Du lịch Nepal chuyển mình
Từng là điểm đến yêu thích của dân phượt mê trekking, Nepal đang âm thầm chuyển mình để trở thành thiên đường du lịch cao cấp mới của châu Á.

Shinta Mani Mustang, khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Jomsom, Nepal. (Nguồn: Shinta Mani Mustang)
Từ khách sạn sang trọng giữa vùng núi hẻo lánh Mustang đến những khu nghỉ dưỡng sinh thái năm sao tại Chitwan hay Everest, làn sóng đầu tư mạnh mẽ đang từng bước thay đổi diện mạo ngành du lịch của quốc gia nằm giữa dãy Himalaya.
Thiên đường du lịch bụi
Nepal từng được xem là thiên đường cho những tâm hồn ưa xê dịch, muốn thoát khỏi áp lực vật chất, sống chậm giữa thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa bản địa. Từ thập niên 1970, quốc gia nhỏ bé giữa lòng dãy Himalaya đã trở thành điểm dừng chân tâm linh của phong trào hippie, gắn liền với các tour trekking giá rẻ, những căn homestay đơn sơ và lối sống du mục mộc mạc.
Từ đó, hình ảnh Nepal gắn bó với những hành trình leo núi đầy thử thách. Du khách khắp thế giới bị mê hoặc bởi “nóc nhà thế giới” Everest, dãy Annapurna tráng lệ, hay những địa danh tâm linh như Lumbini – nơi Đức Phật đản sinh, đền Pashupatinath linh thiêng của người Hindu, đền Muktinath thờ thần Vishnu và bảo tháp Boudhanath – một trong những bảo tháp Phật giáo lớn nhất hành tinh. Cùng với đó là hàng trăm cung đường trekking ngoạn mục, làm nên bản sắc riêng của du lịch Nepal.
Cho đến nay, ngành du lịch Nepal vẫn giữ tỷ lệ lớn khách quốc tế thuộc phân khúc bình dân, với lựa chọn ăn - nghỉ - trải nghiệm chi phí thấp.

Shinta Mani Mustang mang đến tầm nhìn ngoạn mục cùng trải nghiệm sang trọng. (Nguồn: Shinta Mani Mustang)
Phân khúc mới
Thực tế, du lịch cao cấp không phải là khái niệm xa lạ với quốc gia Nam Á này. Ngay từ những năm 1960, khách sạn năm sao Soaltee đã xuất hiện tại thủ đô Kathmandu, đặt nền móng cho phân khúc nghỉ dưỡng sang trọng.
Đến năm 1998, hai công ty Mountain Travel Nepal (MTN) và Tiger Tops hợp tác thành lập khu nghỉ dưỡng hạng sang Tiger Mountain Pokhara Lodge tại thành phố Pokhara, miền Trung Nepal. Theo bà Shoba Mohan, nhà sáng lập RARE India, đơn vị chuyên tiếp thị các khu lưu trú cao cấp tại Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka – khu nghỉ này đã đón nhận mô hình du lịch tái tạo từ rất sớm, trở thành biểu tượng tiên phong cho xu hướng du lịch bền vững tại vùng đồi trung du Nepal.
Đến năm 2023, sự kiện khai trương khu nghỉ dưỡng Shinta Mani Mustang tại Jomsom, thị trấn nhỏ nằm giữa những vách đá và dãy Himalaya ở vùng Mustang xa xôi, phía Tây Nepal, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tái định vị hình ảnh du lịch quốc gia này.
Do kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ Bill Bensley thiết kế, Shinta Mani Mustang gồm 29 phòng suite xa hoa, được trang trí bằng đồ cổ Tây Tạng, tác phẩm nghệ thuật thủ công mỹ nghệ và đi kèm các dịch vụ trị liệu sức khỏe, ẩm thực cao cấp. Điều đáng nói ở đây, yêu cầu ở tối thiểu năm đêm với số tiền lên đến 1.800 USD/người/đêm được xem là mức giá không tưởng tại vùng đất được biết đến là thiên đường cho du khách tiết kiệm. Sự đầu tư này đã khiến khách sạn trở thành làn gió mới cho ngành du lịch Nepal, tham gia vào bản đồ du lịch xa xỉ châu Á.
Theo người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Remote Lands (trụ sở tại New York, Mỹ) Catherine Heald, sau khi khách sạn Shinta Mani Mustang khai trương, công ty đã thay đổi toàn bộ chiến lược tiếp cận thị trường Nepal. Bà Catherine Heald “tin rằng Nepal hoàn toàn có thể trở thành điểm đến xa xỉ hấp dẫn hàng đầu châu Á”.
Theo ông Jason Friedman, chuyên gia tư vấn của J.M. Friedman & Co., những bất ổn chính trị trong quá khứ và thảm họa thiên nhiên từng khiến du khách tìm kiếm trải nghiệm sang trọng phải lựa chọn Bhutan hay Ấn Độ thay vì Nepal. Tuy nhiên, với môi trường chính trị ổn định hơn và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, Nepal hiện đang đón nhận làn sóng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch cao cấp.
