Làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 11 làng nghề truyền thống (LNTT) được công nhận theo quy định. Những làng nghề này đã và đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 11 làng nghề truyền thống (LNTT) được công nhận theo quy định. Những làng nghề này đã và đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.
![Người dân tại làng nghề nấu rượu Mai Hạ (xã Mai Hạ, huyện Mai Châu) kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_431_51482934/7c1492dda19348cd1182.jpg)
Người dân tại làng nghề nấu rượu Mai Hạ (xã Mai Hạ, huyện Mai Châu) kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán.
Trong số các LNTT trên địa bàn tỉnh, làng nghề nấu rượu Mai Hạ (xã Mai Hạ, huyện Mai Châu) được xem là một điển hình trong việc bảo tồn giá trị văn hóa kết hợp phát triển kinh tế. Rượu Mai Hạ không chỉ là thức uống đặc trưng mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Đi theo con đường nhỏ vào làng, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chum rượu xếp ngay ngắn bên hiên nhà, thoảng trong không gian là mùi thơm đặc trưng của men lá và hơi rượu nồng nàn. Những bếp lửa đỏ rực ngày đêm. Những nồi rượu nghi ngút khói, tiếng nước nhỏ từng giọt qua ống chưng cất – tất cả tạo nên bức tranh lao động cần mẫn, gắn bó của bà con nơi đây.
Điểm đặc biệt của rượu Mai Hạ nằm ở quy trình chưng cất truyền thống, sử dụng nguồn nước ngầm tự nhiên trong vắt, mát lành từ lòng đất và các loại men lá được làm từ hơn chục loại cây rừng như riềng dại, quế chi, gừng, nhộng nhạnh… Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm lâu đời và điều kiện thiên nhiên thuận lợi, rượu Mai Hạ có màu trong suốt, hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt hậu, tạo cảm giác êm ái khi thưởng thức mà không gây đau đầu.
Hiện nay, làng nghề có trên 200 hộ dân tham gia sản xuất, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít rượu, không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn vươn đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những bình rượu Mai Hạ với nhãn mác gọn gàng, đẹp mắt xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng, khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương. Đặc biệt, rượu Mai Hạ đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nghề nấu rượu truyền thống ở Mai Hạ còn là nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hương vị đặc trưng của rượu Mai Hạ phản ánh bàn tay tài hoa của những người thợ nấu rượu và chứa đựng tinh hoa của núi rừng Tây Bắc, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Theo số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn, 11 làng nghề được công nhận theo quy định, chia thành nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Trong đó, nhóm ngành nghề chế biến gồm 2 làng nghề nấu rượu, là Mai Hạ và Làng Đình; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt thổ cẩm có 7 làng nghề; nhóm thủ công mỹ nghệ có 2 làng nghề là chế tác đá cảnh và gỗ lũa. Những ngành nghề này đã góp phần duy trì bản sắc truyền thống và tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Hiện nay, các LNTT đã thu hút được 1.300 lao động, trong đó trên 820 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng là động lực giúp người lao động an tâm gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề đã phát triển được sản phẩm đạt chuẩn OCOP, điển hình như các sản phẩm dệt thổ cẩm và rượu Mai Hạ.
Làng nghề ở Hòa Bình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, cạnh tranh thị trường, thiếu nguồn nhân lực kế cận, công nghệ và kỹ thuật lạc hậu… Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nhưng việc triển khai còn gặp bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số làng nghề gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ưu đãi và chương trình xúc tiến thương mại. Chưa kể đến việc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa đa dạng để phù hợp với thị hiếu của khách hàng hiện đại…
Theo đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác hỗ trợ làng nghề qua nhiều chính sách thiết thực. Các LNTT sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các hoạt động đào tạo, tập huấn, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, đảm bảo những giá trị truyền thống kết hợp đổi mới phù hợp xu hướng thị trường.
Bên cạnh bảo tồn giá trị truyền thống, việc kết hợp chuyển đổi số trong hoạt động làng nghề được đẩy mạnh. Nhiều sản phẩm đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và tham gia trên các sàn thương mại điện tử, tăng tính cạnh tranh, giúp tiếp cận đối tác trong và ngoài nước.
Những nỗ lực trong bảo tồn và phát triển làng nghề đã tạo đà phát triển mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống và giá trị kinh tế địa phương.