Hoài cổ văn hóa Cao Lan

Cách thành phố Tuyên Quang không xa có một ông cụ gần 80 tuổi vẫn ngày ngày gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan. Trong căn nhà sàn truyền thống, chúng tôi được nghe những câu chuyện thú vị về cuốn gia phả 500 năm của dòng họ Tiêu và văn hóa độc đáo của đồng bào Cao Lan. Ông là Tiêu Văn Quy, thôn 15, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang.

Nhà sàn U60

Như đã hẹn, dịp đầu năm mới chúng tôi tìm đến nhà ông Tiêu Văn Quy trong làn mưa xuân rả rích. Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình ông hiện ra nổi bật giữa những ngôi nhà xây của một xã nông thôn mới. Chậm chậm bước xuống cầu thang đón chúng tôi, ông bảo: “Bậc cầu thang này có tuổi đời ngót ông rồi, nhưng vẫn chắc chắn lắm. Thong thả vào uống trà, ông kể cho mà nghe!”.

Ông hồ hởi bảo: Năm ngoái có một đoàn khách Tây vào nhà ông tham quan, chụp ảnh. Ông chỉ sang một số căn nhà sàn bê tông mới ở trong làng nhưng khách Tây họ cứ lắc đầu. Phiên dịch của đoàn khách bảo, họ muốn chụp ảnh căn nhà sàn truyền thống bằng gỗ, mái lá để làm kỷ niệm. Rồi họ hỏi ông từng vật dụng trong căn nhà sàn với vẻ tò mò, thích thú.

Đó là vị trí của chiếc bếp lửa gắn với văn hóa thờ thần bếp, là chiếc cầu thang kết nối giữa trời và đất, những chiếc cột nhà to mấy người ôm không hết được các cụ dành tâm huyết cả đời… Rồi quá trình làm nhà đều được người dân tính toán kỹ lưỡng vừa đảm bảo chính xác, đẹp mắt vừa chứa đựng yếu tố tâm linh. Thấy người Tây ghi ghi, chép chép tỉ mỉ, ông vui lắm, ông càng thấy việc mình gìn giữ nếp nhà xưa là đúng đắn.

Căn nhà sàn truyền thống của gia đình ông Tiêu Văn Quy.

Căn nhà sàn truyền thống của gia đình ông Tiêu Văn Quy.

Nói vậy nhưng ông không bảo thủ. Căn nhà có dấu hiệu hư hỏng chỗ nào ông sửa chỗ đó. Mái lá cọ cũ qua mưa nắng đã bị hư hỏng, ông cũng lợp mái lá mới. Sàn nứa cũng được thay để đi lại cho chắc chắn. Mấy tấm ván làm vách bị mối mọt cũng được thay mới.... Do vậy, dù qua bao thời gian, căn nhà này vẫn vững chãi, giống như ông, mấy chục năm qua vẫn giữ mãi một tình yêu với văn hóa truyền thống.

Đến nay, xã Kim Phú đang đẩy mạnh phát triển du lịch homestay. Căn nhà sàn của ông vẫn mang một nét cổ xưa khiến bao du khách muốn khám phá.

Thôn 15 xã Kim Phú có gần 100% là đồng bào Cao Lan sinh sống và có tới 50% hộ vẫn sinh hoạt trong những nếp nhà sàn. Một làng quê đậm bản sắc văn hóa dân tộc thì việc phát triển làng du lịch homestay là một hướng đi phù hợp. Đến nay có 10 hộ đã đầu tư cải tạo những căn nhà sàn truyền thống phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng. Trong số đó, có 2 hộ giữ vẹn nguyên căn nhà sàn xưa, số còn lại đều cải tạo, thay thế bằng những chiếc cột bê tông và lát nền gạch hoa. Song dù nguyên vật liệu làm nhà có thay đổi nhưng kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Trong ngôi nhà ấy, họ vẫn nói với nhau bằng tiếng dân tộc, ngân nga những giai điệu Sình ca.

