Ngân hàng đẩy mạnh cho vay sau Tết
Các ngân hàng sớm bắt tay vào việc đẩy mạnh hoạt động cho vay trong những tháng đầu năm 2025 ngay khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tín dụng.
Đẩy mạnh vốn tín dụng
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra ở mức 16%, cao hơn 1% so với năm 2024. Giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16% trong năm nay.
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng đạt mức 16% trong năm 2025. Dư địa tăng trưởng có thể đến từ các ngành công nghệ thương mại, sản xuất và các công ty đầu tư nước ngoài. Nhu cầu tín dụng phục hồi tập trung nhiều vào ngành xây dựng và bất động sản.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho biết, năm 2025, các ngân hàng tự xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động. NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho dòng vốn chảy vào sản xuất và nhà ở xã hội. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước, khi mà NHNN không giao chỉ tiêu tín dụng “cứng” cho từng ngân hàng.
Hiện các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng mới và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy dòng vốn ngay sau Tết. Năm 2025, MB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 22%, từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 26%, dự kiến đạt trên 1 triệu tỷ đồng; huy động vốn dự kiến tăng 25%; lợi nhuận trước thuế tăng 8-10%; tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, Ngân hàng sẽ dành ít nhất 50% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi phần còn lại tập trung vào doanh nghiệp lớn. MB cũng sẽ gia tăng quy mô thị phần, chuyển dịch bán lẻ; tăng cường chuyển đổi sổ, kênh số đóng góp xấp xỉ 40% doanh thu, tăng cường quản trị rủi ro, đo lường, lượng hóa được rủi ro và triển khai ESG toàn diện.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2025, tương ứng với việc sẽ có khoảng 230.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách hàng lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng cho phân khúc khách hàng cá nhân.
Sức hấp thụ vốn tốt hơn
Với nhận định tín dụng năm nay tích cực hơn khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng từ 6% đến 10%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư mới đây rằng, Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời, HDBank sẽ tiếp nối truyền thống trả cổ tức cao và đều đặn như kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng đối với triển vọng và hoạt động các ngân hàng trong năm 2025. Mới đây, NHNN ban hành công văn về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đối với các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
HSBC cho rằng, với sự phục hồi chưa đồng đều cùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, nhiều khả năng, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2025. NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo số liệu cập nhật của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96 điểm %/năm so với cuối năm 2023. Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) nhận định, đây là thời điểm có lãi suất cho vay thấp nhất trong nhiều năm qua, ở mức 5-7%/năm.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm tín dụng, biên lãi thuần (NIM) và chất lượng tài sản. Trong đó, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8%, thì tín dụng dự kiến tăng trưởng 16-17%, nhưng tín dụng sẽ có phân hóa giữa các ngân hàng - đã được thể hiện rõ trong 9 tháng đầu năm 2024.
Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng có xu hướng đi xuống, đạt khoảng 4,5%, nhưng vẫn cao hơn so với một số thị trường trong khu vực. Theo bà Hiền, lãi suất đầu vào có xu hướng đi ngang, nhưng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm. Do đó, ngân hàng nào giải quyết được bài toán đầu vào - đầu ra, sẽ có khả năng sinh lợi nhuận cao.