Nghê chầu trên đất Quảng Ngãi

Có nhiều đình làng, lăng vạn, nghĩa tự ở Quảng Ngãi, dù trải qua bao lần trùng tu, tôn tạo, thậm chí xây mới, tượng nghê vẫn được tạc lại theo nguyên mẫu như một sự khẳng định về giá trị trường tồn của linh vật nghê trong đời sống tinh thần của người dân.

Người dân xã Bình Hải (Bình Sơn) không ai biết chính xác lăng vạn Thanh Thủy, ở thôn Thanh Thủy, được xây dựng từ lúc nào. Mọi người chỉ biết lăng này được xây dựng từ cách đây mấy trăm năm, trong lăng vạn còn lưu giữ 6 bản sắc phong thời Nhà Nguyễn và thờ cúng di cốt của cá Ông lụy vào bờ từ cách đây khoảng 200 năm.

Tượng nghê ở nghĩa tự Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Tượng nghê ở nghĩa tự Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Trước khi vào đến tòa nhà chánh điện của lăng vạn, mọi người bước qua khoảng sân - nơi có bình phong đắp nổi hình linh vật long mã và 2 trụ biểu. Trên nóc hai trụ biểu là 2 tượng nghê được tạc theo thế đang ngồi quay lưng với cổng chính và hướng mặt về phía chánh điện. Theo ông Huỳnh Nga (60 tuổi), thành viên trong Ban Quản lý lăng vạn Thanh Thủy, sở dĩ người dân Thanh Thủy dựng tượng nghê hướng mặt vào chánh điện trong tư thế ngồi chầu là để thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng, thần phục đối với các vị thần linh được thờ phụng trong lăng vạn.

Trong sách “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa”, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế khẳng định rằng, nghê gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay, nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công, không thích lớn, nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt.

Cũng theo ông Nga, ngày trước, tượng nghê được người xưa dùng đất sét trộn với nhiều nguyên liệu khác để nặn thành. Được làm từ nguyên liệu khá đơn sơ, nhưng tượng nghê dù được người làng đặt ngoài trời, dãi nắng, dầm mưa rất nhiều năm, nhưng không bị hư hại. Mãi cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, khi trụ biểu bị sóng lớn cuốn phăng ra biển, thì tượng nghê cũng bị cuốn trôi theo, chỉ còn giữ lại được một pho tượng. Song, do công tác bảo quản thời ấy chưa được chú trọng, nên tượng nghê còn sót lại cũng bị mất đi. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, người làng dựng lại trụ biểu rồi tạc lại hai tượng nghê mới. Tuy tạc lại tượng mới, nhưng người làng đã mô phỏng nguyên vẹn dáng ngồi chầu, sắc mặt... của tượng nghê cũ.

Còn tại nghĩa tự Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn), hai tượng nghê được người dân địa phương sơn màu vàng đồng, đặt hai bên bức bình phong ngay cổng ra vào của nghĩa tự. Tuy nhiên, có một điều khác biệt là, nếu như tượng nghê ở lăng vạn Thanh Thủy quay mặt vào trong khu vực chánh điện với thái độ thần phục, cung kính; thì cả hai tượng nghê ở nghĩa tự Tuyết Diêm 1 đều hướng mặt ra ngoài cổng chính.

Kể về lịch sử của nghĩa tự và tượng nghê, ông Nguyễn Hoàng (73 tuổi), ở thôn Tuyết Diêm 1 cho biết, nghĩa tự Tuyết Diêm 1 có từ thời Nhà Nguyễn. Cách đây hơn 10 năm, người làng góp tiền trùng tu, tôn tạo. Dẫu đã làm lại tượng mới bằng vật liệu hiện đại hơn tượng cũ, nhưng biểu cảm như đang reo vui, chào đón của nghê thì vẫn giữ vẹn nguyên.

Được xây dựng từ thời vua Minh Mạng, đình làng An Hải (Lý Sơn) cũng có một cặp nghê được đắp nổi bằng những mảnh vỡ sành sứ. Tuy nhiên, trái với mô - típ thường thấy là nghê thường được đặt trên cao, cặp nghê tại đình làng An Hải lại được đặt dưới đất. Trên lưng mỗi tượng đều đang “đội” cột đình. Đây là cách bố trí ít xuất hiện trong kiến trúc đình, chùa Việt Nam. Mô - típ thường thấy ở các đình, chùa chủ yếu là linh vật rùa đội bia, rùa đội cột, rùa đội hạc...

Tượng nghê đội cột đình ở đình làng An Hải (Lý Sơn).

Tượng nghê đội cột đình ở đình làng An Hải (Lý Sơn).

Trên đất Quảng Ngãi, hình tượng linh vật nghê đi vào trong kiến trúc vốn đã ít ỏi, lại ngày càng mai một dần theo thời gian. Hiện tại, tượng nghê đội cột đình ở đình làng An Hải đã bong tróc gần hết lớp sành, sứ đắp nổi bên ngoài. Còn tượng nghê nặn từ đất trộn thêm nhiều nguyên liệu bí truyền khác tại làng chài Thanh Thủy (Bình Hải), Tuyết Diêm 1 (Bình Thuận) đã bị “xóa sổ” do việc trùng tu, tôn tạo, bảo quản tượng chưa được quan tâm kịp thời, đúng mức.

Đã đến lúc, vai trò “chầu” của nghê cần được quan tâm, nghiên cứu đúng mức và phục dựng. Bởi lâu nay, trong khi linh vật truyền thống, mang đậm nét văn hóa Việt là tượng nghê chầu gần như vắng bóng thì sư tử đá - một linh vật ngoại lai lại xuất hiện tràn lan ở các công trình kiến trúc.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202408/nghe-chautren-dat-quang-ngai-05338b0/
Zalo