Ngày xưa… cưa líu

Cưa líu (có nơi viết thành cưa liếu) cùng cưa đài là hai vật dụng quan trọng, luôn đi đôi nhau, để xẻ từng đoạn gỗ rừng to lớn ra thành từng phách gỗ. Từ gỗ phách, người ta sử dụng nhiều loại cưa khác nhau tiếp tục cưa xẻ thành các loại gỗ thanh, gỗ ván dùng trong xây dựng cũng như mộc gia dụng, mộc chí (Tận cùng của nghề mộc, là nghề đóng hòm (quan tài) các loại. Ngày xưa, trại hòm thường gọi là trại mộc chí). Có người giải thích chữ líu (hoặc liếu) bắt nguồn từ chữ liễu, nghĩa là lưỡi cưa nhỏ và mỏng như lá liễu.

Tuy nhiên, theo ông cố tôi vốn người Quảng Đông (Trung Quốc) di cư, từng là chủ trại cưa có tiếng ở tỉnh lỵ Trà Vinh hồi 1920 - 1945 (Cụ Trần Khầu, Lịch sử Đàng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh (1930 -1975). Thành ủy Trà Vinh ấn hành 2020, tr30, tr56) lưu truyền trong dòng họ, thì chữ líu trong cưa líu bắt nguồn từ âm “tíu”, từ Hán Việt là “tiểu”; còn chữ đài trong cưa đài bắt nguồn từ âm “đài”, từ Hán Việt là “đại”, theo cách phát âm của người Lưỡng Quảng. Tương tự, trong cây đờn kìm hoặc đờn sến, dây lớn vẫn gọi dây “đài”, dây nhỏ là dây “tíu”. Giải thích theo cách nào thì cưa líu cũng là loại cưa lưỡi nhỏ, mỏng và rất bén dùng để xẻ dọc trong khi cưa đài (sau này hay gọi là cưa cá mập) là loại cưa lưỡi dày, to bản dùng để cắt ngang đoạn gỗ.

Nam Bộ, hồi thuộc Pháp, hầu như mỗi tỉnh chỉ có duy nhất một trại cưa với hàng chục người thợ cưa khỏe mạnh, lành nghề chuyên cưa xẻ thủ công. Người chủ trại đặt hàng từ giới sơn tràng (Sơn tràng: Danh từ chỉ giới khai thác, vận chuyển, mua bán các sàn vật rừng nói chung) những đoạn gỗ (gọi là súc gỗ) danh mộc như cẩm lai, gõ, giáng hương, thao lao, chò… theo bè đường sông đưa về để thợ cưa xẻ ra gỗ thành phẩm mà bán dần. Trong hàng chục thợ cưa đó, chỉ một số nhỏ lâu năm trong nghề, đôi tay khéo léo, cặp mắt tinh tường, tỏ rõ lòng trung thành mới được chủ trại đưa lên hàng cưa líu, mà đỉnh cao là anh cưa mũi; còn lại, làm công việc nặng nhọc như đưa gỗ lên, cân chỉnh vị trí súc gỗ cố định trên nề, mài lau và thu dọn dụng cụ, lại còn phải lo chuyện trà, rượu, điếu đóm cho bậc trưởng thượng cưa líu, vốn được chủ hết lòng ưu ái. Mãi đến thập niên 1950 các loại cưa máy mới được nhập về, thay thế dần sức lao động nặng nhọc của người thợ cưa.

Hồi đó, tuyệt đại bộ phận nhà ở của người dân nông thôn Nam Bộ là nhà tre lá hoặc gỗ tạp. Phải là bậc “rân rát” cỡ phú nông hoặc công chức bậc trung mới đủ sức ra trại cưa mua bộ khung gỗ (cột, kèo, đòn dông, đòn tay…) về dựng lên ngôi nhà kê, coi như đã mát mặt với đời lắm rồi. Riêng những gia đình địa chủ lớn, công chức cấp cao tích lũy nhiều năm mới dựng được ngôi nhà nền đá xanh ngang ngực lót gạch tàu, xây tường tam hợp, lợp ngói âm dương và bộ khung bằng gỗ danh mộc chạm trỗ tinh xảo. Một ngôi nhà như vậy có thể đứng vững cả trăm năm và là nơi tập trung ánh nhìn ngưỡng mộ của người dân cả làng, cả tổng.

Tuy có thể ra trại cưa mua gỗ thành phẩm theo đúng yêu cầu cho ngôi nhà nhưng hầu hết những ông chủ giàu có đều không thích vậy, họ muốn tự mình đặt mua những súc gỗ rừng thật vừa ý (chủng loại gỗ, chất lượng gỗ, kích thước súc gỗ…), rồi mang về sân nhà (hoặc bãi đất trống gần nhà) và nhờ chủ trại cưa cử một số thợ cưa xẻ về tận nơi lớp lang bày biện, đi lại rần rần, chuyện trò rôm rả, cưa kéo rọt rẹt, hết ngày này qua ngày khác. Có như vậy mới được làng xã coi là bậc trên trước, nhiều tiền lắm của, dân làng nể phục.

