Ngày càng có nhiều nước trên thế giới bỏ án tử hình

Theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, đến năm 2022, trên thế giới, có 112 nước đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình, 55 nước vẫn áp dụng hình phạt này và 32 nước chưa bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng đã đặt nó dưới lệnh tạm hoãn. sở dĩ như vậy là vì thực tiễn quốc tế chỉ ra rằng việc thi hành án tử hình không mang lại lợi ích - cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Có bao nhiêu nước đến nay vẫn thi hành án tử hình?

“Điều đó có nghĩa là hơn 70% các nước hiện nay đã bãi bỏ án tử hình theo pháp luật hoặc trên thực tế. Mỗi năm lại có những bước tiến mới trên con đường dẫn tới bãi bỏ án tử hình trên thế giới: tháng 7/2023, Ghana đã bãi bỏ án tử hình, còn Zimbabwe cũng sắp thực hiện điều này” - ông Daniel Cullen, Giám đốc dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu án tử hình Anh và là thành viên liên kết của St Antony's College, Đại học Oxford, chia sẻ.

Thông thường, án tử hình được áp dụng đối với tội giết người cố ý, mặc dù ở một số nước như Trung Quốc, Iran, Arập Xêút và Singapore... án tử hình được áp dụng cho các tội liên quan đến ma túy. Ở Trung Quốc và Việt Nam - vì tội kinh tế, ở Libya - vì tội bội giáo, ở Arập Xêút và Iran - vì tội bắt cóc trẻ em, và ở Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Iran, Ai Cập và Arập Xêút - vì tội hiếp dâm.

Ông Daniel Cullen.

Ông Daniel Cullen.

Các hình thức tử hình chủ yếu hiện nay là chặt đầu (Arập Xêút), treo cổ (Iran, Ai Cập, Pakistan, Sudan và các quốc gia khác), bắn (Belarus, Trung Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Somalia, Yemen), ghế điện (Mỹ) và tiêm thuốc độc (Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan). Một số quốc gia Hồi giáo (Pakistan, Arập Xêút, Brunei, Yemen) đôi khi áp dụng hình phạt ném đá, trong khi ở Mỹ, ngày 25/1/2024, lần đầu tiên án tử hình được thi hành bằng khí nitơ.

Tại sao một số nước quay lại án tử hình

Theo bà Robin Maher, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Hình phạt tử hình tại Mỹ, kiêm giảng viên Đại học George Washington, hầu như không có ví dụ về việc các quốc gia quay lại án tử hình, mặc dù có hai trường hợp phức tạp: Cộng hòa Dân chủ Congo và Myanmar.

Năm 2018, ở Congo đã diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình sau gần một thập kỷ nội chiến; ngoài ra, đất nước này có tỷ lệ giết người cao. Theo số liệu của Tổ chức Ân xá quốc tế, lần cuối cùng án tử hình được áp dụng ở Congo vào năm 2003. Không có số liệu về các vụ tử hình sau khi lệnh hoãn được dỡ bỏ.

Bà Robin M. Maher.

Bà Robin M. Maher.

Myanmar, vào tháng 7/2022, án tử hình cũng đã được khôi phục. Tuy nhiên, khác với Congo, tội tử hình ở Myanmar vẫn được duy trì về mặt luật pháp, nhưng không phải trên thực tế. Chính quyền Myanmar đã thi hành các bản án tử hình đối với bốn nhà hoạt động chính trị. Đây là vụ tử hình đầu tiên ở nước này kể từ năm 1988, tức là sau 34 năm.

Về sau, các bản án tử hình ở Myanmar tiếp tục được tuyên (năm 2024, có 151 bản án tử hình, nhưng không rõ chúng có được thực hiện không). Nguyên nhân dẫn đến việc phục hồi các vụ tử hình là sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, chính quyền quân sự đã sử dụng án tử hình như một công cụ đàn áp những người biểu tình - ông Daniel Cullen cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Robin Maher, những ví dụ như vậy chỉ là ngoại lệ trong bối cảnh chung: ở hầu hết các quốc gia, lập luận ủng hộ án tử hình ngày càng suy yếu.

