Ngày hội giáo dục nghề nghiệp Thủ đô: Đưa người học đến gần hơn với thị trường lao động

Hơn 101 nghìn chỉ tiêu học tập và khoảng 3 nghìn vị trí việc làm đã được các nhà trường, doanh nghiệp mang đến Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao cờ lưu niệm tới các đơn vị. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao cờ lưu niệm tới các đơn vị. Ảnh: Lê Nguyễn

Ngày 11-5 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội cơ sở 2 (quận Nam Từ Liêm), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự.

Hiệu quả từ những con số

Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động là sự kiện lớn thường niên của thành phố Hà Nội được tổ chức từ năm 2019 với quy mô và hiệu quả ngày càng tăng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đã hỏi thăm, động viên các giáo viên dạy nghề của Lào đang tham gia khóa đào tạo tại Việt Nam. Khóa đào tạo diễn ra từ ngày 17-3 đến ngày 16-5 tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trường Trung cấp Nghề nấu ăn- nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong hỏi thăm các giáo viên Lào đang tham gia khóa đào tạo giảng dạy tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong hỏi thăm các giáo viên Lào đang tham gia khóa đào tạo giảng dạy tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nguyễn

Nếu như năm 2019 mới chỉ có gần 5.000 người tham gia thì năm nay số lượng học sinh, người lao động tìm đến Ngày hội đã tăng gấp đôi.

Những năm đầu tổ chức, mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với khoảng từ 300 - 400 doanh nghiệp thì nay, các đơn vị đã kết nối với gần 1.000 doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đặt hàng và hỗ trợ đào tạo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt từ 70-80% trở lên. Nhiều em chưa tốt nghiệp ra trường đã có việc làm; nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%, như nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ tự động hóa...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: Lê Nguyễn

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: Lê Nguyễn

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 nhằm tạo cầu nối hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về định hướng nghề nghiệp, tiếp cận cơ hội học tập và việc làm. Sự kiện cũng là cơ hội để học sinh trải nghiệm thực tế, khám phá các ngành nghề, đồng thời để các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân sự có chất lượng.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ đặt hàng, bảo đảm nội dung đào tạo sát với thực tiễn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, tuyển dụng, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp. Với học sinh, sinh viên, cần chủ động tìm hiểu, trải nghiệm và lựa chọn nghề phù hợp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương

Học đại học không phải con đường duy nhất

Tham gia Ngày hội, học sinh cuối cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có cơ hội được trực tiếp giải đáp về các con đường học tập sau khi tốt nghiệp tại các gian tư vấn.

Các gian tư vấn thu hút học sinh. Ảnh: Lê Nguyễn

Các gian tư vấn thu hút học sinh. Ảnh: Lê Nguyễn

Có mặt tại Ngày hội từ sớm, Đỗ Ngọc Mai, lớp 12A5 Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (huyện Ba Vì) cho biết: “Em khá bất ngờ và háo hức khi biết rằng, hiện nay có rất nhiều lựa chọn để học tập sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Em đã ghé qua một số gian tư vấn tuyển sinh của các trường trung cấp và cao đẳng. Nhiều ngành có cơ hội việc làm rất tốt và có thể học liên thông. Em sẽ tìm hiểu thêm và dự tính phương án chọn học trường nghề nếu không trúng tuyển đại học”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thăm các gian tư vấn. Ảnh: Lê Nguyễn

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thăm các gian tư vấn. Ảnh: Lê Nguyễn

Trong khi đó, em Nguyễn Việt Anh, lớp 12A6, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất) chia sẻ, gia đình không đặt áp lực về việc phải đỗ đại học, vì vậy em khá thoải mái và háo hức khi tìm thấy nhiều cơ hội học tập tại Ngày hội như học trung cấp hoặc cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp các trường này, em vẫn có thể học liên thông lên trình độ đại học để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.

"Nhà có nghề sửa chữa ô tô nên em quan tâm đến các ngành liên quan, và dự tính học thêm ngoại ngữ để có thể hỗ trợ bố mẹ nhiều hơn trong công việc kinh doanh, nhất là việc nhập thiết bị…” - Nguyễn Việt Anh cho biết thêm.

Đồng hành cùng con trải nghiệm qua một số gian hàng, bà Nguyễn Trần Mai Lan, phụ huynh học sinh một trường trung học phổ thông ở huyện Phú Xuyên cho biết: “Trước khi tới đây, tôi cứ nghĩ các con cần phải học đại học thì mới có kiến thức, kỹ năng và mới có cơ hội việc làm tốt được. Thực tế trải nghiệm cho thấy, các trình độ đào tạo và ngành nghề sau tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay khá phong phú, cơ hội nghề nghiệp của học sinh cũng dồi dào và rộng mở hơn.

Điều tôi ấn tượng là việc học nghề hiện nay có kết nối chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động, học sinh có cơ hội thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp, nếu học tập tốt có thể được nhận ngay vào làm sau khi tốt nghiệp. Vì thế, nếu con có nguyện vọng học nghề, gia đình sẵn sàng ủng hộ”.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết, nhà trường tập trung phát triển các ngành có tính ứng dụng cao và nhu cầu lao động lớn trên thị trường, trong đó công nghệ ô tô, chăm sóc sắc đẹp, cơ khí đang là lựa chọn phổ biến của nhiều học sinh.

Đây đều là những lĩnh vực có tiềm năng phát trirưon mạnh mẽ trong tương lai, với cơ hội việc làm rộng mở ngay sau khi tốt nghiệp. Đáng chú ý, một số ngành còn được các doanh nghiệp liên kết hỗ trợ 100% học phí, giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình người học.

Các doanh nghiệp đem đến khoảng 3.000 vị trí việc làm hấp dẫn. Ảnh: Lê Nguyễn

Các doanh nghiệp đem đến khoảng 3.000 vị trí việc làm hấp dẫn. Ảnh: Lê Nguyễn

Cùng với công tác hướng nghiệp, tuyển sinh của các trường nghề, hơn 50 doanh nghiệp đã mang đến Ngày hội khoảng 3.000 vị trí việc làm hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực. Bà Nguyễn Thị Xiêm, Phòng Hành chính nhân sự của phức hợp nghỉ dưỡng dưỡng lão, Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông thông tin, đơn vị mang đến Ngày hội nhiều cơ hội việc làm ở các vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn và có thể đi làm ngay.

Đã có khá nhiều bạn trẻ quan tâm tìm hiểu và có mong muốn làm việc tại đơn vị. Đơn vị sẵn sàng hỗ trợ và bồi dưỡng thêm các kỹ năng cần thiết để người lao động có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc với mức lương hấp dẫn.

Tại Ngày hội, các trường cao đẳng, trung cấp tham gia tư vấn tuyển sinh với hơn 101.000 chỉ tiêu vào hơn 330 ngành, nghề ở các cấp độ đào tạo. Ngoài ra, hơn 50 doanh nghiệp cũng tham gia tuyển dụng lao động, đem đến khoảng 3.000 vị trí việc làm.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngay-hoi-giao-duc-nghe-nghiep-thu-do-dua-nguoi-hoc-den-gan-hon-voi-thi-truong-lao-dong-701901.html
Zalo