Đề xuất tăng mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện tới 50%
Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người lao động.

Tăng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thu hút thêm người dân tham gia
Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện để Bộ Tư pháp để thẩm định theo thẩm quyền.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định Nhà nước hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời, khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Việc hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2018 theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Theo đó, mức hỗ trợ hiện nay đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau: 99.000 đồng/tháng đối với người tham gia thuộc hộ nghèo và 82.500 đồng/tháng đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 33.000 đồng/tháng đối với người tham gia khác.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, kể từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì số người tham gia tự nguyện cũng có sự bứt phá lớn, kết quả thực hiện vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Điều này cho thấy, chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc khuyến khích người dân tham gia.
Trong quá trình thực hiện chính sách, Bộ LĐ-TB&XH nhận được nhiều kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, cơ quan ở Trung ương và địa phương đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung thêm nhóm đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cao hơn (người tham gia là người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Tại tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, phương án 1 là tăng mức hỗ trợ từ 30% lên thành 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; tăng mức hỗ trợ từ 25% lên thành 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số, với mức hỗ trợ 30%; tăng mức hỗ trợ từ 10% lên thành 20% đối với người tham gia khác.
Phương án 2 về cơ bản giữ nguyên mức hỗ trợ theo quy định hiện hành, chỉ bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ ở mức cao hơn so với nhóm đối tượng khác, và người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có mức hỗ trợ bằng hộ nghèo.
Ước tính tổng số tiền Ngân sách Nhà nước cần bố trí trong giai đoạn 2025 - 2030 để hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 19.784 tỷ đồng, tương đương với số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm 2030 là 5,8 triệu người.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, ngoài hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được hưởng chế độ thai sản do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.