Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên
Ngày 3/1, tại Lâm Đồng, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024.
Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây nguyên đã được ký kết vào tháng 12/2022 tại TP Đà Lạt, với 5 lĩnh vực hợp tác, đầu tư để phát triển, gồm: Du lịch; Kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; Khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; Y tế, giáo dục; Nông nghiệp.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, nhận định: Thông qua các Hội nghị trong khuôn khổ Chương trình tổng kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025, tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; kịp thời tổng kết, đánh giá, đề ra các chương trình hợp tác thời gian tới để đẩy mạnh liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên liên kết, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, phân phối hàng hóa,…
Với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội; khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, đất đai, khoáng sản quý hiếm… của vùng Tây Nguyên là lợi thế quan trọng và cần thiết để đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, mà trung tâm là TP Hồ Chí Minh - đô thị kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước… Cùng với đó, Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy nỗ lực không ngừng của chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong phát triển kinh tế; thu nhập của người dân được cải thiện; mang đến một diện mạo mới cho chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hệ thống trường học và bệnh viện được đầu tư hiện đại…
Trong năm 2024, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung theo Bản Thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương… Nổi bật là các hoạt động tổ chức triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia…
Trong đó, có 13 sự kiện được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và 3 sự kiện được tổ chức ở vùng Tây Nguyên do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, liên quan đến các nội dung: tăng trưởng xanh, xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số, tập huấn - đào tạo, hợp tác giao thương, triển lãm giới thiệu tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế, Triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao, Hội chợ du lịch, sự kiện về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì 7 sự kiện: Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III; Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vùng Tây Nguyên năm 2024; Lễ hội Hoa tại thành phố Đà Lạt; Hội nghị cấp vùng “Trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản đối với các loại cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực), nấm dược liệu và nấm ăn” các tỉnh vùng Tây Nguyên...
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Thông qua việc chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tích cực phối hợp tổ chức và tham gia triển khai thực hiện các sự kiện hợp tác tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên… đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ động, tích cực khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên là khó khăn, trở ngại trong việc cập nhật thông tin, trao đổi, triển khai thực hiện các nội dung của Bản Thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên; số lượng khách đến tham quan, mua sắm tại sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2024 rất lớn khiến một số doanh nghiệp tại các tỉnh, thành chưa chủ động được nguồn hàng hóa cung ứng liên tục và sớm hết hàng… Bên cạnh đó, do hợp tác trên nhiều lĩnh vực nên việc kết nối giữa các đơn vị sở, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh gặp nhiều khó khăn, chưa tập trung…
Trong năm 2025, UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các nội dung, hoạt động hợp tác song phương; đồng thời triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội…
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng được nghe giới thiệu các mô hình hợp tác tiêu biểu; những kinh nghiệm, giải pháp điển hình, kiến nghị nâng cao hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, như mô hình phát triển vùng nguyên liệu (ông Ngô Xuân Đông – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông); giới thiệu kết quả hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh cà các tỉnh Tây Nguyên (ông Bùi Văn Khánh – UBND huyện Đăk Pơ, Gia Lai); kết quả hợp tác về Y tế với huyện Đam Rông, Lâm Đồng (ông Nguyễn Duy An – UBND Quận 1, TP Hồ Chí Minh); mô hình hợp tác với HTX Tân Tiến (TP Đà Lạt) chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao từ TP Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh (ông Lâm Thái Long - Công ty Bảo Long, TP Hồ Chí Minh); giới thiệu sản phẩm atiso bảo vệ sức khỏe và kiến nghị quy hoạch vùng trồng dược liệu (ông Ngọ Văn Trị - Công ty CP Dược Lâm Đồng)…
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng mong muốn TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ để thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên…; đồng thời, phát biểu định hướng triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025 của tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin thêm: TP Hồ Chí Minh có hợp tác với 6 vùng trong cả nước. Mỗi vùng đều có lãnh đạo UBND thành phố và một sở chủ trì, trong đó, liên kết vùng Tây Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách. TP Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức các sự kiện tại TP Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung ký hợp tác song phương với các địa phương, gồm 9 nội dung tiếp tục của năm 2024 và 10 nhiệm vụ mới cho năm 2025… Sau Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp các nội dung, lấy ý kiến các địa phương và báo cáo để triển khai thực hiện.
Hội nghị cũng chứng kiến Lễ trao bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều và bền vững giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là hợp tác chặt chẽ giữa Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) với TP Đà Lạt, Quận 6 (TP Hồ Chí Minh) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã đạt được sự thống nhất cao về liên kết hợp tác trong thời gian tới trong việc tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn 2025 – 2030 về phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch… của 2 địa phương.