Thời đó, chưa có xe kéo, cần cẩu như bây giờ nên tất cả đều dùng sức người, nếu tiện thì thêm sức vài cặp trâu, để đưa súc gỗ lên sân, chờ cánh thợ cưa tề tựu. Có khi gia chủ phải năm lần bảy lượt ra vô trại cưa kì kèo, khẩn khoản thì chủ trại mới nhơn được thời gian cho cánh thợ rời trại, có thể do công việc bận bịu mà cũng có thể chủ trại làm giá, bởi họ dư biết ngoài họ ra thì gia chủ cũng chẳng thể cậy nhờ ai khác. Tới nơi, người quản thợ thủng thỉnh trà nước, nghe gia chủ nhỏ nhẹ trình bày qui mô ngôi nhà để tính ra bao nhiêu cột kèo, xà trính, đòn giông, đòn tay, rui mè… và kích thước cho từng loại, rồi lom lom con mắt về súc gỗ mà thầm ước lượng chuyện thiếu thừa, trong khi vị gia chủ cứ thầm thì bên tai: Mong thầy tính sao cho “ngợi”(Cách nói của người xưa, nghĩa là lợi nhất có thể mà không ảnh hưởng lợi ích người khác) nhứt! Tay quản thợ cũng chẳng nói gì, cứ thủng thỉnh nhìn trời (chắc là chọn hướng mặt trời, hướng gió), ngó đất (chắc là chọn vị trí trống trải, nền đất chắc chắn không lún sụt). Đợi khi bà chủ nhà mang chiếc đầu heo hoặc cặp gà trống thiến luộc với chai rượu cùng mấy thẻ nhang ra cho chồng mình thì thầm khấn vái thì tay quản thợ với tay lấy cây bút lông chấm mực tàu nguệch ngoạc vẽ lên mỗi góc súc gỗ một chữ gì đó, nét đậm nét nhạt, đầy bí ẩn, khiến vợ chồng gia chủ xanh mặt, sợ ông thầy xuống tay “ếm Lỗ Ban” thì cả đời, thậm chí mấy đời sau, cất đầu không nổi. Sau này, ông cố tôi cười khì khì bật mí: có gì đâu, thằng quản thợ của tao chỉ biết có 6 chữ Tàu là Thượng, Hạ, Đông, Tây, Nam, Bắc để định vị súc gỗ cho tiện công việc, mà nó dộng của người ta không biết bao nhiêu gà, rượu!

Hồi đó, giới nhà giàu thường dựng nhà ba gian, tức chiều dài cây đòn dông và đòn tay khoảng tám thước phủ bì, thì súc gỗ ít nhất cũng nặng vài ba tấn. Vậy mà, chỉ với một số dụng cụ hết sức đơn giản, bao gồm cái ba lăng (ba cây cột tròn bằng thép, cái rõ rẻ, đoạn lòi tói cỡ lớn…), vài con lăn, con đội, con chêm… cánh thợ đã đưa được súc gỗ vào đúng vị trí cần thiết. Tùy độ rộng của khoảng sân, độ cứng của nền đất, độ lớn bề hoành, chiều dài súc gỗ cũng như thói quen công việc của cánh thợ cưa líu mà súc gỗ có thể đặt nghiêng hoặc dựng đứng, tạo góc 90 độ so với mặt đất và được cố định bởi rất nhiều dây chằng, cây chống, đảm bảo súc gỗ không bị sai lệch, nghiêng ngả trong suốt quá trình cưa xẻ. Xong xuôi đâu đó, người quản thợ, căn cứ vào yêu cầu của gia chủ và sự tính toán khôn khéo của mình trước đó, tiến hành việc căng dây, búng mực lên khắp các mặt súc gỗ.

Buổi sáng, chuyện cơm nước, trà lá đã xong xuôi, người thợ mang chiếc cưa líu leo lên giàn dựng quanh súc gỗ, đặt lưỡi cưa vào đúng đường mực mà người quản thợ đã búng sẵn, bắt đầu công việc. Cũng như mọi công việc cưa cắt khác, cưa líu đòi hỏi phải có hai người thợ lành nghề ở hai phía súc gỗ, người phía trước, gọi là “cưa mũi” ở vị trí thấp hơn đường cưa, vừa ra sức kéo thật mạnh vừa phải giữ sao cho lưỡi cưa đi thật đúng đường mực; người phía sau, gọi là “cưa lái” đứng vị trí cao hơn, công việc nhẹ nhàng hơn, với nhiệm vụ kéo hồi chiếc cưa trở về vị trí ban đầu sau mỗi đường cưa. Do vậy, yếu tố quyết định của nghề cưa líu nằm ở người cưa mũi, không chỉ nặng nhọc, vất vả vì độ mạnh tay của anh quyết định năng suất mà đôi mắt phải tinh tường, đường mũi phải khéo léo, sao cho đường cưa giữ đúng đường mực, không “lặn” không “lội” vừa mất gỗ của gia chủ mà thành phẩm lại xấu xí, việc bào dọn sau này rất tốn công. Vất vả là vậy nhưng từ khi bước chân vào học nghề, chập chững với chiếc cưa đài thì bất cứ người thợ nào cũng mong có ngày được đường hoàng lên giàn cầm chiếc cưa líu, rồi hiếm hoi trong số thợ cưa líu mới được chủ trại tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đường cưa mũi – được coi là tinh hoa của giới thợ cưa, tự hào lắm chớ!

