Nghề báo trong cảm nhận của sinh viên báo chí

Đối với nhiều sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), nghề báo là nghề cao quý. Bởi nhà báo phải vượt qua những khó khăn, vất vả để mang đến cho công chúng thông tin kịp thời, trung thực, phản ánh sự thật xã hội và đấu tranh vì công lý. Từ những bài học trên giảng đường cho đến trải nghiệm thực tế, các sinh viên báo chí đang từng bước hình dung rõ hơn về nghề nghiệp sẽ gắn bó trong tương lai.

Sinh viên Khoa báo chí, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, tác nghiệp phỏng vấn nhân vật.

Sinh viên Khoa báo chí, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, tác nghiệp phỏng vấn nhân vật.

Ấn tượng đầu tiên về nghề báo

Hầu hết sinh viên báo chí đều bắt đầu con đường học tập của mình với những hình dung đẹp đẽ về nghề báo. Trong mắt họ, nhà báo là những người năng động, sắc bén, đi nhiều, biết nhiều và luôn có mặt ở những "điểm nóng" của xã hội.

Em Phạm Như Ngọc, sinh viên năm nhất, lớp Báo chí K22, chia sẻ rằng: Từ khi còn nhỏ, em luôn theo dõi các chương trình truyền hình, đặc biệt là những bản tin thời sự. Em rất ngưỡng mộ các MC, phóng viên khi họ truyền tải thông tin rõ ràng, lôi cuốn và đầy sức thuyết phục. Đặc biệt, em ấn tượng với hình ảnh phóng viên cầm micro đứng giữa tâm bão hoặc hiện trường cháy nổ để phản ánh sự việc.

Khi đó, em thấy nghề báo là một công việc đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị. Cảm giác ấy khiến em khao khát được đứng ở vị trí đó, làm việc trong một môi trường năng động, sáng tạo và có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Vì vậy, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, em đã quyết định chọn thi vào ngành báo chí. - em Phạm Như Ngọc

Sinh viên báo chí học môn chuyên ngành trên giảng đường.

Sinh viên báo chí học môn chuyên ngành trên giảng đường.

Với Bùi Nam Dương, sinh viên năm nhất, lớp Báo chí K22, niềm yêu thích nghề báo đã nhen nhóm từ lúc ở trường THPT. Dương kể: Khi ấy, em nghĩ nghề báo là một công việc “được bay nhảy”, “được đi đây đó”, khám phá những miền đất mới và gặp gỡ nhiều con người thú vị. Nhưng càng tìm hiểu, em càng nhận ra phía sau những dòng tin, phóng sự là sự dấn thân không mệt mỏi của những người làm báo nhằm đấu tranh cho sự thật và công lý. Nghề này không chỉ thú vị mà còn mang theo trách nhiệm lớn với xã hội.

Có thể thấy, với nhiều bạn trẻ, báo chí là một nghề năng động, nhiều thử thách và luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt. Chính điều đó khiến nghề này trở nên cuốn hút, đặc biệt với những ai yêu thích khám phá và không ngại dấn thân. Những hình dung ban đầu ấy đã phần nào tạo nên động lực và niềm tin nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường.

Từ giảng đường đến hiện trường

Vào giảng đường đại học, sinh viên báo chí được tiếp cận với các môn học chuyên ngành như: Cơ sở lý luận báo chí, các loại hình báo chí, kỹ năng phỏng vấn, kỹ thuật nhiếp ảnh… Những tiết học không chỉ truyền tải lý thuyết mà còn yêu cầu thực hành nhiều, như: Viết tin, ghi nhanh sự kiện, phỏng vấn, quay phim, viết bài phản ánh... Khi thực tế tác nghiệp, sinh viên mới nhận ra rằng nghề báo không hề hào nhoáng như tưởng tượng.

Sinh viên báo chí học nhóm tại các giờ học môn chuyên ngành.

Sinh viên báo chí học nhóm tại các giờ học môn chuyên ngành.

Em Hoàng Nhật Mai, sinh viên năm 4, lớp Báo chí K19, chia sẻ: Khi học các môn chuyên ngành, chúng em thường xuyên được giao các bài tập sản xuất sản phẩm báo chí. Trong quá trình thực hiện, chúng em gặp không ít khó khăn, từ việc lựa chọn đề tài, phỏng vấn nhân vật, thu thập thông tin đến cách trình bày bài viết sao cho logic, thu hút và chân thực. Có những lần, để kịp ghi hình, chúng em phải rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng, nhiều lần hẹn mới phỏng vấn được nhân vật.

