Ngân hàng lớn chờ đón dòng vốn ngoại trong năm 2025
Năm 2025, các ngân hàng lớn như Techcombank, Vietcombank, BIDV tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch bán vốn, với kỳ vọng thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thế khó của ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước
Liên dục dẫn đầu về tổng tài sản và thị phần tín dụng trong nhiều năm, nhưng các ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) có xu hướng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn điều lệ. Nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ không đạt an toàn vốn, hạn chế tăng trưởng tín dụng, sụt giảm lợi nhuận.
![Kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của BIDV và Vietcombank được kỳ vọng sẽ kích hoạt thị trường M&A ngân hàng. Ảnh minh họa: H.T](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_112_51431228/6b9b9095aadb43851aca.jpg)
Kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của BIDV và Vietcombank được kỳ vọng sẽ kích hoạt thị trường M&A ngân hàng. Ảnh minh họa: H.T
Chẳng hạn, Vietcombank có tỷ lệ CAR ở mức 11,39% tính đến cuối năm 2023, đảm bảo đúng quy định hiện hành, tức tối thiểu 8%. Nhưng việc duy trì tỷ lệ này khá bấp bênh, do phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà Vietcombank đang giữ lại (khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (khoảng 5% vốn tự có).
Trường hợp Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền mặt với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế (sau trích lập các quỹ - PV), mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thì tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của Vietcombank do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.
Hai ngân hàng khác trong nhóm Big 4 là Vietinbank và BIDV có hệ số CAR lần lượt là 9,31% và 9,18% tính tới cuối năm 2023 - hiện vẫn đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nhưng nếu cơ quan này nâng tỷ lệ CAR, với lộ trình dự kiến là 9,25% vào năm 2031, 9,875% vào năm 2032, 10,5% vào năm 2033, thì hai ngân hàng trên phải đẩy mạnh lộ trình tăng vốn, để nâng dần tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% đến năm 2033, hoặc giảm hoạt động cho vay để thích ứng.
Thực tế, ngoài xin bổ sung vốn từ nguồn ngân sách qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn như: phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các lãnh đạo ngân hàng tại một số cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, hai hình thức này tốn kém và không mấy khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, Vietcombank và BIDV đều đặt kế hoạch chào bán cho đối tác ngoại tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, với giá trị mỗi thương vụ là hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Nhưng cả hai đều phải rời kế hoạch sang năm 2025, theo Công ty chứng khoán MB (MBS).
Với Vietcombank, các yếu tố gồm: bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với dấu hiệu suy thoái; các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát; hoạt động mua bán và phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn trầm lắng… khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư gặp nhiều thách thức. Do đó, việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ chưa hoàn thành và đang được tiếp tục xúc tiến.
Với BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT cho biết, ngân hàng từng tiếp xúc 38 nhà đầu tư trong vòng ba năm, nhưng chưa tìm được đối tác phù hợp. Nguyên nhân là tình hình kinh tế không thuận lợi, sự thu hẹp khẩu vị rủi ro với các thị trường mới nổi, chính sách thắt chặt tiền tệ của quôc gia làm giảm nhu cầu mở rộng đầu tư của các quỹ vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Những kỳ vọng trong năm 2025
Năm 2025, các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ bước vào giai đoạn “chạy đua” tăng vốn điều lệ, nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và đáp ứng nhu cầu tài trợ cho tăng trưởng tín dụng cả năm, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%.
Cuộc chạy đua này, theo bà Trần Kiều Oanh - Khối dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn của FiinGroup, không chỉ giúp các ngân hàng đảm bảo khả năng hoạt động bền vững trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, mà còn tạo nền tảng mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực chiến lược.
Cụ thể, chuyển đổi số tiếp tục là động lực quan trọng, mang lại sự thay đổi linh hoạt trong mô hình kinh doanh, mở rộng mảng thu nhập ngoài lãi, tạo ra nguồn doanh thu mới từ các dịch vụ như thanh toán số, tài chính cá nhân và quản lý tài sản. Nhờ đó, các ngân hàng có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn, tăng hiệu quả hoạt động và củng cố vị thế trên thị trường.
![Techcombank cũng kỳ vọng hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. Ảnh: T.L](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_112_51431228/68a990a7aae943b71af8.jpg)
Techcombank cũng kỳ vọng hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. Ảnh: T.L
Trước áp lực tăng vốn và chuyển đổi số, Techcombank cân nhắc bán 10-15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dài hạn, đặc biệt ưu tiên các đối tác có năng lực về công nghệ.
Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại Techcombank là 22%, nhưng ông Jens Lottner, Tổng giám đốc vẫn đánh giá tỷ lệ 15% là khả thi, do một cổ đông sở hữu 8-9% cổ phần đang có kế hoạch thoái vốn, tạo điều kiện để thực hiện thương vụ này.
Với Vietcombank, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 8-2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định, tiến độ triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn vẫn được đảm bảo, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, cũng như đáp ứng các chuẩn mực quốc tế ngày càng khắt khe.
Cụ thể, việc lựa chọn tư vấn tài chính được hoàn thành vào tháng 1-2024. Sau đó, ngân hàng đã tổ chức nhiều sự kiện tiếp xúc với nhà đầu tư tại Singapore, Anh, Hong Kong (Trung Quốc)… từ tháng 6-2024.
"Vietcombank vẫn phối hợp chặt chẽ với tư vấn quốc tế để triển khai kế hoạch này. Với tiến độ hiện tại, chúng tôi kỳ vọng có thể hoàn thành kế hoạch phát hành riêng lẻ trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường diễn biến thuận lợi", ông Tùng nói với cổ đông.
Với BIDV, sau khi được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ngân hàng này dự kiến chào bán 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong quí 1-2025, với mức giá 38.800 đồng/cổ phiếu. Với số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành này là hơn 4.803 tỉ đồng, vốn điều lệ ngân hàng sẽ vượt mức 70.200 tỉ đồng.
Đợt phát hành có sự tham gia của bốn nhà đầu tư nước ngoài và một nhà đầu tư trong nước. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đăng ký mua gần 59 triệu cổ phiếu, chiếm 47,7% tổng lượng chào bán. Còn các nhà đầu tư khác như Hanoi Investments Holdings Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (SSMIT) lần lượt đăng ký mua 15,7 triệu cổ phiếu, 8,5 triệu cổ phiếu, hơn 1,9 triệu cổ phiếu.
Nhà đầu tư trong nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký mua 38,7 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh thương vụ trên, kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đâu tư chiến lược của ngân hàng cũng được một số đơn vị như MBS, BVSC, Vietcap kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết, ngân hàng đang làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng để thực hiện phát hành riêng lẻ đợt 1, với tỷ lệ 2,9% trong quí 1-2025. Còn 6,1% sẽ được thực hiện sau đó, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.