“Nhiều lý do khiến mọi người ủng hộ án tử hình giờ đây không còn phù hợp nữa. Lý do chính là nhiều người tin rằng việc áp dụng án tử hình có thể kiềm chế các tội ác trong tương lai. Nhưng tất cả các nghiên cứu hiện có đều chỉ ra rằng điều đó không đúng” - bà Robin Maher nhận xét.

“Những lập luận nổi tiếng nhất được những người biện minh cho án tử hình sử dụng là: hình phạt (một số tội ác nhất định đòi hỏi hình phạt rất nghiêm khắc); răn đe (sử dụng những hình phạt rất khắc nghiệt làm giảm tỷ lệ tội phạm); và sự ủng hộ của xã hội (dư luận ủng hộ hình phạt này)” - ông Daniel Cullen bổ sung.

Người biểu tình phản đối án tử hình tại Jackson, bang Georgia, Mỹ.

Người biểu tình phản đối án tử hình tại Jackson, bang Georgia, Mỹ.

Mỗi năm có bao nhiêu người chết vì án tử hình?

Không thể thu thập thông tin chính xác về số lượng án tử hình trên thế giới, vì các quốc gia thi hành án tử hình thường giữ bí mật thông tin này. Tuy nhiên, theo Tổ chức Ân xá quốc tế, năm 2022, ít nhất có 883 bản án tử hình được tuyên trên toàn cầu. Con số này vượt qua mức của những năm 2018-2021, khi trên thế giới, theo số liệu của Tổ chức Ân xá quốc tế, mỗi năm có không quá 700 án tử hình.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, tổng cộng, trong 15 năm gần đây, mỗi năm, số án tử hình được xác nhận dao động từ 483 đến 1.634. Tuy nhiên, những thông tin này không thể được coi là đầy đủ vì: “Sự thiếu minh bạch trong việc thi hành án tử hình là một vấn đề phổ biến, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Ở một số nước, án tử hình là bí mật quốc gia, khiến việc đánh giá toàn bộ phạm vi áp dụng án tử hình trở nên khó khăn”. Ông Daniel Cullen cho biết, ở các nước khác, sự thiếu minh bạch có nghĩa là gia đình và luật sư của tù nhân chỉ được thông báo về vụ tử hình sau khi nó đã diễn ra.

Cũng theo ông Daniel Cullen, đôi khi các vụ tử hình được giữ bí mật có chọn lọc: "Ví dụ, ở Iran, một số vụ tử hình được thực hiện công khai, trong khi số khác lại diễn ra một cách bí mật. Belarus cũng coi án tử hình là bí mật quốc gia, đồng thời nhà nước từ chối trả lại thi thể của những tù nhân bị hành hình cho gia đình họ".

Phòng giam tử tù tại Huntsville, bang Texas.

Phòng giam tử tù tại Huntsville, bang Texas.

Tòa án có hay mắc sai lầm khi tuyên án tử hình?

Các nước sử dụng án tử hình không công bố số liệu thống kê về các vụ tử hình oan sai. Nhưng theo bà Robin Maher, chỉ riêng tại Hoa Kỳ (18 vụ tử hình vào năm 2022), nơi các nhà hoạt động nhân quyền theo dõi những bản án này rất nghiêm túc, thì trong 50 năm qua, đã có ít nhất 200 người bị xử tử không công bằng.

Ông Daniel Cullen coi tình hình ở Hoa Kỳ thậm chí còn đáng lo ngại hơn những gì số liệu thống kê của các nhà hoạt động nhân quyền cho thấy: “Con số thực tế về các vụ kết án oan có thể cao hơn nhiều. Và điều này xảy ra trong một hệ thống pháp lý nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các khu vực pháp lý khác nơi áp dụng án tử hình”.