Qua trải nghiệm ấy, em cảm nhận nghề báo rất vất vả. Người làm báo không chỉ cần sự khéo léo, nhanh nhạy, chính xác mà còn phải chịu đựng áp lực lớn, luôn chạy đua với thời gian và bám sát từng góc nhỏ của cuộc sống để kịp thời mang đến những câu chuyện chân thực và có giá trị cho bạn đọc. - em Hoàng Nhật Mai

Trong quá trình học, sinh viên cũng được thực tập tại các cơ quan báo chí. Qua những đợt này, các bạn sinh viên được hòa vào môi trường làm báo chuyên nghiệp và hiểu hơn về nghề.

Các bạn sinh viên báo chí học nhóm để trao đổi khi triển khai thực hiện các bài tập của môn chuyên ngành.

Các bạn sinh viên báo chí học nhóm để trao đổi khi triển khai thực hiện các bài tập của môn chuyên ngành.

Kể về 1 lần được thực tế tại trụ sở làm việc của Đài truyền hình Việt Nam vào đầu năm 2024, em Đồng Ngọc Linh, sinh viên năm 3, lớp Báo chí K20, chia sẻ: Thời điểm đó, chúng em được tham gia làm khán giả trong trường quay của chương trình 12 con giáp. Khi chứng kiến quá trình làm việc của các anh chị, em mới cảm nhận rõ sự vất vả và áp lực trong công việc của phóng viên truyền hình. Nhiều phân cảnh phải ghi hình đi ghi hình lại nhiều lần để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi phát sóng. Tuy vất vả là vậy, nhưng chính những trải nghiệm ấy càng khiến em thêm yêu nghề mình đã chọn.

Bạn Đồng Ngọc Linh, sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, làm bài tập môn Kỹ thuật nhiếp ảnh.

Bạn Đồng Ngọc Linh, sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, làm bài tập môn Kỹ thuật nhiếp ảnh.

Qua những trải nghiệm thực tế đó, sinh viên báo chí không chỉ tích lũy thêm kỹ năng nghề nghiệp mà còn thấm thía hơn ý nghĩa của công việc mình theo đuổi. Từ đó, họ hiểu rằng để trở thành một người làm báo thực thụ, đòi hỏi phải có bản lĩnh, lòng kiên trì và trách nhiệm nghề nghiệp.

Kiên trì và đam mê

Khác với thế hệ nhà báo trước đây, sinh viên báo chí ngày nay khởi nghiệp trong bối cảnh thời đại số bùng nổ. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo đòi hỏi họ phải nhanh nhạy, thành thạo nhiều kỹ năng và luôn sẵn sàng thích ứng với những biến đổi không ngừng của môi trường truyền thông.

Bạn Hoàng Ngọc Hà, sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học tác nghiệp khi đang thực tập tại Báo Thái Bình.

Bạn Hoàng Ngọc Hà, sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học tác nghiệp khi đang thực tập tại Báo Thái Bình.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, hàng loạt cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương đã nằm trong diện sắp xếp, tinh gọn cũng khiến cho không ít sinh viên lo lắng về cơ hội việc làm bị thu hẹp. Thế nhưng, khi được hỏi về những thách thức này, nhiều sinh viên vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Em Hoàng Ngọc Hà, sinh viên năm 4, lớp Báo chí K19: Em tin rằng mỗi khó khăn sẽ là cơ hội để mình học hỏi và trưởng thành. Em sẽ cố gắng không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức tốt hơn nữa và luôn giữ cho mình sự đam mê, lòng nhiệt huyết để theo đuổi ước mơ này.

Trước những khó khăn, thử thách của nghề báo, đa phần sinh viên báo chí vẫn giữ cho mình niềm tin mạnh mẽ vào con đường đã chọn. Những sinh viên báo chí hôm nay đang từng ngày trau dồi kỹ năng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để trở thành những người làm báo bản lĩnh, sáng tạo và có trách nhiệm với xã hội.

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/nghe-bao-trong-cam-nhan-cua-sinh-vien-bao-chi-43303f5/
Zalo