Ngành Ngân hàng tiên phong thực hiện ESG
Chiều 25/7, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức Tọa đàm 'Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Ngân hàng' với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học; đại diện các bộ, ngành; các NHTM, TCTD.
Thực hiện ESG là yêu cầu bắt buộc
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống người dân. Theo nghiên cứu của Tổ chức DARA International, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP.
Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG là một yêu cầu bắt buộc. Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng như nâng cao uy tín, vị thế của mình cả trong nước và quốc tế.
Nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. NHNN cũng đã phối hợp với IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất...
Chia sẻ cụ thể hơn về các chính sách của ngành Ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đơn cử như NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; bổ sung, lồng ghép mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào các định hướng hoạt động, phát triển của ngành Ngân hàng.
NHNN cũng ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc NHNN. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng xanh gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh.
Đáng chú ý là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020), thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
NHNN cũng triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các TCTD đa dạng sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với những nỗ lực đó, theo bà Tùng, qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014-2020 và theo dõi từ 2021 đến nay, các TCTD đã có sự thay đổi về nhận thức về phát triển bền vững và thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng. Nhiều TCTD, trên cơ sở quy định của NHNN, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai cho vay các dự án xanh và xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Về kết quả thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo Thông tư 17/2022/TT-NHNN, đến nay sau hơn 1 năm kể từ ngày Thông tư 17 có hiệu lực triển khai thực hiện, 100% NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng. Đã có 17 NHTM thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Đến 31/3/2024 số dự án, số khách hàng đã cấp tín dụng được thực hiện đánh giá quản lý rủi ro về môi trường là 110.371 dự án/ khách hàng; số dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường đạt 991.378 tỷ đồng.
“Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bề vững, vì lợi ích cộng đồng”, bà Tùng cho biết.
Là một đơn vị đi tiên phong trong việc tích hợp ESG vào hoạt động của mình, ông Jakub Kudrna - Giám đốc điều hành chiến lược kiêm Trưởng ban chỉ đạo ESG Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam cho biết, Home Credit luôn tâm niệm các giá trị ESG là một trọng tâm trong hoạt động của công ty.
Tập trung quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp theo các nguyên tắc ESG là điều quan trọng không thể thiếu đối với Home Credit. Thông qua các đổi mới công nghệ, Home Credit quản lý rủi ro một cách hiệu quả để hỗ trợ những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng. Cam kết của Home Credit đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) cũng được củng cố thông qua các khoản đầu tư vào hoạt động giáo dục và hòa nhập xã hội, đặc biệt thông qua các chương trình CSR nổi bật của chúng tôi như Home Love và Home for Life.
“Là một trong những công ty tài chính số hàng đầu tại Việt Nam, phục vụ hơn 16 triệu khách hàng trên toàn quốc trong 16 năm qua, Home Credit cam kết thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ nâng cao tiềm lực tài chính của người tiêu dùng thông qua các sản phẩm mới mẻ, tiên tiến và có trách nhiệm”, ông Jakub Kudrna chia sẻ.
Còn nhiều khó khăn khi thực hiện ESG
Theo bà Tùng, tuy ESG là xu hướng bắt buộc và ngành Ngân hàng cần tiên phong để thực hiện nhưng hiện việc thực hành ESG trong tài chính, ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, một điều bắt buộc là các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý về ESG còn chưa được hoàn thiện nên hầu hết các NHTM chưa xây dựng khung chiến lược và lộ trình thực hành ESG. Chỉ một số ít ngân hàng đã bắt đầu thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội, hay lồng ghép kết hợp đánh giá rủi ro ESG trong hoạt động cấp tín dụng.
Ngoài ra, sự mới mẻ về khái niệm ESG là nhân tố khiến công tác quản trị ESG gặp nhiều vướng mắc đối với cả khách hàng là doanh nghiệp và các TCTD. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, đòi hỏi phải có sự hợp tác và thiện chí từ cả ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Trong giai đoạn đầu, các ngân hàng cũng phải đứng trước vấn đề gia tăng chi phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp, đào tạo nguồn lực để xây dựng phòng ban chuyên trách, thiết kế các chương trình nhằm nâng cao sự hiểu biết về các tiêu chuẩn môi trường và xã hội, đặc biệt là kỹ năng đánh giá rủi ro ESG cho nhân viên thẩm định trong hoạt động cấp tín dụng doanh nghiệp.
