Bầu cử Mỹ trước 'giờ G': 'Kỳ phùng địch thủ' Trung Quốc vẫn gia tăng sức ảnh hưởng, chiến lược châu Á sẽ được định hình ra sao?

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính và các chuyên gia đang cố gắng tìm hiểu và phân tích các nền tảng chính sách đối ngoại tiềm năng của cả hai ứng cử viên chính. Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, mỗi bên đều đang tìm cách mô tả bên kia là 'yếu thế trước Trung Quốc' trong nỗ lực vượt qua phe đối lập.

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang tìm cách mô tả bên kia là "yếu thế trước Trung Quốc". (Nguồn: US Informal Newz)

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang tìm cách mô tả bên kia là "yếu thế trước Trung Quốc". (Nguồn: US Informal Newz)

Ông Trump kêu gọi áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lấy lý do là các thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đang vật lộn để điều chỉnh với bối cảnh tách rời giữa Washington và Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng.

Bà Harris lại nhấn mạnh mục tiêu của bà khi trở thành tân Tổng thống sẽ là "đảm bảo để nước Mỹ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong thế kỷ 21".

Còn đối với một số nhà bình luận theo dõi chặt chẽ tình hình châu Á, sẽ có rất ít sự khác biệt giữa hai ứng cử viên Tổng thống. Cả ông Trump và bà Harris, xét cho cùng, đều đề cao sức mạnh Mỹ và thống nhất quan điểm rằng nền kinh tế số một thế giới đang bị kẹt trong một cuộc cạnh tranh có tổng bằng không với Trung Quốc.

Trên thực tế, có hai sự thật khó khăn nhưng buộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa phải chấp nhận nếu muốn xây dựng một chiến lược châu Á lâu dài: Thứ nhất, nước Mỹ sẽ không còn được hưởng vị thế vô song là siêu cường duy nhất trên thế giới. Thứ hai, năng lực của Trung Quốc không còn bị nhìn nhận với con mắt nghi ngờ trên toàn cầu.

Theo hầu hết các thước đo khách quan, vị thế của Washington ở châu Á vào cuối năm 2024 đang được đánh giá là an toàn hơn so với thời điểm năm 2020.

Cụ thể, chính quyền Tổng thống Biden hiện đã được phép tiếp cận 9 căn cứ quân sự tại Philippines - một phần trong Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) được ký kết năm 2014. Năm 2023, Mỹ đã thiết lập một tam giác mới với hai đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hoàn tất việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến đáng chú ý của Washington trong thời gian gần đây, sự suy giảm ảnh hưởng của siêu cường số một thế giới ở khu vực châu Á được dự báo là đáng lo ngại.

Thông qua việc tiếp tục đưa ra một chiến lược ngầm thừa nhận quyền lãnh đạo toàn cầu trong khi lại xa rời cấu trúc kinh tế khu vực đang phát triển bằng cách từ chối tham gia các thỏa thuận thương mại tự do, Mỹ đang dần mất đi ảnh hưởng ở châu lục lớn nhất hành tinh.

Sự thiếu quan tâm và thiếu nhất quán của chính quyền Tổng thống Biden cần phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại và điều này có thể được khắc phục – nhưng thời gian đang dần cạn kiệt.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường xuyên nhấn mạnh rằng Washington là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng điều này chỉ đúng nếu xem xét trên tổng lượng cổ phiếu đầu tư. Theo dữ liệu mới từ Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn đáng kể vào khu vực này so với Mỹ (218 tỷ USD so với 158 tỷ USD).

Các chuyên gia phân tích nhận định, cho dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa, chính quyền tiếp theo đều có cơ hội định hình lại chính sách châu Á của Washington để đáp ứng nhu cầu về một vai trò tích cực và cân bằng hơn của Mỹ trong khu vực. Theo đó, chủ nhân của Nhà Trắng sắp tới nên cân nhắc 3 nguyên tắc để đạt được sự cân bằng đúng đắn:

Đầu tiên, các quốc gia châu Á muốn có sự hiện diện ôn hòa và bền vững hơn của Mỹ, không chỉ dựa trên quan hệ đối tác an ninh và căn cứ quân sự mà còn ở khả năng cung cấp các nguồn lực cần thiết như đầu tư kinh tế và tài chính phát triển để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng ở khu vực này.

Tầng lớp trung lưu của châu Á dự kiến sẽ tăng lên 3,5 tỷ người vào năm 2030, trở thành tầng lớp lớn nhất thế giới. Một báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu về cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ lên tới 1,7 nghìn tỷ USD/năm cho đến năm 2030 khi tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dù vậy, theo một nghiên cứu gần đây, nguồn tài chính phát triển chính thức cho khu vực Đông Nam Á vào năm 2022 đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2015, tính theo giá trị thực tế.

Thứ hai, Mỹ không nhất thiết phải là quốc gia hùng mạnh nhất để có thể đóng góp tích cực cho trật tự khu vực. Các nhà hoạch định chính sách của Washington vẫn đang xây dựng chiến lược khu vực dựa trên giả định rằng Mỹ vẫn đang ở vị trí số một thế giới và không gặp thách thức ở châu Á. Tuy vậy đây là một mục tiêu không thực tế.

Một chính sách đối ngoại dựa trên quyền tối cao được cho là sẽ lãng phí nguồn lực khan hiếm và gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách, nhất là vào thời điểm cử tri Mỹ quan tâm nhất đến "sức khỏe" của nền kinh tế và dịch vụ chăm sóc y tế.

Cuối cùng, các quốc gia châu Á không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc vẫn luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của các quốc gia châu Á và điều này sẽ tiếp tục được khẳng định và duy trì.

Trước những hạn chế đối với quyền lực và sức ảnh hưởng của mình, tân Tổng thống Mỹ cần nhận ra giá trị của các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ trên toàn cầu; tiếp tục trao quyền cho các đối tác và đồng minh sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

Dù vậy, hiện tại không bên nào cho thấy bất kỳ dấu hiệu sẽ từ bỏ quỹ đạo hiện tại - vốn ưu tiên sự cạnh tranh với Trung Quốc bằng mọi giá cùng mục tiêu mơ hồ là chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược này.

Mặc dù chính sách đối ngoại chưa bao giờ là vấn đề ưu tiên trong bất kỳ cuộc bầu cử nào của Mỹ, nhưng được xếp hạng tương đối cao trong danh sách các mối quan tâm của cử tri nước này: 62% tất cả cử tri cho biết chính sách đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong việc ra quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai (70% những người ủng hộ ông Trump và 54% những người ủng hộ bà Harris).

Cả ông Trump hay bà Harris đều muốn làm nổi bật vai trò là ứng cử viên của "sự thay đổi" và sự thay đổi chính xác là điều mà chiến lược châu Á của nước Mỹ trong tương lai đang cần. Cuộc bầu cử đang mang đến một cơ hội có giá trị để hình dung lại các mục tiêu của Washington trong bối cảnh thực tế toàn cầu thế kỷ 21.

(theo Pacific Forum)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-truoc-gio-g-ky-phung-dich-thu-trung-quoc-van-gia-tang-suc-anh-huong-chien-luoc-chau-a-se-duoc-dinh-hinh-ra-sao-292375.html
Zalo