Ngành Ngân hàng:Ưu tiên bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế
Ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở vốn nhàn rỗi từ người dân và doanh nghiệp… là những mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên trong năm 2025.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 16% đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
Chính sách tiền tệ linh hoạt, chặt chẽ
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023 và 2024, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thường cao gấp đôi tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7%, tăng trưởng tín dụng đạt 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09%, tín dụng tăng trưởng 15,08%. Nếu đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỷ đồng thì đến cuối năm 2024 là khoảng 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, riêng năm 2024, hệ thống ngân hàng đã cung ứng thêm vào nền kinh tế khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay là khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là khoảng 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.
Do đó, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt đến 10%, tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%. Như vậy, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 16% cho cả năm 2025 nhưng cũng có thể cao hơn nếu kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2025 là vừa phải đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các cân đối lớn. Với những kinh nghiệm, bài học trước đây, việc điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác, như xuất, nhập khẩu, thương mại… “Vấn đề là có đủ vốn phục vụ cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn, như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt ra cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025”, ông Đào Minh Tú nói.
Về giải pháp bảo đảm nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục huy động vốn nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân bằng chính sách lãi suất hợp lý. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ điều hành cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ...
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% nhiều khả năng đạt được do "sức khỏe" của nền kinh tế ngày một tốt hơn. Đà tăng trưởng của năm 2024 là lực đẩy lớn cho các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research), hoạt động tín dụng năm 2025 được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Hai yếu tố này được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, khi nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao sẽ giúp tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Thị Phương Lan nhận định, năm 2025, nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối khả quan, được hỗ trợ bởi nhu cầu tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước thực hiện tháng 1-2025, có tới 85,1% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng so với năm 2024. Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng căn cứ kết quả xếp hạng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lộ trình xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định đủ nguồn vốn với lãi suất hợp lý, để đáp ứng cho các doanh nghiệp cũng như người dân. Các ngân hàng thương mại sẽ tìm mọi phương án để tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất đầu ra nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn. Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, năm 2025, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, bảo đảm thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%, huy động vốn trên thị trường 1 điều tiết phù hợp với tăng tín dụng, nợ xấu duy trì dưới ngưỡng 1,5%...