Ngày Thơ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng lần thứ 23
Chiều 12/2 (tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 mang chủ đề Tổ quốc bay lên.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/de8f9691a1df488111ce.jpg)
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng sự kiện
Tham dự Ngày Thơ có ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Thăng Long, các văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo, các em học sinh cùng công chúng yêu thơ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/4ca210bc27f2ceac97e3.jpg)
Đại biểu tham dự Ngày Thơ tỉnh Lâm Đồng lần thứ 23
Lịch sử đã cho thấy, hiếm có dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường dựng nước, giữ nước, dựng xây và phát triển. Thơ ca luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/1470616e5620bf7ee631.jpg)
Đánh trống khai hội
Ngày Thơ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trang trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội vào Xuân Quý Mùi – Nguyên tiêu 2003. Từ đây, Ngày Thơ Việt Nam trở thành ngày hội lớn của các nhà thơ và công chúng yêu thơ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Trải qua 23 mùa Xuân cùng sự không ngừng phát triển đi lên của quê hương, đất nước, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là ngày hội tôn vinh những thành tựu thơ ca, những đóng góp to lớn của các văn nghệ sĩ, các nhà thơ và vai trò của thơ ca trong đời sống.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/d78f556e65208c7ed531.jpg)
Nhà thơ Uông Thái Biểu diễn đọc bài thơ Thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 Xuân Ất Tỵ 2025 mang chủ đề Tổ quốc bay lên với ý tưởng lấy cảm hứng từ câu thơ "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân" trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Diễn ra trong bối cảnh vừa kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ngày Thơ Việt Nam năm nay là dịp khơi nguồn cảm hứng sáng tạo thơ ca, khơi dậy niềm tự hào về những trang sử vẻ vang và hành trình vươn lên của dân tộc, xây dựng đất nước hùng cường.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/fe2170c0408ea9d0f09f.jpg)
Diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu tại Ngày Thơ, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh vai trò của thơ ca trong đời sống xã hội. Những năm qua, các nhà thơ ở Lâm Đồng đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của quê hương, đất nước. Thực tiễn phát triển của quê hương Lâm Đồng đòi hỏi các nhà thơ cần tham gia tích cực vào đời sống xã hội, hòa mình vào vận hội mới, từ đó sáng tạo nên những áng thơ mang hơi thở đương đại, xứng tầm với Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/459bd67ae6340f6a5625.jpg)
Nhà thơ Trần Ngọc Trác trình bày bài thơ Ở Lâm Đồng nghe hát dân ca
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng các văn nghệ sĩ những vần thơ do ông sáng tác qua bài thơ “Đà Lạt em”; đồng thời, động viên khích lệ các nhà thơ không ngừng nuôi lớn nguồn cảm hứng, tiếp tục sáng tạo dâng cho đời nhiều tác phẩm thơ có giá trị. Qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Đà Lạt – Lâm Đồng với bạn bè trong và ngoài nước.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/0a3a9cdbac9545cb1c84.jpg)
Nhà thơ Nông Quy Quy
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/83071be62ba8c2f69bb9.jpg)
Nhạc sĩ, nhà thơ K'Thế trình bày tác phẩm Ngày hội buôn làng
Sau bài thơ “Thần” Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, cùng bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ngâm đọc cả chữ Hán và tiếng Việt; 18 tiết mục thơ, nhạc, là những vần thơ thiết tha về mùa xuân, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước khi đất trời vào Xuân đã được ngâm đọc, được hát lên bằng cả xúc cảm của người sáng tạo thơ và công chúng thưởng lãm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/08e49105a14b4815115a.jpg)
Tiết mục Mùa xuân đầu tiên - Sáng tác Văn Cao
Có thể kể các bài thơ: Chào xuân đổi mới (Dương Thành Thái), Ở Lâm Đồng nghe hát dân ca (Trần Ngọc Trác), Đức Trọng xuân ngời (Nông Quy Quy), Ngày hội buôn làng (K’Thế), Bình minh phố núi (Đặng Ngọc Lan), Tiếng trống Nguyên tiêu (Nguyễn Tấn On), Dịu dàng sắc xuân (Diệp Vy), Soi bóng hồ Gươm (Hoàng Lâm), Xuân về nhớ Bác (Hải Sơn), Xuân yêu thương (Nguyễn Mậu Pháp), Dốc xuân (Lê Đình Trọng), Nguyên tiêu (Thủy Tiên)…
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/e7c37d224d6ca432fd7d.jpg)
Nhà thơ Hoàng Lâm trình bày bài thơ Soi bóng Hồ Gươm
Cùng với những vần thơ, không gian triển lãm ảnh, viết thư pháp đã trao cho người yêu thơ và các em học sinh nhưng lời hay, ý đẹp được các nhà thơ gửi gắm qua từng nét bút của 2 nhà thư pháp Mưu Lê và Nguyễn Mậu Pháp.
Ngày Thơ góp phần làm lan tỏa tình yêu thi ca đến mọi người, để thơ thực sự là món ăn tinh thần trong đời sống xã hội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/6bd3f032c07c2922706d.jpg)
Nhà thơ Ngọc Lan trình bày bài thơ Bình minh phố núi
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/94cf082e3860d13e8871.jpg)
Tiết mục hát múa của các em học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/956c088d38c3d19d88d2.jpg)
Đọc thơ bên hành lang Hội thơ
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_439_51461224/7997e776d7383e666729.jpg)
Triển lãm ảnh bên lề Ngày thơ