Ngành thuế sẽ bám sát, nắm rõ 'sức khỏe' của doanh nghiệp trong 2025

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, cho biết, trong năm tới, ngành thuế sẽ tiếp tục chủ trương lấy mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, bám sát tình hình kinh doanh nhằm nắm rõ hiện trạng 'sức khỏe' của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Thu ngân sách năm 2024 vượt dự toán 15%

Tại Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” chiều 18/12, ông Mai Sơn cho hay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ, việc đảm bảo thu ngân sách bền vững là nhiệm vụ then chốt đối với mỗi quốc gia. Thu ngân sách không chỉ là nguồn lực chính để nhà nước thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình, mà còn là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế. Thực hiện quyết liệt chỉ đạo tại Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó mục tiêu kế hoạch tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra là 8,3 triệu tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,1 triệu tỷ đồng, đạt 86,2% so mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (7,1 triệu tỷ đồng/8,3 triệu tỷ đồng), trong đó Tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 118,6% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,1%/năm.

Tổng thu NSNN năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.709.800 tỷ đồng, bằng 115% dự toán, bằng 112,3% so với thực hiện năm 2023. Trong đó: Thu dầu thô ước đạt 58.100 tỷ đồng bằng 126,3% dự toán, bằng 93,8% so cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 1.651.700 tỷ đồng, bằng 114,7% dự toán, bằng 113% so cùng kỳ Trong đó: thu thuế phí nội địa ước đạt 1.264.500 tỷ đồng bằng 116,5% dự toán, bằng 110,3% so với thực hiện năm 2023. Có 19/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Có 16/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ.

“Với tiến độ thực hiện thu NSNN như trên, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao tại Nghị quyết 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024, thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 9,1 triệu tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính ngân sách đề ra tại Nghị quyết số 23, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 17,6% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt khoảng 14,2% GDP, tỷ trọng thu nội địa tính đến cuối năm 2025 đạt khoảng 83% tổng thu NSNN. Trên cơ sở mục tiêu kế hoạch tại NQ23 của QH, hàng năm Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội giao dự toán thu NSNN và chỉ đạo cơ quan Thuế tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thu”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay.

Theo ông Mai Sơn, để đạt kết quả trên do hệ thống chính sách thuế và thực hiện thu thuế hiệu quả, điều hành chính sách tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2024 ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí gồm: thuế BVMT, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB, thuế TNCN, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ, phí - lệ phí với tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã thực hiện miễn giảm, gia hạn khoảng gần 730 ngàn tỷ đồng.

Qua 4 năm thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí... đã giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thách thức, kích hoạt nội lực sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo động lực hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến thu NSNN, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép” vừa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về tài khóa của Nhà nước cho DN và người dân, vừa góp phần đảm bảo mục tiêu kế hoạch thu ngân sách trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, ngành Thuế tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách như triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính từ 304 xuống 235 thủ tục, tiết kiệm gần 600 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho NNT, tích hợp 122/235 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện nộp, khai thuế điện tử; phát triển ứng dụng eTax Mobile; đưa vào sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử; ứng dụng Big Data và AI để quản lý hóa đơn, phát hiện nhanh và ngăn ngừa các hành vi gian lận hóa đơn, gian lận thuế...

 Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Mở rộng cơ sở thu thuế trên môi trường điện tử

Đáng chú ý, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc mở rộng nguồn thu trên môi trường điện tử, bắt kịp xu hướng chuyển hướng hoạt động mua sắm, tiêu dùng từ phương thức truyền thống sang phương thức điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, trong năm 2022 ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT), xây dựng Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử, tính đến nay, ngành Thuế đã tổ chức rà soát và đưa vào quản lý hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT.

Số liệu quản lý thuế trong lũy kế trong 3 năm từ năm 2022 tới 10 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT với số thuế đã nộp là 274,6 nghìn tỷ đồng. Xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đến nay đã có 116 NCCNN thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử NCCNN đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Singapore, Ireland, Anh,… với tổng số thuế khai nộp NSNN qua Cổng đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, khẳng định chủ quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để chống xói mòn, mở rộng cơ sở thuế, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết về áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hiện nay, cơ quan thuế đang tích cực xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền đánh thuế đối với các Tập đoàn có hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, cùng với những nỗ lực trong triển khai các giải pháp hỗ trợ NNT và mở rộng cơ sở thuế, ngành Thuế thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu theo chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dư địa lớn như lĩnh vực khoáng sản, xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú… nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật thuế, góp phần tăng thu NSNN.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay khoảng hơn 41 nghìn tỷ; thực hiện nghiêm các biện pháp thu nợ, cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình quản lý nợ, xử lý thu hồi vào NSNN khoảng 176,4 ngàn tỷ đồng tiền nợ các khoản thuế phí, lệ phí và các khoản thu từ đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Theo ông Mai Sơn, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2021-2025, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp điều hành chính sách tài khóa mở rộng chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đảm bảo dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục chủ trương lấy mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, NNT làm trung tâm, bám sát tình hình kinh doanh nhằm nắm rõ hiện trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ, trở thành người bạn đồng hành với NNT. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN, hoàn thành toàn diện các mục tiêu ngành Tài chính đề ra.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nganh-thue-se-bam-sat-nam-ro-suc-khoe-cua-doanh-nghiep-trong-2025-d54549.html
Zalo