Ngày xuân kể chuyện người xưa làm dép da trâu

Nghe nói dép da trâu, các bạn trẻ ngày nay thật khó hình dung, nhưng thời xưa, nhiều thế hệ cha ông ta đã dùng da trâu để làm dép đi lại. Thậm chí, loại dép này ở Khánh Hòa từng được nhân dân làm với số lượng lớn để tặng cho các đơn vị bộ đội đánh Pháp…

Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ (vào cuối thập niên 1950), ở quê tôi, một số người vẫn còn dùng dép da trâu để đi lại. Muốn có được đôi dép loại này, người ta phải tiến hành nhiều công đoạn. Đối với gia đình chúng tôi, ông nội là người khéo tay, hay đảm nhiệm công việc này. Mỗi khi trong hay ngoài làng có người làm thịt trâu, ông nói cha hay mẹ tôi đến mua vài miếng da lớn. Mang về nhà, ông dùng dao cạo hết lông. Miếng da trâu lúc này còn tươi, dựa vào kích cỡ lớn hay nhỏ và hình dáng của hai bàn chân từng người trong gia đình, nội dùng lưỡi dao bén, cắt thành miếng để làm đế. Việc này phải làm nhanh vì để lâu da sẽ thối, hoặc khô sẽ khó cắt. Tiếp đó, ông khoét thêm 3 lỗ nhỏ ở mỗi miếng đế dép tại 3 điểm, để xỏ quai tựa như đôi dép tông, dép xỏ ngón ngày nay. Xong xuôi, ông nói chúng tôi mang phơi nắng suốt một tuần liền cho thật khô. Trong thời gian phơi, để miếng da khỏi bị cong hay co cuốn, phải dùng những viên gạch nặng đè lên.

Quan lại đi giày, còn người hầu đi dép dưới các triều đại phong kiến.

Quan lại đi giày, còn người hầu đi dép dưới các triều đại phong kiến.

Về quai dép, ông thường dùng các sợi vải bện lại rồi xỏ vào 3 cái lỗ đã có sẵn trên đế. Tuy nhiên, vì làm bằng sợi vải, quai dép khi thấm nước dễ mục, dễ đứt, nên sau đó sợi vải được thay thế bằng da trâu, cắt thành sợi nhỏ và dài như chiếc đũa rồi đem phơi như cách làm đế. Cũng có trường hợp bắt được kỳ đà hay trăn núi, người ta liền lấy da để làm quai.

Nhờ ông nội khéo tay nên không chỉ người lớn, mà cháu chắt trong nhà đứa nào thích ông cũng làm cho một đôi. Với tôi, gắn liền với đôi dép da trâu có những kỷ niệm khó quên. Da trâu ngoài làm dép còn là món ăn. Mỗi khi mua da trâu về để ông nội làm, phần còn lại bà nội và mẹ tôi thường cạo sạch lông, nướng qua trên lửa cho vàng lớp bên ngoài, sau đó luộc thật lâu cho mềm, thái mỏng rồi làm món nộm với bắp chuối sứ trộn mè rang cùng các loại rau thơm. Đây là món ăn bình dân nhưng rất ngon, nhất là vào những năm đất nước còn khó khăn, đói kém.

Dép làm bằng da trâu sử dụng rất bền. Khi vào bụi tre để đốn, nhờ mang nó mà không bị giẫm gai. Cùng với các loại guốc mộc (đế làm bằng các loại gỗ), người quê tôi ngày xưa không chỉ dùng dép này đi lại trong nhà, mà còn mang đi dự các lễ hội trong làng, trong xã. Vì sử dụng được lâu nên mới có câu ca: “Bền như đôi dép da trâu/Lên rừng xuống biển, đi đâu cũng bền”. Có chàng trai tỏ tình với cô gái: “Lấy anh khỏi sợ chân đau/Vì anh có dép da trâu trong nhà”…

Sau này lớn lên, đọc truyện cổ tích, tôi phát hiện có một truyện nội dung khá hóm hỉnh gắn liền với đôi dép da loại này. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có hai chàng trai nghèo là Ất và Giáp lều chõng về kinh dự thi. Ất đi giày mo cau, còn Giáp đi đôi giày da trâu mới tinh. Vì học khuya, bụng đói nên vào một đêm, khi Giáp ngủ say, Ất lén lấy đôi dép da trâu của bạn, rửa thật sạch, bỏ vào nồi nấu chín rồi làm món gỏi đánh thức bạn dậy để thưởng thức. Đang đói, lại được ăn món lạ, Giáp khen đáo khen để rồi hỏi bạn: “Không có tiền, lại đêm hôm khuya khoắt, tìm ở đâu ra món da trâu ngon thế này?”. Ất cười, bảo: “Cứ ăn đi, rồi mai sẽ biết”. Đến sáng, chuẩn bị lên đường để đi tiếp, Giáp thấy mất dép nên hỏi bạn. Ất bèn trả lời: “Đêm qua, ông ăn khen ngon quá trời, sao bây giờ còn hỏi”.

Người xưa đi dép da trâu.

Người xưa đi dép da trâu.

Hình ảnh dép da trâu không chỉ xuất hiện trong ca dao, truyện cổ, mà còn trong cả lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Đọc cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - 1930 - 2005” (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản), trong phần viết về giai đoạn chống Pháp, có một chi tiết thật khó quên. Đó là: “Ngày 13 tháng 4 năm 1947, tiểu đoàn 6 do đồng chí Đoàn Huyên chỉ huy, phối hợp với lực lượng du kích Ninh Hòa phục kích đoàn xe quân sự địch 16 chiếc trên đường 21 (đoạn Km31 đèo Phượng Hoàng), phá hủy 11 xe cơ giới (có 1 xe thiết giáp), thu 22 súng các loại, diệt và làm bị thương gần hết bọn Âu - Phi đi trên xe. Đây là trận chiến giành thắng lợi lớn nhất từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến ở Khánh Hòa. Chiến thắng này có sự đóng góp đáng kể của nhân dân các thôn Phú Hòa, Vạn Hữu (Ninh Hòa). Đồng bào đã làm 500 đôi dép da trâu cho bộ đội dùng khi phải vượt qua trảng gai nhọn trong chiến đấu. Qua chiến thắng này, Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen, tạo thêm niềm phấn khởi lớn trong nhân dân, cán bộ và các lực lượng vũ trang”.

Ngày nay, cuộc sống phát triển, có quá nhiều loại giày dép đẹp, sang trọng để dùng, nên khi nghe tôi kể về đôi dép da trâu, con cháu đứa nào cũng tưởng nói giỡn, không tin. Nhưng khi tôi lật cuốn lịch sử mà mình đã đọc, tất cả đều tròn mắt...

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202502/ngay-xuan-ke-chuyen-nguoi-xua-lam-dep-da-trau-bcb72bb/
Zalo