Thử tưởng tượng, súc gỗ dựng đứng cao năm bảy thước, mỗi đường cưa líu hai người đàn ông rọt rẹt kéo thì xong một mạch cưa suốt chiều dài súc gỗ để tách phách gỗ ra, cũng phải mất đôi ba ngày. Mạch này xong thì bắt mạch cưa khác tiếp tục. Đều đặn những nhịp cưa rọt rẹt, rọt rẹt ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Tháng Giêng, tháng Hai, trời nắng như đổ lửa, chủ nhà phải dựng tạm chiếc tàn lá dừa nước nhằm lấy chút bóng mát cho người thợ lưng trần, mồ hôi nhễ nhại. Cứ mỗi lượt kéo, mạt cưa đổ xuống ngực, xuống bụng, vương khắp người anh cưa mũi phía dưới, đổ tràn ra đất. Hồi đó, đường sá, xe cộ chưa có nên ai nấy quanh quẩn trong làng, ra sông vào ruộng, nay sẵn dịp nông nhàn rủ nhau chiều chiều tụ tập ngắm nhìn, bàn tán. Nhìn đường cưa mỏng khít, thẳng tắp theo đường mực búng sẵn, rồi mỗi phách gỗ tách ra mặt gỗ phẳng lì, khiến ai cũng muốn chạm bàn tay vào xoa lên xoa xuống, khen lấy khen để. Cảnh này, không khí này làm anh thợ cưa, đặc biệt là anh cưa mũi, quên hết mỏi mệt và vị gia chủ hả hê ra mặt, thúc hối vợ con ngại chi tốn kém, bắt thêm con gà, mua thêm chai rượu khoản đãi thợ thầy, rồi lo luôn chỗ ngủ ấm êm để mấy anh lấy sức, hôm sau cưa kéo năng suất hơn, chất lượng hơn.

Thủng thỉnh, chậm chạp là vậy nhưng đóng góp của nghề cưa líu và thợ cưa líu vào diện mạo xã hội Nam Bộ thời kỳ ấy là rất đáng trân trọng. Suốt thời gian dài, cho đến giữa thế kỷ XX, biết bao ngôi đình, ngôi chùa, nhà kê, biệt thự sang trọng ở nông thôn đều có bàn tay đóng góp của họ. Thêm nữa, chính sự thủng thỉnh, chậm chạp ấy đã gián tiếp góp phần bảo vệ rừng già, rừng nguyên sinh của cả nước, không như thời máy móc hiện đại bây giờ.

Đối với cánh thợ cưa líu, nhất là anh thợ cưa mũi, từ trong trại cưa hoặc về làng cưa mướn đều được giới chủ trọng vọng, nể vì, cơm nước, trà rượu, gà vịt ê hề, muốn gì có nấy, nên đem hết sức lực ra làm. Tuy nhiên, lương bổng người thợ nói chung lúc đó cũng chẳng đáng là bao, xong công việc ra về cũng chỉ vài đồng bạc lận lưng không lo được gì cho vợ con, chưa nói tới tuổi già thường lâm bệnh hậu bởi những tháng năm nặng nhọc quá sức, mà không tiền chạy chữa. Đã vậy còn quen nếp phong lưu, sáng trà chiều rượu, nói chuyện trên trời dưới đất về một thời liệt oanh.

Mấy cô con gái rượu của vị chủ nhà có khi cũng chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng mà giao tiếp với ai, giờ thấy mấy anh cưa líu khỏe mạnh, giỏi giang được cha mẹ mình, vốn thuộc hàng tiên chỉ trong làng, nay luôn miệng nhỏ nhẹ, nuông chiều, trong lòng ít nhiều cũng dậy lên niềm cảm mến.

Từ thập niên 1950 trở về sau, máy móc dần thay thế cho công sức người lao động. Nghề cưa líu và những giới thợ cưa líu, trong đó có ông nội tôi và những người bạn nghề của ông, vốn vang bóng một thời, đã dần đi vào quên lãng.

TRẦN DŨNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/ngay-xua-cua-liu-42809.html
Zalo