Ngành Ngân hàng Khánh Hòa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
Thời gian qua, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khánh Hòa cùng nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, tín dụng ngân hàng không chỉ tăng trưởng tích cực mà còn trở thành công cụ hiệu quả hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần đạt được những kết quả kinh tế ấn tượng.
Sức bật cho nền kinh tế
Theo ông Đỗ Trọng Thảo, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khánh Hòa, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tuân thủ nghiêm túc quy định về lãi suất tiền gửi và cho vay. Đồng thời, các TCTD được yêu cầu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Kết quả đến nay, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt trên 131.662 tỷ đồng, tăng 7,59% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh số cho vay trong những tháng đầu năm 2024 đạt gần 160.000 tỷ đồng, tăng 9,54% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các tháng cuối năm ghi nhận sự hồi phục rõ nét trong nhu cầu tín dụng khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết.
Các TCTD như: ACB, MBBank, HDBank đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng vượt 13% tính đến cuối tháng 9/2024, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành. Những con số này phản ánh hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế và sự cải thiện trong sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Những kết quả của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Khánh Hòa.
Thông tin tại buổi làm việc với Vietcombank mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết, 10 tháng năm 2024, GRDP tăng 10,45% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 6 so với cả nước và xếp thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; thu ngân sách nhà nước đạt 17.320,3 tỷ đồng, bằng 103,8% dự toán và tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 14.870,5 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán và tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu hết năm 2024 sẽ thu ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng, vượt 20% so với dự toán. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn. Tỉnh cũng chủ động tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.
Điểm sáng tín dụng ngân hàng
Một trong những điểm sáng của ngành Ngân hàng Khánh Hòa là sự hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và nông dân trong việc tiếp cận vốn. Các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của khách hàng; thực hiện tốt các chương trình tín dụng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…
Agribank Khánh Hòa, điển hình trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5% cho các dự án nông nghiệp sạch. Tại huyện Khánh Sơn, nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã giúp nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vào cây sầu riêng – loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Nguyễn Viết Lãm ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn là một minh chứng. Nhờ khoản vay 1,2 tỷ đồng từ Agribank, ông Lãm đầu tư cải tạo hệ thống tưới tiêu và chăm sóc vườn sầu riêng rộng 8,5ha. Kết quả, vụ sầu riêng năm 2024 mang lại cho gia đình ông Lãm doanh thu hơn 6 tỷ đồng.
Tương tự, ông Cao Văn Tỵ ở xã Sơn Trung (Khánh Sơn) đã vay 1 tỷ đồng để mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Vụ vừa qua, gia đình ông Trung thu nhập hơn 2 tỷ đồng từ 500 gốc sầu riêng. Những khoản vay tín dụng ưu đãi này không chỉ hỗ trợ người dân nâng cao đời sống mà còn tạo thêm việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2024, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Để đạt được mục tiêu này, NHNN chi nhánh Khánh Hòa sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, triển khai các chương trình tín dụng phù hợp cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như nông nghiệp, lâm sản, thủy sản, và nhà ở xã hội.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi cuối năm. Sacombank triển khai gói 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm cho doanh nghiệp. Agribank tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cho vay ngắn hạn, dài hạn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sản xuất nông nghiệp.
Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Khánh Hòa đang tận dụng tốt các nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế. Nguồn vốn tín dụng được phân bổ đúng trọng tâm, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế địa phương vững mạnh hơn trong tương lai. Từ những thành tựu đã đạt được, ngành Ngân hàng Khánh Hòa kỳ vọng tiếp tục là động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện đối với địa phương.