Ngành Y tế TP. Mỹ Tho: Nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Thời gian qua, ngành Y tế TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang không ngừng phấn đấu, khắc phục những khó khăn, chủ động, sáng tạo, có nhiều đột phá trong công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, hoàn thành xuất sắc công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
HƠN 15 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trải qua nhiều giai đoạn với những tên gọi khác nhau, cuối năm 2009, Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho được thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa TP. Mỹ Tho và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, thực hiện 2 chức năng chính là khám, chữa bệnh, y tế dự phòng và quản lý toàn diện các trạm y tế phường, xã.
Việc triển khai, thực hiện hoạt động theo loại hình này có khá nhiều thuận lợi, do Ban Giám đốc điều hành chung ở các lĩnh vực phòng, trị bệnh và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên y tế có thể hỗ trợ nhau trong công việc khi cần thiết.

Khám, chữa bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho.
Hiện bộ máy Trung tâm Y tế thành phố gồm có 2 khoa dự phòng: Khoa Kiểm soát bệnh tật, Khoa y tế công cộng - an toàn thực phẩm; 7 khoa lâm sàng gồm: Khám bệnh cấp cứu, Nội - nhi - nhiễm, Phụ sản, Dược, Liên chuyên khoa, Xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh, Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng; 4 phòng chức năng gồm: Kế hoạch - tổng hợp, Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Tổ chức hành chính, Tài chính kế toán và 14 trạm y tế phường, xã, với tổng số 262 cán bộ, viên chức (trong đó 28 người có trình độ chuyên môn sau đại học, 93 người có trình độ đại học, 51 người có trình độ cao đẳng...).
Những năm qua, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nhiều nhưng do có sự cải tiến quy trình tiếp nhận, sàng lọc bệnh và tăng thêm phòng khám, sắp xếp hợp lý nhân lực nên đã giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà của người bệnh.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, trong những năm qua, ngoài các thiết bị y tế có sẵn, tuyến y tế thành phố được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh như: Máy truyền dịch tự động, máy bơm tiêm tự động, máy sinh hóa, huyết học, máy ly tâm, lồng hấp sơ sinh… để khám và điều trị nhanh những trường hợp cấp cứu; đầu tư trang bị các thiết bị hỗ trợ công tác y tế dự phòng như: Máy đo tiếng ồn, bụi, ánh sáng, độ rung… giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm tra, giám sát môi trường lao động.
Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế thành phố và cơ sở trong thời gian qua đã góp phần đưa ngành Y tế thành phố đạt được nhiều thành tích phấn khởi như: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1986); Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1996); Huân chương Lao động hạng Ba do đạt thành tích xuất sắc trong công tác từ 2013 - 2017, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2013); Bằng khen của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết (năm 2011); nhiều Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang về chăm sóc sức khỏe nhân dân… Nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và hoàn thành xuất sắc các hoạt động, công tác chuyên môn…
Các trạm y tế phường, xã được trang bị máy điện tim, bình thở oxy, một số y cụ như: Bộ khám ngũ quan, giường inox… và một số trang thiết bị khác để đảm bảo công tác khám, điều trị có hiệu quả. Chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân được duy trì và nâng cao ở tất cả các tuyến từ thành phố đến cơ sở. Nhiều tiến bộ khoa học hiện đại được áp dụng vào việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trưởng Trạm Y tế phường 2, TP. Mỹ Tho Lê Thị Miễn cho biết: “Thời gian qua, Trạm Y tế phường 2 được sự quan tâm, tạo điều kiện về nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để trạm hoạt động. Hiện Trạm Y tế phường có 2 bác sĩ và các chức danh khác như: Y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược…
Trạm hiện có đầy đủ các trang thiết bị như: Máy điện tim, máy siêu âm, máy thở oxy, máy phun khí dung…; đồng thời, đảm bảo cơ số thuốc theo danh mục quy định. Hằng tháng, trạm thực hiện khám bệnh cho trên 800 lượt bệnh nhân, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên…”.
Bên cạnh đó, tác phong phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ở trung tâm và các trạm y tế ngày càng được cải thiện rõ rệt; đặc biệt từ khi toàn ngành đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với những cách làm mới, tập thể cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho và các trạm y tế phường, xã đã tìm, chọn và thực hiện những hoạt động y tế thích hợp để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân thành phố ở cả 2 lĩnh vực phòng bệnh và điều trị bệnh.
Đặc biệt, trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, cả hệ thống chính trị của TP. Mỹ Tho đã vào cuộc một cách quyết liệt; trong đó, vai trò của ngành Y tế thành phố đã phát huy được hiệu quả.
Được sự chỉ đạo của các ngành, các cấp, ngành Y tế thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả; đồng thời, thực hiện tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong.
TỪNG BƯỚC PHÁT TRIỂN, NÂNG TẦM ĐƠN VỊ
Trong suốt thời gian qua, các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Y tế TP. Mỹ Tho đã triển khai thực hiện tốt hoạt động phòng, chống dịch bệnh, góp phần hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân thành phố. Để có được những kết quả phấn khởi của ngành Y tế TP. Mỹ Tho như hiện nay, phải kể đến những đóng góp không nhỏ của các thế hệ cán bộ y tế thành phố qua các thời kỳ.
Những cán bộ này đã dành nhiều tâm huyết trong công tác chuyên môn, lãnh đạo, quản lý, đề ra những giải pháp phù hợp, kịp thời góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
Đồng chí Lê Hữu Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang (nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho) cho biết: “Để phát triển trong thời gian tới, ngành Y tế TP. Mỹ Tho cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó cần sớm đầu tư bệnh viện đa khoa quy mô từ 250 - 500 giường, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân thành phố; cần có sự thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ chuyên sâu, chuyên khoa; hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao y đức của người thầy thuốc, xứng đáng với sự tin cậy của người dân…”.

Cán bộ y tế TP. Mỹ Tho thực hiện tiêm vắc xin cho người dân trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19.
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho Nguyễn Văn Trạng mong muốn: “Tôi và những cán bộ y tế đã nghỉ hưu rất tâm tư vì hiện nay thành phố chưa có được một bệnh viện đạt tiêu chuẩn để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; chưa được đầu tư về ứng dụng khoa học cơ bản, chuyên môn sâu cho một số cán bộ y tế.
Tuy nhiên hiện nay, công tác chuyển đổi số theo Đề án 06 được tập trung thực hiện, trong đó có ngành Y tế. Đây là thời cơ để ngành Y tế thành phố nắm bắt thực hiện để phát triển. Ngành Y tế thành phố cần được đầu tư về nhiều mặt và có cơ chế thông thoáng để phát triển xứng tầm với thành phố đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh…”.
Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho Lê Thị Ngọc Nga cho biết: “Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi thì ngành Y tế thành phố cũng còn gặp không ít khó khăn, đó là do đặc điểm của thành phố là nơi tập trung nhiều trường học, nhiều cơ sở sản xuất, mật độ dân số cao, dân nhập cư nhiều, dân cư thường xuyên biến động nên dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm; nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế nên một số bệnh dịch truyền nhiễm còn lưu hành; nhu cầu khám, chữa bệnh tăng (đặc biệt là khám, chữa bệnh diện bảo hiểm y tế), nguồn nhân lực thiếu, cơ sở hạ tầng chật hẹp chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân…
Hiện tại, cơ sở vật chất của trung tâm chật hẹp nên rất cần được mở rộng diện tích để bố trí khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân, trang thiết bị cũng cần được trang bị hiện đại hơn, để người dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn…”.