Chưa kể đến việc tại Việt Nam cơ sở dữ liệu ESG vẫn chưa hoàn thiện và đa dạng. Trong nội bộ ngành ngân hàng, vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất và rõ ràng về các yêu cầu thực thi ESG. Do đó, các ngân hàng gặp khó trong việc xác định cần thu thập dữ liệu gì hay công bố thông tin ra sao. Hơn nữa, dữ liệu đầu vào còn phụ thuộc vào mức độ công bố thông tin từ khách hàng doanh nghiệp. Điều này cũng đòi hỏi các NHTM tăng chi phí đầu tư công nghệ vì dữ liệu hiện tại chưa thể đáp ứng việc thực hiện các nguyên tắc và báo cáo bền vững….
Bà Tùng cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Đồng thời, hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê hoạt động tín dụng đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia. Chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án thân thiện với môi trường, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp.
Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank:
Tích hợp tiêu chí ESG trở thành văn hóa nội bộ ngân hàng
Agribank là một trong những đơn vị đi đầu trong việc dành nguồn vốn để triển khai tín dụng xanh từ năm 2017. Gần đây, Agribank cũng thấy sự cần thiết phải triển khai các gói tín dụng xanh khác trong các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu… Ngân hàng nhận thấy ban hành sản phẩm đối với tín dụng xanh là một nhiệm vụ cần thiết không chỉ riêng Agribank mà còn đối với các TCTD khác.
Với việc triển khai ESG, Agribank bắt đầu từ thống nhất trong hành động từ Hội đồng thành viên, ban điều hành, đơn vị chức năng có liên quan để thực hiện. Xa hơn nữa, ngân hàng đã ban hành cam kết triển khai ESG được công khai trên website để truyền thông đến từng nhân sự và khách hàng hiểu bản chất và cách thực hiện của bộ tiêu chí này. Cùng với đó, đây là động thái để ESG trở thành văn hóa cũng như tích hợp vào chiến lược kinh doanh và rà soát hàng năm.
Agribank thuận lợi trong triển khai ESG bởi đã nhận được gói tư vấn của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) thông qua Mekong Strategic Partners (MSP), giúp ngân hàng xây dựng chính sách và hệ thống Quản trị rủi ro môi trường và xã hội (E&S) trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, Agribank cũng đã ban hành Quy định nội bộ số 1280, thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng do NHNN ban hành. Agribank cũng tích cực tham gia và chủ động tổ chức chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức về ESG cho các nhân sự trong hệ thống Agribank.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai bộ tiêu chí về ESG, Agribank cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, là những vướng mắc trong hoạt động triển khai, giải ngân hiệu quả các gói tư vấn, tài trợ kỹ thuật từ các tổ chức. Bên cạnh đó là trình độ của cán bộ tín dụng trong thẩm định dự án lĩnh vực xanh còn hạn chế. Về hoạt động đo lường, đánh giá một số yếu tố của bộ tiêu chí ESG như tín chỉ carbon, tiết kiệm năng lượng điện, nước, giấy… là vấn đề khá khó khăn với một ngân hàng có tổ chức lớn, mạng lưới khách hàng động như Argibank. Cuối cùng, các quy định hiện hành chưa quy định về tiêu chí xanh, danh mục xanh, các chính sách chưa đồng bộ, nên việc lựa chọn và thẩm định cho vay dự án xanh vẫn còn gặp khó khăn.
Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối dịch vụ tài chính KPMG:
Gặp khó vì thiếu dữ liệu về ESG
Là đơn vị tư vấn toàn cầu, có rất nhiều hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp về thực hiện ESG, có thể khẳng định, để đo lường mức độ sẵn sàng thực hiện ESG của các TCTD được cân nhắc ở nhiều tiêu chí, về nhận thức, con người, quy trình.
Trong thời gian qua, nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài nguyên môi trường, NHNN, trong 2-3 năm gần đây, nhận thức của ngân hàng đã thay đổi các TCTD đã nói rất nhiều tới ESG từ lãnh đạo cấp cao tới hội đồng quản trị từng phòng, ban... Đi sâu vào việc thực hành, mức độ trưởng thành về ESG của các TCTD Việt Nam hiện còn khá hạn chế bởi gặp nhiều thách thức.
Đơn cử như khó khăn về thiếu dữ liệu, hệ thống chính sách, quản lý rủi ro… Thách thức lớn còn là nguồn lực con người đủ kiến thức, đủ kĩ năng về ESG để có thể hỗ trợ các TCTD. Hiện các ngân hàng bắt đầu thực hiện ESG từ việc có báo cáo thường niên, khi mức độ trưởng thành tốt hơn thì có báo cáo phát triển bền vững, nhưng lại gặp thách thức về dữ liệu, các ngân hàng sẽ mất rất nhiều nguồn lực để có thể có dữ liệu về ESG. Để có dữ liệu báo cáo ESG tự động là một chặng đường còn khá dài. Ngay cả một tiêu chuẩn về danh mục xanh, nguồn vốn xanh cũng chưa đầy đủ. Tuy nhiên, ESG vẫn là một xu thế không thể đảo ngược. Hiện các ngân hàng đã nhìn thấy cơ hội khi đầu tư vào ESG, vị thế của ngân hàng sẽ tốt hơn, có nhiều lợi thế cạnh tranh về mặt chi phí. Vì thế, các TCTD sẽ nỗ lực triển khai ESG trong thời gian tới.
