Reuters: Nga có thể nhượng bộ khối tài sản 300 tỷ USD bị đóng băng để tái thiết Ukraine
Ngày 21/2, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Nga có thể đồng ý sử dụng 300 tỷ USD tài sản quốc gia bị đóng băng ở châu Âu để tái thiết Ukraine, nhưng sẽ yêu cầu một phần số tiền này được chi cho khu vực Moscow đang kiểm soát.
2/3 cho Ukraine và 1/3 cho khu vực mà Nga kiểm soát?
Một nguồn tin tại Moscow cho biết Nga có thể chấp nhận chuyển tới 2/3 số tài sản bị đóng băng nói trên cho việc khôi phục Ukraine dựa trên một thỏa thuận hòa bình với các điều kiện nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Phần còn lại có thể được chuyển đến các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine mà Moscow hiện coi là một phần của Nga.

Nhiều khu vực tại Ukraine bị tàn phá tan hoang trong các cuộc xung đột với Nga (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, một nguồn tin khác dù xác nhận Moscow sẽ đồng ý sử dụng số tiền này để tái thiết Ukraine song vẫn còn quá sớm để nói về cách phân chia số tiền đó.
Cả hai nguồn tin đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là phải thảo luận về những công ty nào sẽ nhận được hợp đồng tái thiết Ukraine trong tương lai.
Bên cạnh đó, một nguồn tin khẳng định Nga vẫn sẽ yêu cầu dỡ bỏ việc đóng băng tài sản trong quá trình giảm dần các lệnh trừng phạt.
Trước đó, nhiều quan chức phương Tây, đặc biệt là trong Chính phủ Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc tịch thu tài sản quốc gia của Nga. Họ cảnh báo rằng động thái này có thể đối mặt với các thách thức pháp lý và làm suy yếu đồng Euro với tư cách là đồng tiền dự trữ.
Moscow cũng nhiều lần cảnh báo việc tịch thu tài sản của Nga là đi ngược lại nguyên tắc thị trường tự do, phá hủy an ninh ngân hàng và làm xói mòn niềm tin vào các đồng tiền dự trữ.
Đáp lại, Nga đã soạn thảo luật tịch thu tài sản từ các công ty và nhà đầu tư đến từ các quốc gia "không thân thiện", những nước đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Dự luật này đến nay vẫn chưa được Hạ viện Nga thông qua.
Mặc dù việc bị phương Tây đóng băng tài sản đã khiến Moscow tức giận, một số nhân vật có tiếng nói ở Nga đã thừa nhận rằng Moscow có thể sẽ phải chấp nhận từ bỏ các quỹ bị phong tỏa, với điều kiện các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát sẽ vẫn thuộc về Nga.
Ước tính các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine chiếm khoảng 1% GDP của Nga. Song một số nhà kinh tế tin rằng tỷ lệ này có thể tăng nhanh nếu các khu vực này vẫn thuộc Nga khi chiến tranh kết thúc. Các khu vực này hiện đã cung cấp khoảng 5% sản lượng thu hoạch ngũ cốc của Nga.
Ông Oleg Kouzmin - nhà phân tích của Renaissance Capital nhận định sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu, nơi hiện đang kiểm soát phần lớn tài sản của Nga, sẽ khiến việc dỡ bỏ lệnh đóng băng trở nên phức tạp.
"Điều này đòi hỏi châu Âu phải hoàn toàn ủng hộ lập trường hiện tại của Mỹ nhằm đối thoại với Nga", ông Kouzmin nói thêm và đánh giá kịch bản này là "rất lạc quan".
Tín hiệu tích cực từ đàm phán Nga – Mỹ ở Saudi Arabia
Hồi đầu tuần, giới chức Nga và Mỹ đã tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên về việc chấm dứt chiến tranh Ukraine tại Saudi Arabia.
Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều hy vọng cả 2 sẽ sớm gặp mặt để đối thoại trực tiếp.

Cuộc đàm phán giữa giới chức Nga - Mỹ tại Saudi Arabia được đánh giá có nhiều tín hiệu tích cực ban đầu (Ảnh: Reuters).
Đáng chú ý, đề xuất về việc Nga có thể đồng ý sử dụng số tiền bị đóng băng để giúp tái thiết Ukraine chưa từng được đưa ra trước đây. Điều này cho thấy, Moscow dường như đã sẵn sàng thỏa hiệp với Washington nhằm chấm dứt chiến tranh.
Các yêu cầu chính của Nga để chấm dứt giao tranh bao gồm việc rút quân đội Kiev khỏi lãnh thổ Ukraine mà Moscow tuyên bố chủ quyền đồng thời Ukraine chấm dứt tham vọng gia nhập NATO.
Trong khi đó, Ukraine yêu cầu Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ của mình đồng thời nhận được các đảm bảo an ninh từ phương Tây. Song, bản thân các quan chức trong chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cho rằng những mục tiêu này là không thực tế.
Các vùng rộng lớn của miền đông Ukraine đã bị tàn phá bởi chiến tranh, với hàng trăm nghìn binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương ở cả hai bên, trong khi hàng triệu người Ukraine đã chạy sang các nước châu Âu hoặc Nga. Năm 2024, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí tái thiết và phục hồi sẽ lên tới 486 tỷ USD.
Sau khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, phong tỏa từ 300 - 350 tỷ USD tài sản quốc gia của Nga, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ của châu Âu, Mỹ và Anh được giữ tại một kho lưu ký chứng khoán châu Âu.
Tại thời điểm các tài sản bị đóng băng, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ nắm giữ khoảng 207 tỷ USD tài sản bằng đồng Euro, 67 tỷ USD bằng đồng USD và 37 tỷ USD bằng đồng bảng Anh.
Ngoài ra, Nga cũng có khoảng 36 tỷ USD bằng đồng Yên Nhật, 19 tỷ USD bằng CAD, 6 tỷ USD bằng AUD và 1,8 tỷ USD bằng SGD. Tài sản bằng đồng CHF vào khoảng 1 tỷ USD.
Tổng dự trữ vàng và ngoại hối của Nga rơi vào khoảng 627 tỷ USD, bao gồm cả số tiền bị đóng băng. Giá trị tài sản bị đóng băng thay đổi theo giá trái phiếu và biến động tiền tệ.
Khoản nắm giữ trái phiếu lớn nhất của ngân hàng là các trái phiếu Chính phủ của Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Áo và Canada.
Khoảng 159 tỷ Euro tài sản được quản lý bởi ngân hàng thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ tính đến đầu năm 2024.