Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông

Từ lâu, nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông không chỉ là công việc tạo ra những nông cụ thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân trong vùng. Ngày nay, dù có nhiều công cụ sản xuất bằng công nghiệp giá rẻ, nhưng ở bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, vẫn có những lò rèn vẫn ngày đêm rực lửa, gìn giữ tinh hoa nghề truyền thống.

Ông Mùa A Trống, một trong những thợ rèn còn lưu giữ nghề rèn tại bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc.

Ông Mùa A Trống, một trong những thợ rèn còn lưu giữ nghề rèn tại bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc.

Ghé thăm gia đình ông Hạng A Sự, người gắn bó với nghề rèn lâu nhất ở Tà Số 1 với hơn 60 năm. Dù tuổi đã cao, nhưng từng nhát búa của ông vẫn vang lên chắc nịch, khỏe khoắn. Những con dao, cái cuốc, xẻng do ông rèn không chỉ bền, sắc, còn có nét tinh xảo riêng, được bà con trong bản và du khách ưa chuộng. Ông Sự nói: Để tạo ra một sản phẩm rèn chất lượng, những người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chuẩn bị nguyên liệu, cắt sắt, nung, rèn tạo hình, tôi thép, mài sắc, đến tra cán và làm vỏ đựng đối với dao.

Lò rèn của người Mông tuy giản đơn, nhưng đầy đủ công năng, đắp từ đá và đất rồi kè thêm gỗ để cố định. Bễ thổi gió nằm ngang cạnh bếp, làm từ một khúc cây lớn khoét rỗng, bên trong có pít-tông gắn lông gà giúp tạo luồng gió mạnh, giữ lửa luôn rực đỏ cho quá trình rèn. Cùng với các dụng cụ như: búa, kìm kẹp, đá mài, đe sắt, chậu nước, thân cây chuối tươi và than hoa… tất cả đều phục vụ quá trình chế tác.

Nguyên liệu chính để rèn nông cụ chủ yếu là sắt tận dụng từ phế thải. Tùy vào từng loại công cụ, người thợ chọn loại thép phù hợp. Đối với liềm, dao phát hay rìu... thường sử dụng nhíp ô tô, lò xo hay thép xây dựng, là những loại thép có độ dẻo cao, chống rỉ tốt, giúp sản phẩm sắc bén, bền chắc theo năm tháng.

Các cháu thiếu nhi quan sát ông Hạng A Sự, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu rèn dao.

Các cháu thiếu nhi quan sát ông Hạng A Sự, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu rèn dao.

Nghề rèn đòi hỏi người thợ không chỉ có sức khỏe, còn cần sự khéo léo, kiên trì, sáng tạo và quan trọng nhất là lòng yêu nghề. Mỗi sản phẩm được tạo ra hoàn toàn thủ công, kết tinh từ công sức và tâm huyết của người thợ. Vì vậy, giá bán các loại nông cụ, dao rèn tay thường cao hơn dao công nghiệp trên thị trường 2-3 lần.

Trò chuyện với ông Sự chia sẻ thêm: Tôi học nghề rèn từ năm 15 tuổi, truyền qua ba thế hệ trong gia đình, từ ông nội, đến cha, rồi đến tôi. Nghề rèn là công việc nặng nhọc, vất vả, lại không mang lại thu nhập cao, nên giờ đây nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề. Tuy nhiên, tôi vẫn tận tâm truyền dạy cho con cháu, mong muốn thế hệ sau tiếp tục nối nghiệp, gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, để ngọn lửa rèn không bao giờ tắt.

Ông Mùa A Di, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Số 1, chia sẻ: Hiện nay, bản có 197 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có lò rèn, nhưng giờ chỉ còn 3 hộ giữ nghề. Cái khó là lớp trẻ không còn mặn mà, khiến nghề rèn đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn nghề rèn truyền thống, bản tổ chức tuyên truyền vận động con cháu học nghề. Đặc biệt vào dịp hè, các cháu nhỏ được đưa đến lò rèn để quan sát, học hỏi, từng bước tiếp thu những bí quyết cha ông để lại. Bên cạnh đó, thị xã Mộc Châu đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề rèn, biến những lò rèn thành điểm trải nghiệm cho du khách.

Từ đầu năm đến nay, bản Tà Số 1 đón hơn 3.000 lượt du khách, thu khoảng 300 triệu đồng. Điều này, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Mông, trong đó có nghề rèn truyền thống.

Bài, ảnh: Linh Trang (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nghe-ren-cua-dong-bao-dan-toc-mong-Ah9WAjcNg.html
Zalo