Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: Cô gái khiếm thị và hành trình tỏa sáng từ bóng tối
Sinh ra với một bên mắt không nhìn thấy gì, mắt còn lại có thị lực 1/10 cũng chỉ nhìn được đến lớp 6 nhưng Lê Hương Giang (sinh năm 1995, Hà Nội) chưa từng cho phép bản thân đầu hàng số phận.

Lê Hương Giang được vinh danh trong hạng mục “Nhân vật của năm” giải thưởng Ấn tượng VTV 2018
Khiếm thị chưa bao giờ là… rào cản
Từ một cô bé khiếm thị vẽ tranh tặng Hoàng hậu Thụy Điển đến MC ấn tượng của Đài Truyền hình Việt Nam, Hương Giang đã viết nên hành trình đầy nghị lực và khát vọng.
Ngay từ khi còn nhỏ, Hương Giang đã phải đối diện với cái nhãn "khuyết tật". Nhưng thay vì thu mình trong bóng tối, cô gái ấy chọn cách bước ra, dũng cảm đối mặt và khẳng định: "Khiếm thị chưa bao giờ là một vấn đề. Đó chỉ là một cách khác để cảm nhận thế giới."
Năm 2004, khi mới 9 tuổi, Hương Giang đã thực hiện chuyến bay dài đầu tiên trong đời đến Thụy Điển theo lời mời của Hoàng hậu nước bạn. Tại đây, cô được tham gia giao lưu văn hóa nghệ thuật.
"Tôi đã mang theo một bức tranh do tôi vẽ để tặng Hoàng hậu. Và thật bất ngờ, bức tranh ấy không chỉ được đón nhận mà còn được trưng bày tại cung điện Hoàng gia. Khoảnh khắc ấy với tôi vừa xúc động, vừa đầy tự hào. Bởi vì lý do người ta lựa chọn tôi không chỉ bởi vài giải thưởng hội họa, mà là bởi tôi là một người khiếm thị. Trước kia, chẳng ai tin rằng những người không nhìn thấy có thể vẽ tranh. Không ai nghĩ chúng tôi sẽ phối màu ra sao, sắp bố cục thế nào. Nhưng kể từ thế hệ của tôi trở đi, những bức tranh của học sinh khiếm thị đã dần trở thành điều bình thường, và còn hơn thế, là niềm tự hào.
Tôi tự hào không chỉ vì tôi đã mang văn hóa và vẻ đẹp của Việt Nam đến đất nước bạn, mà còn tự hào vì trong khi Thụy Điển có một hệ thống hỗ trợ người khuyết tật rất tốt, thì ở Việt Nam, người khuyết tật chúng tôi cũng biết sáng tạo, cũng biết vẽ, biết làm nghệ thuật nhờ vào sự tận tâm, sự sáng tạo và niềm tin mà các thầy cô đặt vào chúng tôi.
Những bức tranh, những giải thưởng, và cả những câu chuyện vượt lên số phận của học sinh khiếm thị ở Việt Nam, chính là minh chứng rằng khi được tin tưởng, khi được trao cơ hội, chúng tôi cũng có thể phát triển, cũng có thể làm nên những điều thật tuyệt vời.
Và tôi tin rằng, khiếm thị chưa bao giờ là vấn đề. Nó chỉ là một đặc điểm khác biệt để chúng tôi cảm nhận thế giới bằng một cách rất riêng, rất đẹp và rất đáng tự hào", Hương Giang chia sẻ.
Lớn lên, Hương Giang tiếp tục lựa chọn con đường cống hiến. Khi bước vào cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cô tham gia đội sinh viên tình nguyện, tổ chức các chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khiếm thị, trẻ em vùng cao, vận động hiến máu và tham gia những hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa. Dù không thể nhìn thấy, nhưng Hương Giang chưa bao giờ để bản thân đứng ngoài các phong trào. Cô tham gia bằng chính điểm mạnh của mình: ghi chép, truyền thông và truyền cảm hứng cho mọi người bằng tinh thần lạc quan, bằng khả năng lắng nghe và thấu hiểu sâu sắc.
"Nếu như các bạn có thể chụp ảnh thì tôi sẽ là người ghi chép lại các nội dung hoạt động để truyền thông. Trong cuộc sống, ai cũng có điểm mạnh riêng và khi ta biết phát huy điều đó, mọi rào cản đều trở nên vô nghĩa"- Hương Giang cho biết.

Với Hương Giang, khiếm thị chưa bao giờ là rào cản
Người khuyết tật xứng đáng có được hạnh phúc
Năm 2017, Hương Giang chính thức trở thành biên tập viên, MC của Đài truyền hình Việt Nam. Một năm sau, cô được vinh danh là gương mặt MC ấn tượng tại lễ trao giải VTV Awards. Ở môi trường mà ngoại hình và sự nhanh nhạy thị giác đóng vai trò quan trọng, một MC khiếm thị không chỉ tồn tại mà còn tỏa sáng — điều đó đủ nói lên bản lĩnh và sự kiên trì phi thường của Hương Giang.
Không dừng lại ở đó, cô còn là gương mặt quen thuộc trong các chương trình truyền cảm hứng từ VTV1, VTV3, VTV4 đến Đài Truyền hình TPHCM. Các nhân vật khiếm khuyết từng ngại ngùng với ống kính truyền thông lại sẵn sàng mở lòng khi đứng trước cô MC khiếm thị, bởi họ tìm thấy ở Hương Giang sự đồng cảm và thấu hiểu mà không phải ai cũng có.
Hành trình của Hương Giang là minh chứng sống động cho thông điệp mà cô luôn muốn gửi gắm:
"Tôi vẫn thường nói với các bạn của mình rằng, cho dù bạn không nhìn thấy, cuộc sống này vẫn ngập tràn những điều thú vị. Chúng ta chỉ cần chọn một cách khác để cảm nhận mà thôi. Đôi khi, chính vì không thể nhìn thấy, tôi lại lắng nghe tốt hơn, cảm nhận sâu hơn và yêu cuộc đời này theo cách riêng của mình.
Thế nên, nếu nghĩ rằng vì chúng ta khuyết tật nên không xứng đáng có được hạnh phúc, không xứng đáng được đi học, không thể làm được những công việc như người khác thì đó chính là sự tự kỳ thị mà chúng ta đang giới hạn cho mình.
Nếu cha mẹ nghĩ rằng con mình sẽ thua kém chỉ vì con là người khuyết tật, đó chính là rào cản đầu tiên. Nếu thầy cô nghĩ rằng học trò khuyết tật thì chậm hiểu hơn, ít tài năng hơn, khó tiến xa hơn, thì đó lại là rào cản thứ hai. Và nếu chính bản thân chúng ta cũng tự nghi ngờ mình, thì đó mới là rào cản lớn nhất ngăn mình chạm tới ước mơ.
Chúng ta hãy nghĩ, cho dù có bao nhiêu rào cản thì chúng ta phải tin vào nội lực bên trong. Đó là điều quan trọng nhất và là cách mà tôi nhìn cuộc sống này. Các bạn cần nhớ, mỗi chúng ta sinh ra trên đời đều là một phiên bản trọn vẹn".