Các dự án từ khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng cao cấp đến dịch vụ máy bay tư nhân đang dần hiện diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về du lịch sinh thái và phát triển bền vững. Ông Friedman cho rằng, sự ra đời của những khách sạn như trên không chỉ làm thay đổi hình ảnh Nepal trong mắt du khách quốc tế, mà còn thắp lên niềm tin trong cộng đồng địa phương về khả năng phát triển phân khúc du lịch cao cấp một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Dwarika’s là một trong những khách sạn di sản sang trọng đầu tiên của Nepal. (Ảnh: Kalpana Sunder)
Bùng nổ dự án cao cấp
Giờ đây, Nepal đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ các dự án du lịch cao cấp. Điển hình là hai khu nghỉ dưỡng Dusit Thani Himalayan Resort Dhulikhel, thuộc tập đoàn Dusit Hotels (Thái Lan) gần Kathmandu và Sanctuary Chitwan National Park của Sanctuary Group (Anh), tọa lạc sát biên giới Nepal - Ấn Độ.
Các tập đoàn khách sạn quốc tế lớn khác cũng gia nhập thị trường Nepal. IHG Hotels & Resorts (Anh) đã công bố ba dự án mới mang thương hiệu InterContinental, Postcard Hotels (Ấn Độ) mở rộng sang Chitwan, và Kunda Himalayan Resort & Spa, với các biệt thự ở độ cao 3.000m so với mực nước biển, dự kiến khai trương vào tháng 9/2025 tại Phalpu.
Hilton Kathmandu, khách sạn cao cấp nhất tại thủ đô Kathmandu đi vào hoạt động từ năm ngoái. Với tầm nhìn toàn cảnh dãy Himalaya, Hilton Kathmandu không chỉ khẳng định vị thế của Nepal trên bản đồ du lịch hạng sang khu vực mà còn nâng tầm ngành du lịch cao cấp của đất nước này.
Ngoài sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cao cấp, xu hướng bảo tồn di sản kết hợp với du lịch sang trọng ngày càng trở nên phổ biến. Một trong những ví dụ tiên phong là Dwarika’s Hotel tại Kathmandu. Chủ sở hữu Dwarika Das Shreshta đã nỗ lực bảo tồn các di tích kiến trúc của Nepal bằng cách thu thập những viên gạch nung, khung cửa, trụ gỗ cổ và ngay cả một cánh cửa từ thế kỷ XIII để xây dựng khách sạn này.
Cảm hứng này lan tỏa tới doanh nhân Pawan Tuladhar, người đã cải tạo các ngôi nhà cổ ở Patan thành nơi lưu trú, nổi bật nhất là Nepali Ghar Hotel với 61 phòng trong một công trình 200 năm tuổi ở khu Thamel sôi động.
Du lịch hạng sang cũng phát triển mạnh tại các khu vực leo núi của Nepal, tập trung vào các khu vực xung quanh dãy Annapurna và Everest. Sherpa Hospitality Group đã ra mắt chuỗi lưu trú cao cấp tại Everest. Còn Mountain Lodges of Nepal (MLN) thì cung cấp lựa chọn lưu trú quanh Everest, Annapurna và Chitwan, đồng thời tung ra gói 12 đêm khám phá Everest với giá khoảng 5.000 USD/người (ở phòng đôi), đưa du khách vào tour trải nghiệm tám khu nghỉ sang trọng giữa vùng núi hoang dã.
“Nepal hiện đang trở thành một điểm đến xa xỉ, điều mà chúng tôi rất phấn khích”, CEO Remote Lands Catherine Heald chia sẻ. Công ty Remote Lands triển khai tour dùng trực thăng đưa khách lên trại Everest Base Camp (điểm khởi đầu cho những người leo núi hướng đến đỉnh) mà không cần leo xuống. Tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của thị trường du lịch hạng sang đang mở ra tại Nepal, Remote Lands lên kế hoạch cho chuyến đi Everest theo nhóm nhỏ với giá 29.032 USD/người.
Từ một thiên đường du lịch bụi, Nepal đang ngày càng khẳng định vị thế mới trong ngành du lịch châu Á – trở thành điểm đến của những trải nghiệm sang trọng giữa thiên nhiên kỳ vĩ. Sự xuất hiện dày đặc của các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, dịch vụ chuyên biệt và chiến lược phát triển bền vững đang tái định hình cách thế giới nhìn về quốc gia này.
Cuộc chuyển đổi này không chỉ mang lại cơ hội lớn cho ngành du lịch Nepal mà còn thể hiện hướng đi táo bạo: hòa quyện tinh thần mộc mạc, tâm linh truyền thống với sự sang trọng hiện đại. Sự kết hợp này tạo nên nét khác biệt cho Nepal trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến nổi tiếng ở châu Á.