Đến 2030, chi phát triển KHCN tối thiểu 3% ngân sách: Lãnh đạo trường ĐH nói gì?
Lãnh đạo các CSGDĐH cho rằng, việc nâng mức chi cho phát triển khoa học, công nghệ sẽ là bước đột phá của đất nước và động lực phát triển cho các trường ĐH.
Nghị quyết số 03-NQ/CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, một trong những mục tiêu đến năm 2030 là: Bố trí ít nhất 3% trong tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. [1]
Điều này sẽ tác động không nhỏ tới việc phát triển khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Có thêm nguồn kinh phí để phát triển khoa học và công nghệ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng vào năm 2030 sẽ là nguồn động lực lớn cho các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung nhận định: “Việc triển khai Nghị quyết số 57 sẽ mang lại nhiều đột phá để phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn cho tất cả các cơ sở nghiên cứu, đặc biệt là các trường đại học - nơi có nhiều tiềm năng phát triển với đội ngũ nghiên cứu đông đảo.
Vì vậy, nếu việc triển khai Nghị quyết số 57 được thực hiện mạnh mẽ, Việt Nam sẽ có khả năng tạo ra những bước tiến lớn và trở thành một quốc gia phát triển mạnh về khoa học và công nghệ”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung, việc chi tối thiểu 3% trong tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng cũng là thách thức với các cơ sở giáo dục đại học.
“Trước hết, đây là một bước đi chiến lược, giúp các trường đại học thuận lợi hơn trong việc triển khai nghiên cứu các lĩnh vực về khoa học công nghệ. Khi ngân sách dành cho khoa học công nghệ tăng lên, các trường đại học sẽ nhận được nhiều kinh phí hơn để đầu tư vào nghiên cứu khoa học; từ đó, mở rộng cơ hội triển khai các dự án mang tính ứng dụng cao và tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo mới về khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với thách thức lớn về nâng cao năng lực quản lý tài chính để sử dụng ngân sách hiệu quả và minh bạch. Đồng thời, các cơ sở giáo dục này cũng cần phải cải thiện chất lượng nghiên cứu để cạnh tranh thu hút nguồn lực. Bởi, việc giữ chân đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh với các tổ chức quốc tế cũng là một vấn đề nan giải. Do đó, các trường cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn để tận dụng tối đa lợi ích từ nguồn ngân sách này” - vị Chủ tịch Hội đồng trường nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc có thêm ngân sách và nguồn kinh phí sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững và gỡ khó cho hoạt động khoa học công nghệ tại các trường đại học, song, cũng là thách thức đối với các cơ sở giáo dục này.
“Hiện nay, các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ đang ngày càng được đẩy mạnh, mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc kết nối và trao đổi tri thức của các trường đại học với các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ và giảng viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài trở về Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo nên một lực lượng tri thức mới, có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ tại các trường đại học trong nước.
Trong khi đó, mặc dù mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, kinh phí dành cho khoa học công nghệ sẽ được chi tối thiểu 3%, nhưng nhìn chung, thu nhập của những người làm khoa học công nghệ trong các trường đại học công lập vẫn không quá cao. Yếu tố này tạo ra thách thức khi đội ngũ nghiên cứu khoa học có xu hướng chuyển ra ngoài các trường công lập, do thu nhập cao hơn. Vì vậy, để giữ được nhân lực về khoa học công nghệ trong trường đại học công lập, các nhà trường cần sử dụng kinh phí dành cho khoa học công nghệ một cách hợp lý và hiệu quả”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng phân tích.
Cần có những giải pháp thiết thực, tránh lãng phí nguồn ngân sách
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng, nhằm đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ cho khoa học và công nghệ, nhà trường đã và đang xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược, đồng thời đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Sự gắn kết này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia và giảng viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Điều này đảm bảo nguồn lực tri thức không bị mai một, đồng thời, khẳng định vị thế của nhà trường trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cũng đặt trọng tâm vào việc mở rộng quy mô và đẩy mạnh công tác tuyển sinh đối với các ngành khoa học và công nghệ trong những năm tới.
Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Việc tập trung đầu tư vào các ngành khoa học và công nghệ không chỉ giúp tăng cường đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra lực lượng lao động trẻ, năng động, có khả năng thích ứng nhanh với xu hướng công nghệ hiện đại” - vị Hiệu trưởng cho biết thêm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp tận dụng hiệu quả nguồn kinh phí được bổ sung, phát huy tối đa tiềm lực về khoa học và công nghệ của nhà trường, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên phát triển toàn diện năng lực nghiên cứu và sáng tạo.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tăng tỷ lệ ngân sách dành cho phát triển khoa học công nghệ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các trường đại học, đặc biệt là việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Theo thầy Quyền, bên cạnh ngân sách nội bộ của nhà trường, nguồn kinh phí bổ sung từ Nghị quyết số 57 sẽ tạo điều kiện để việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trở nên dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển đối với các trường đại học trong việc tiếp cận nghiên cứu ứng dụng.
Đồng thời, việc các giảng viên tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nhờ nguồn kinh phí bổ sung không chỉ giúp nâng cao chuyên môn, mà còn góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích trực tiếp cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền cũng cho biết thêm, để tận dụng tối đa và hiệu quả từ nguồn hỗ trợ này, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh và đồng bộ đối với đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong thời gian tới.
“Với lộ trình phát triển, các hoạt động nghiên cứu không thể tách rời khỏi việc đào tạo trong các trường đại học. Trước hết, nhà trường sẽ tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, để xây dựng nhằm tạo điều kiện cho sự tham gia cũng như sử dụng kinh phí tài trợ từ các quốc gia trong việc hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, nhà trường sẽ tăng cường thêm việc hợp tác với các địa phương. Trong đó, trường sẽ cử các nhà khoa học để cùng các địa phương giải quyết, tháo gỡ những vấn đề khó khăn tồn đọng về khoa học và công nghệ”, thầy Quyền chia sẻ.
Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền cũng kỳ vọng rằng, Nghị quyết số 57 sẽ không chỉ dừng lại ở các văn bản chỉ đạo mà thực sự đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo thầy Quyền, để đạt được như vậy, việc thực hiện cần được triển khai bài bản, tuân thủ theo các quy định cụ thể đã được đề ra, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
“Trong đó, việc tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể dễ dàng hơn trong việc quyết định và được phê duyệt nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu, là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết số 57. Điều này không chỉ khuyến khích sự chủ động, sáng tạo, mà còn đảm bảo nguồn lực tài chính được phân bổ đúng mục tiêu và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng.
Bên cạnh đó, các vướng mắc trong thanh toán tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học cần được tháo gỡ một cách triệt để. Hiện nay, các thủ tục hành chính phức tạp và cơ chế quản lý tài chính chưa linh hoạt đang trở thành rào cản lớn, làm giảm hiệu quả nghiên cứu và hạn chế sự phát triển của các ý tưởng sáng tạo. Nếu những vấn đề này được giải quyết, các nhà khoa học sẽ có điều kiện tốt hơn để tập trung vào chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị của các công trình nghiên cứu.
Nếu các cơ chế tài chính được cải thiện và Nghị quyết số 57 được thực hiện mạnh mẽ, khoa học và công nghệ sẽ đóng góp một cách tích cực và rõ rệt vào sự phát triển của đất nước. Đây không chỉ là kỳ vọng, mà là điều hoàn toàn có thể đạt được, nếu có sự đồng lòng và quyết tâm từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu và chính những nhà khoa học. Với những bước đi đúng đắn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, khoa học và công nghệ sẽ thực sự trở thành động lực quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền bày tỏ.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung cho rằng, để hỗ trợ các trường đại học phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bổ sung trong việc thực hiện các mục tiêu về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, cần có các chiến lược rõ ràng, cụ thể từ Trung ương tới địa phương.
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện là đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm và đầu tư dài hạn, đi kèm với các định hướng cụ thể nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao.
Để đạt được điều này, cần đảm bảo rằng, các chiến lược đầu tư và các yếu tố liên quan cần được thực hiện một cách tương ứng với cơ chế phân bổ kinh phí. Việc đảm bảo nguồn kinh phí dài hạn không chỉ giúp các trường đại học có điều kiện phát triển ổn định, mà còn tạo cơ sở cho các dự án khoa học và công nghệ đạt được kết quả bền vững.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có các phương án cụ thể hơn trong triển khai thực hiện các vấn đề liên quan tới khoa học, công nghệ: “Để tạo sự thống nhất trong cách thức thực hiện và định hướng rõ ràng cho các trường đại học đối với khoa học công nghệ, cần có thêm các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan Trung ương.
Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2025/01/03-cp.signed.pdf