Ngành tài chính tích cực tăng thu, tiết kiệm chi, tập trung cho dự án hạ tầng chiến lược
Ngành tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%.
Tại hội nghị trực tuyến tại trụ sở Bộ Tài chính và 62 điểm cầu tỉnh, thành phố để tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025, ngành tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%.
Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tích cực tăng thu, tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các dự án hạ tầng chiến lược như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, đường sắt kết nối quốc tế, các dự án năng lượng; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, bảo đảm chi cho các nhiệm vụ lớn như quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm an ninh tài chính, an ninh tiền tệ quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đồng thời tư tưởng phải thông và giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tạo đồng thuận khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, ngành tài chính phải tập trung cao độ cho công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Theo đó, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp nhất, phải quyết liệt triển khai với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Báo cáo tại hội nghị, nhiều địa phương cho biết mức thu ngân sách năm nay đạt kỷ lục, trong đó thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng.
Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mặc dù triển khai nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh có thuận lợi, khó khăn đan xen và có nhiều khó khăn, thách thức ngoài dự báo nhưng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lần đầu vượt 500.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa chiếm gần 94%). Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt gần 40.000 tỷ đồng (tăng 32% so với năm trước). Đối với năm 2025, tổng giao thu ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội là 505.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,7% tổng thu cả nước; chi ngân sách 166.000 tỷ đồng. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025, của nhiệm kỳ 2021-2025 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, lãnh đạo thành phố hà Nội cho biết Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước...
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Kết quả là đến ngày 30/12, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 515.344 tỷ đồng, bằng 104,66% dự toán. Đây cũng là năm đầu tiên TP. Hồ Chí Minh đạt thu ngân sách nhà nước trên mức 500.000 tỷ đồng. Năm 2025, Thành phố được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 506.670 tỷ đồng, chiếm 25,76% dự toán thu cả nước, tăng 4,97% so với dự toán 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài chính – ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp phân quyền ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, tạo bước đột phá phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng quyết liệt làm tốt quản lý thu ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, mở rộng cơ sở thuế, khai thác, đảm bảo thu đúng đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử.
“Quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ để có thêm nguồn dành cho thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngành tài chính cũng điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2025 chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 so năm 2024), cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết; tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo nguồn lực cho quốc phòng an ninh, chi khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.
Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đảm bảo thời hạn theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu.
Về việc thực hiện có hiệu quả sắp xếp tinh gọn bộ máy theo kết luận của Ban chỉ đạo trung ương, Ban chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu ngành tài chính cho biết sớm đưa bộ máy mới vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Sau hợp nhất, số lượng đầu mối giảm trên 2650 đầu mối, tương đương 31,4%, không duy trình mô hình tổng cục./.