Cuốn gia phả 500 năm tuổi

Sống hoài cổ nên ông có thú say mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa người Cao Lan. Chính vì thế, ông được dòng họ Tiêu tin tưởng giao trọng trách nắm giữ gia phả dòng họ Tiêu đời thứ 5. Lật giở cuốn gia phả nhuốm màu thời gian, ông bảo, cuốn gia phả đó đến đời ông đã ngót tới 500 năm. Đó là báu vật của dòng họ bởi nó chứa đựng cả cội nguồn hàng trăm năm của họ Tiêu gắn với bao biến thiên của lịch sử.

Cuốn gia phả ghi chi tiết tên tuổi, ngày sinh của các thế hệ họ Tiêu được ghi tỉ mỉ gắn với những thành tích đáng tự hào của từng cá nhân họ Tiêu.Việc ghi gia phả dòng họ các thế hệ trong dòng tộc hiểu rõ về nguồn gốc và truyền thống của dòng họ, qua đó gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đạo đức đã được lưu truyền; thể hiện lòng kính trọng và nhớ ơn tổ tiên, nhân lên niềm tự hào, động viên, khích lên con cháu nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống để xứng đáng với truyền thống của cha ông, viết tiếp vào trang sử vàng của gia tộc.

 Ông Quy giới thiệu về cuốn gia phả dòng họ Tiêu.

Ông Quy giới thiệu về cuốn gia phả dòng họ Tiêu.

Ông Tiêu giãi bày: Được dòng họ tín nhiệm ông luôn gìn giữ cẩn thận và ghi chép đầy đủ con cháu dòng họ Tiêu đời thứ 5. Ông cũng luôn căn dặn con cháu biết giữ gìn gia phả của dòng họ, có ý thức xây dựng cuốn gia phả để lịch sử nguồn cội mãi trường tồn.

Muốn vậy, ông tích cực giáo dục con cháu hiểu rõ về nguồn gốc, tổ tông của người Cao Lan qua những cuốn sách cổ. Bởi ông hiểu rõ, tín ngưỡng, tập quán của người Cao Lan được thể hiện qua các chữ viết, tiếng nói, trang phục cùng các làn điệu dân tộc. Các cuốn sách hàm chứa một lượng lớn tri thức của dân tộc Cao Lan như phong tục, tín ngưỡng, cách trồng trọt, chăn nuôi, phương châm sống. Nhưng hiện nay, trong thôn, trong xã còn rất ít người lưu giữ được những cuốn sách chữ cổ này. Đó là trách nhiệm của bậc cao niên như ông.

Hiện nay thế hệ trẻ trong thôn nhiều người không biết nói tiếng Cao Lan, ông buồn lắm. Ông tự nhủ, ông phải dạy chính con cháu trong dòng tộc nói tiếng dân tộc Cao Lan. Ông nhắc nhở con cháu trong gia đình nói tiếng Cao Lan trong sinh hoạt hàng ngày. Còn ông, mỗi khi ăn cơm, uống nước hay dạy cháu học, ông vẫn kết hợp vừa nói tiếng Kinh vừa nói tiếng Cao Lan để các cháu từ từ tiếp nhận.

Với trách nhiệm là Chi hội trưởng Chi hội người Cao tuổi thôn 15, xã Kim Phú, ông còn tuyên truyền, vận động hội viên không ngừng gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan, nhất là làn điệu Sình Ca. Bởi triết lý trong sình ca vô cùng sâu sắc với những câu hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa, hát về con người, vũ trụ... Sình ca lưu giữ cả cội nguồn của dân tộc, là “hồn cốt” của văn hóa Cao Lan.

Chia tay ông khi ngoài đường đã tấp nập tiếng xe cộ, tiếng nói cười của những người nông dân đang tất tả về chuẩn bị bữa cơm chiều sau một ngày lao động vất vả. Trong nhịp sống hối hả ấy, tôi cảm nhận thời gian dường như chậm lại, tĩnh lặng hơn qua những câu chuyện hoài cổ đầy sâu sắc và nhân văn của người Cao Lan.

Chúc Huyền

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hoai-co-van-hoa-cao-lan-207205.html
Zalo