lượng...

VĂN BIỀN - ĐỨC HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-danh-diem-diet-vien-trong-chien-dich-bien-gioi-793023
Zalo