Cà Mau: Năm 2024 kinh tế tăng trưởng khá
Năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Cà Mau vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.
Theo đó, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn trong đơn hàng xuất khẩu, “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ước đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD, vượt 1,2% kế hoạch, tăng 5,2% so năm 2023. Trong đó, tôm được xác định là ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu của tỉnh. Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2025, Cà Mau đã xây dựng và thực hiện một loạt chiến lược phát triển ngành Tôm, như: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào các mô hình nuôi tôm sinh thái; nâng cao chất lượng, sản lượng tôm để từ đó xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường.
Năm 2024, kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,09% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 72,6 triệu đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt nhiều kết quả khả quan với tổng sản lượng thủy sản đạt 647 ngàn tấn, tăng 2%. Tổng sản lượng lúa vượt 14%, với khoảng 570 ngàn tấn; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán vượt 0,8%. Năm qua, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh thu về 647 ngàn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm 252 ngàn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo thực hiện, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 64 xã (kế hoạch 62 xã); hoàn thành hơn 400km đường bê tông nông thôn, vượt 60% kế hoạch; ước đến ngày 31/1/2025 giải ngân vốn đầu tư công đạt 91% kế hoạch. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,9% so với cùng kỳ; thương mại, dịch vụ phát triển khá tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%. Thu ngân sách đạt 5.945 tỷ đồng, vượt 11,4% dự toán; chi ngân sách đạt 96,3% dự toán... Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,9% so với cùng kỳ; thương mại, dịch vụ phát triển khá tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%. Thu ngân sách đạt 5.945 tỷ đồng, vượt 11,4% dự toán; chi ngân sách đạt 96,3% dự toán...
Hệ thống trường học tiếp tục được sắp xếp ổn định, tinh gọn theo Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 99,11%. Ước đến cuối năm 2024 có 387/488 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,3%. Hoạt động lĩnh vực đời sống văn hóa và gia đình được người dân tích cực hưởng ứng, đồng tình tham gia. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Hoạt động chăm sóc người có công được quan tâm và đẩy mạnh, công tác vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa đến tháng 9/2024 đạt 11,38 tỷ đồng, vượt 11,6% so kế hoạch. Các địa phương đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hoàn thành, đưa vào sử dụng 204 căn nhà, với số tiền trên 9,8 tỷ đồng cho người có công trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em và bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện, ước đến cuối năm 2024, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,65%...
Tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các khâu đột phá chiến lược. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2023 xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 36 bậc so với năm 2022), thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong năm 2023. Với những kết quả đạt được, cả năm tỉnh đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu chủ yếu theo nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt như: thu ngân sách; giải quyết việc làm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán; phát triển đảng viên mới...
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, ven biển ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người dân. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công một số nguồn chưa như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, hoạt động tranh chấp ngư trường, vận chuyển dầu trái phép, khai thác thủy sản có tính hủy diệt, an ninh trật tự trên biển có thời điểm diễn biến phức tạp.