ThS.Tạ Đức Bình - Nghiên cứu viên Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Danh mục xanh rất quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện ESG
Có thể thấy, ngày nay ngân hàng càng nhận thức được rất rõ việc tích hợp các tiêu chuẩn ESG trong hoạt động không đơn thuần vì mục tiêu trách nhiệm xã hội hay môi trường mà còn mang lại lợi ích về mặt kinh tế.
Rất nhiều các nghiên cứu đã chứng minh được, việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG sẽ mang lại những rủi ro thấp hơn và tiềm năng sinh lời bền vững hơn cho lĩnh vực đầu tư. Đơn cử như báo cáo của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley vào năm 2019, có phần phân tích từng hiệu suất của hơn 11.000 quỹ đầu tư từ năm 2004 đến năm 2018 đã đưa ra kết luận rằng những quỹ mà có tích hợp bộ tiêu chuẩn ESG sẽ có rủi ro thấp hơn rất nhiều so với các quỹ truyền thống. Hay một báo cáo khác chỉ ra, các doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 có điểm ESG cao hơn hơn thì thường có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao và biến động cổ phiếu thấp hơn nhiều so với thể hiện các công ty không có tích hợp bộ tiêu chuẩn này.
Rõ ràng, ESG là hoạt động gắn chặt với quản trị rủi ro của ngân hàng, gắn chặt với việc tìm kiếm lợi nhuận trong hoạt động đầu tư của ngành Ngân hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình Bộ Tài nguyên và môi trường soạn thảo danh mục phân loại xanh chúng tôi nhận thấy, NHTM chỉ là trung gian tài chính, để các ngân hàng thực hiện cho vay bên vững, thực hành tiêu chí ESG trong kinh doanh thì rất cần danh mục phân loại xanh, nó có thể hỗ trợ ngân hàng trong quá trình nhận diện và đánh giá thế nào là dự án xanh. Điều này không chỉ giúp việc chuẩn hóa các quy trình của ngành Ngân hàng mà còn tạo ra những nền tảng làm nên tính minh bạch trong việc định hướng các dòng đầu tư trong lĩnh vực tài chính.
Với danh mục phân loại xanh quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi tham khảo ý kiến từ các bên trong đó có NHNN, hiện đang gấp rút hoàn thiện dự thảo về danh mục và bộ tiêu chí xanh, hy vọng sẽ được sớm ban hành trong những tháng còn lại của năm 2024.
TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng:
4 yếu tố thúc đẩy các ngân hàng áp dụng ESG
Có 4 yếu tố chính thúc đẩy các ngân hàng áp dụng ESG: Thứ nhất, áp lực do sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách; Thứ hai, nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG; Thứ ba, cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới với các rủi ro tài chính (như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản) và phi tài chính khác (như rủi ro hoạt động, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng); Thứ tư, cơ hội mở rộng thị trường, các ngân hàng tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh sẽ có lợi thế trong việc thấu hiểu và nắm bắt nhu cầu chuyển đổi của khách hàng.
Triển khai ứng dụng ESG tại hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện có nhiều thuận lợi do có sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN và các Bộ Ngành liên quan. Tuy nhiên, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các NHTM Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như về khung pháp lý, đến nay quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tin dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Do vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng của NHNN, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các NHTM. Bên cạnh đó, việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải tiếp tục là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng. Nguồn lực nhân sự ngân hàng có kiến thức kĩ thuật chuyên sâu về các yếu tố môi trường, xã hội và bền vững để đánh giá, thẩm định dự án/khoản vay còn tương đối hạn chế.
Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam mới tiếp cận ban đầu với định hướng phát triển bền vững và thực hành ESG, đặc biệt là việc quản lí các rủi ro về môi trường, do đó, sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn là các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động ngân hàng xanh, phát triển bền vững cần tiếp tục được xây dựng và ban hành với mức khuyến khích đủ lớn. Cuối cùng là yêu cầu về tiềm lực tài chính và năng lực cạnh tranh. Quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững đòi hỏi các NHTM phải sở hữu tiềm lực tài chính nhất định đầu tư công nghệ, đào tạo nhân viên, xây dựng cơ sở dữ liệu.