Một nghiên cứu về việc thi hành án tử hình ở Đài Loan (Trung Quốc) đã xác nhận ý kiến của ông Daniel Cullen. Trong số 62 bản án tử hình được tuyên trên đảo quốc này, 10 bản có "sai sót nghiêm trọng liên quan đến việc thiếu bằng chứng buộc tội"; 32 bản "không xác định được yếu tố cần thiết về sự chủ mưu", và 28 bản "có những cáo buộc vô căn cứ về ý định phạm tội của bị cáo".

Trong một số trường hợp, những sai sót này có thể xuất hiện trong cùng một bản án. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta chỉ tính đến việc thiếu các bằng chứng cần thiết thì theo các nhà hoạt động nhân quyền, cứ sáu người ở Đài Loan thì có một người bị xử tử nhầm.

Tính chất khép kín của thủ tục tố tụng tại Iran và Belarus và một vài nước khác không cho phép đưa ra kết luận có căn cứ về tỷ lệ oan sai của các bản án có động cơ chính trị ở các nước này.

Án tử hình tốn kém như thế nào?

Một lý do khác chống lại án tử hình mà các nhà nghiên cứu nêu ra là chi phí thi hành nó, cũng như chi phí giam giữ các tù nhân.

“Nhiều người ủng hộ án tử hình ở Mỹ nhận ra rằng việc thi hành án tử hình tốn rất nhiều tiền và đòi hỏi nguồn lực lớn của nhà nước, - và họ đã tìm ra các công cụ khác, các lĩnh vực khác để đầu tư các nguồn lực đó” - bà Robin Maher khẳng định.

Có những bằng chứng thuyết phục chứng minh cho lập luận này. Ví dụ, Ủy ban Công bằng về thực thi công lý của California năm 2008 đã công bố một báo cáo ước tính chi phí áp dụng án tử hình lên tới 137 triệu USD. Hiện nay, án tử hình ở California trên thực tế đã không còn tồn tại.

Con số này có thể bị ảnh hưởng bởi cách thức thi hành án tử ở Mỹ (ghế điện hoặc tiêm thuốc độc), khác với các hình thức rẻ hơn trong các chế độ độc tài (ví dụ như treo cổ, xử bắn hoặc ném đá).

Tuy nhiên, ngay cả việc giam giữ tử tù cũng rất tốn kém: các nghiên cứu cho thấy ở Hoa Kỳ, chi phí trung bình để giam giữ loại tù nhân này là 1,12 triệu USD mỗi năm, cao hơn chi phí trung bình cho mỗi tù nhân trong cả nước. Cụ thể, các chi phí này bao gồm chi phí pháp lý bổ sung, chi phí tổ chức ủy ban bồi thẩm đoàn và chi phí thi hành bản án.

Án tử hình có giúp củng cố quyền lực không?

Cho đến nay, chưa có các nghiên cứu về việc áp dụng án tử hình có góp phần củng cố các chế độ hay không.

Đồng thời, theo tính toán của Tổ chức Ân xá quốc tế, án tử hình được áp dụng nhiều nhất ở các chế độ khá ổn định. Tuy nhiên, như bà Robin Maher nhận xét, rất khó phát hiện ra mối tương quan rõ ràng giữa sự tồn tại của án tử hình và sự bền vững của các chế độ này.

Ông Daniel Cullen cũng cho rằng án tử hình có thể gây bất lợi về mặt chính trị cho các chế độ toàn trị vì nó gây ra những hậu quả mâu thuẫn nhau trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, án tử hình đối với những người bị buộc tội khủng bố có thể hữu ích cho các quốc gia muốn chứng minh rằng họ đang làm gì đó để "bảo vệ" an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nó không hiệu quả. “Việc đe dọa tử hình khó có thể ngăn chặn được những người sẵn sàng chết vì tín ngưỡng chẳng hạn như những tên khủng bố liều chết. Những vụ tử hình như vậy sẽ làm xuất hiện những kẻ tử vì đạo, và hình ảnh này sẽ trở thành yếu tố đoàn kết đối với các tổ chức của chúng" - các nhà hoạt động nhân quyền nhận xét.

Trần Hậu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/ngay-cang-co-nhieu-nuoc-tren-the-gioi-bo-an-tu-hinh--i759742/
Zalo