Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5): Tôn vinh những đóng góp thầm lặng

Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5) là dịp để tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng không thể thiếu của đội ngũ điều dưỡng trên toàn cầu, đồng thời là cơ hội thúc đẩy các chính sách phát triển nghề điều dưỡng một cách chuyên nghiệp và bền vững.

Tại Việt Nam, ngày này đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế và hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển của nghề điều dưỡng, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Lực lượng then chốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, đầu tư phát triển điều dưỡng là một lựa chọn y tế thông minh, một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững.

Tiếp theo chủ đề Ngày Điều dưỡng quốc tế năm 2024: Điều dưỡng của chúng ta - Tương lai của chúng ta "Our Nurses - Our Future", năm 2025, Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) hướng trọng tâm hành động vào việc "Đầu tư cho điều dưỡng là đầu tư cho sự phát triển kinh tế - Caring for nurses strengthens economies". Thông điệp này nhấn mạnh vai trò chiến lược của đội ngũ điều dưỡng trong thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.

ICN khẳng định: đầu tư vào điều dưỡng không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy công bằng xã hội. ICN đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động cụ thể trên 5 lĩnh vực trọng tâm: đầu tư toàn diện, chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho điều dưỡng, cải thiện môi trường làm việc, mở rộng cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và nâng cao tiếng nói của điều dưỡng trong quá trình hoạch định chính sách y tế.

Đánh giá về IND tại Việt Nam, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, IND đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngày kỷ niệm. Kể từ năm 2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức đồng bộ các hoạt động hưởng ứng IND trên toàn quốc, từng bước đưa việc tôn vinh điều dưỡng gắn liền với cải cách thể chế và phát triển chính sách.

Đặc biệt, năm 2020 – Năm Quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh – đánh dấu bước ngoặt khi Việt Nam chính thức tham gia chiến dịch toàn cầu Nursing Now do WHO phát động. Từ đó, IND ngày càng gắn với tiến trình chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững nghề điều dưỡng – lực lượng then chốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tạo hành lang pháp lý vững chắc để điều dưỡng hành nghề chuyên nghiệp

"Để đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển chuyên sâu và chuyên nghiệp nghề điều dưỡng tại Việt Nam, trong những năm qua, hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành", Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho biết.

Điển hình là Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, lần đầu tiên Luật quy định chăm sóc người bệnh là hoạt động chuyên môn quan trọng, điều dưỡng được công nhận là người hành nghề có tính độc lập cao; tạo hành lang pháp lý vững chắc để điều dưỡng hành nghề chuyên nghiệp, thúc đẩy mô hình chăm sóc toàn diện, đa ngành, lấy người bệnh làm trung tâm; khẳng định vai trò điều dưỡng trong phối hợp đa ngành, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Đó còn là Nghị định 96/2023/NĐ-CP, lần đầu tiên quy định chức danh điều dưỡng chuyên khoa, tạo cơ sở pháp lý cho chuẩn hóa đào tạo và phát triển nghề nghiệp chuyên sâu; mở rộng phạm vi hành nghề điều dưỡng ra cộng đồng, thúc đẩy phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe ngoài bệnh viện; là nền tảng cho chuẩn hóa đào tạo, đặc biệt đào tạo chuyên sâu theo chuẩn quốc tế, thúc đẩy năng lực chuyên môn và hội nhập nghề nghiệp.

Thông tư 31/2021/TT-BYT đã đánh dấu bước ngoặt trong nâng cao vai trò điều dưỡng, khẳng định vị trí trung tâm và chủ động của điều dưỡng trong bệnh viện hiện đại; thúc đẩy mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện cả về thể chất, tinh thần và xã hội theo hướng nhân văn và chuyên nghiệp; giao quyền cho điều dưỡng đánh giá, chẩn đoán và thực hiện các can thiệp điều dưỡng trong phạm vi chuyên môn, chuyển từ vai trò thụ động sang chủ động, chuyên nghiệp và có tư duy lâm sàng; thúc đẩy phối hợp đa ngành nhằm bảo đảm hiệu quả và an toàn người bệnh. Thông tư 32/2023/TT-BYT lần đầu tiên quy định rõ phạm vi hành nghề và danh mục 1.251 kỹ thuật chuyên môn cho điều dưỡng…

Theo đó, ngành điều dưỡng những năm qua đã có thêm 5 điểm nhấn phát triển đáng ghi nhận: Điều dưỡng được mở cơ sở dịch vụ điều dưỡng; được đào tạo văn bằng chuyên khoa sau đại học và chứng chỉ chuyên khoa; được mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn, được chỉ định một số kỹ thuật chăm sóc; được bổ nhiệm ngạch viên chức Hạng I; được đào tạo tiến sĩ trong nước và Bộ Y tế đang xem xét cho phép đào tạo Điều dưỡng CK2.

"Đó là những dấu ấn phát triển và tiến bộ của điều dưỡng Việt Nam", Thạc sĩ Phạm Đức Mục nhấn mạnh.

Điều dưỡng cần được đặt ở vị trí trung tâm và đầu tư đúng mức

Thạc sĩ Phạm Đức Mục cho biết: "trong Báo cáo về tình trạng điều dưỡng thế giới 2020 "State of the World's Nursing 2020", WHO cung cấp nhiều bằng chứng khoa học thuyết phục về mối liên quan giữa điều dưỡng và kết quả khám chữa bệnh.
Điều dưỡng chiếm gần 50% nhân lực ngành y tế, trực tiếp cung cấp 60-70% dịch vụ y tế liên tục 24/7. Tăng tải trọng công việc cho điều dưỡng >7 người bệnh/mỗi ca kíp sẽ làm tăng 7% nguy cơ biến chứng và tử vong sau phẫu thuật. Tăng tỷ lệ điều dưỡng/người bệnh phù hợp giảm chi phí điều trị trung bình 8% nhờ giảm ngã, giảm loét tì đè và giảm nhiễm khuấn bệnh viện. Tăng tỷ lệ điều dưỡng đại học giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh nội trú.

Báo cáo của Tổ chức JCI công bố 50% sai sót y khoa có thể được ngăn chặn nhờ giám sát liên tục của điều dưỡng. Báo cáo của ICN (2023) nhấn mạnh đầu tư vào điều dưỡng mang lại tỷ lệ hoàn vốn lên đến 300%.

Vì vậy, ông cho rằng, đầu tư cho điều dưỡng không chỉ cải thiện kết quả y tế mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo thống kê của Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam, đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực điều dưỡng. Năm 2024, tỷ lệ điều dưỡng tại Việt Nam chỉ đạt 18/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, bằng 1/8 các quốc gia phát triển. Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025 và 33 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2030. Bộ Y tế cũng dự báo, từ năm 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung khoảng 173.400 bác sĩ và 313.900 điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Chia sẻ về vụ việc điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị hành hung khi đang làm việc - là một sự việc đau lòng của đội ngũ điều dưỡng, Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho rằng, đội ngũ điều dưỡng các cấp cần được kiện toàn tổ chức từ cấp Trung ương, Sở Y tế đến các bệnh viện. Đội ngũ điều dưỡng cần được tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, được cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

"Một hệ thống y tế hiệu quả, công bằng và nhân văn chỉ có thể được xây dựng vững chắc khi điều dưỡng được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư đúng mức và tạo điều kiện phát huy toàn diện năng lực của mình", Tiến sĩ Vương Ánh Dương khẳng định.

BT (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/ngay-quoc-te-dieu-duong-125-ton-vinh-nhung-dong-gop-tham-lang-20250512085424871.htm
Zalo