Ngành lập trình bước vào thời kỳ cách mạng

Những gã khổng lồ công nghệ đang đặt cược lớn vào lập trình ngôn ngữ tự nhiên. 41% mã trên GitHub (một hệ thống quản lý dự án, lưu trữ source code, theo dõi và cộng tác trong các dự án phần mềm) được tạo ra bằng AI.

Trong tương lai, lập trình ngôn ngữ tự nhiên và mã hóa truyền thống sẽ cùng tồn tại, tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện hơn.

Trong tương lai, lập trình ngôn ngữ tự nhiên và mã hóa truyền thống sẽ cùng tồn tại, tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện hơn.

Lập trình ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Programming - NLP) là một lĩnh vực AI và khoa học máy tính, tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ tự nhiên (ngôn ngữ mà con người sử dụng hằng ngày, như tiếng Việt, tiếng Anh,...) để giao tiếp với máy tính hoặc lập trình hệ thống.

Các ngôn ngữ lập trình như Python, Java và C++ được coi là nền tảng phát triển phần mềm đang phải đối mặt với thách thức, đó là sự xuất hiện của lập trình ngôn ngữ tự nhiên. Theo Giám đốc điều hành Stability AI Emad Mostaque, mã do AI tạo ra hiện chiếm 41% nội dung của GitHub. Sự thay đổi sang lập trình ngôn ngữ tự nhiên thậm chí đang thu hút sự quan tâm của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

Giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc cách mạng này. Tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới, ông đã trình bày một tầm nhìn tương lai – công nghệ máy tính phát triển để hiểu ngôn ngữ của con người, loại bỏ nhu cầu lập trình truyền thống. Tầm nhìn của vị tỷ phú không chỉ là làm cho việc viết mã dễ dàng hơn mà còn là thay đổi cơ bản những người có thể tham gia vào việc tạo ra phần mềm.

Trong khi đó, một gã khổng lồ khác là Microsoft cũng đang phát triển lập trình ngôn ngữ tự nhiên trên GitHub Copilot. Nhiều công cụ của Microsoft đang giúp ngay cả những người không có kiến thức viết mã cũng có thể lập trình phần mềm. Tuy nhiên, việc sử dụng lập trình ngôn ngữ tự nhiên không phải không có hạn chế. Chẳng hạn nhà sáng lập Nvidia, Jensen Huang, từng chỉ ra để sử dụng hiệu quả các mô hình, đòi hỏi phải tạo ra các hướng dẫn chính xác để AI có thể hiểu được.

Bên cạnh đó, các công cụ này hầu hết chỉ viết được những chương trình phổ thông. Do đó, các kiến trúc phần mềm phức tạp sẽ vẫn phụ thuộc vào các lập trình viên chuyên nghiệp. Thế nên, sự xuất hiện của lập trình ngôn ngữ tự nhiên không phải là sự thay thế, mà là sự tăng trưởng. Trong khi các công cụ viết mã thông minh có thể ngày càng dễ tiếp cận, nhu cầu về những kỹ sư có chuyên môn vẫn còn.

Nhìn chung, lập trình ngôn ngữ tự nhiên được dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển, giúp giảm chi phí đào tạo, có khả năng thay đổi cách các cá nhân/doanh nghiệp tiếp cận phát triển phần mềm. Tuy nhiên, các câu hỏi về khả năng mở rộng, bảo trì và chất lượng trong mã do AI tạo ra vẫn còn là cuộc tranh luận.

Theo Tech Wire Asia, trong tương lai, lập trình ngôn ngữ tự nhiên và mã hóa truyền thống sẽ cùng tồn tại, tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện hơn. Cuộc cách mạng thực sự không chỉ nằm ở các công cụ viết mã tự động mà còn ở việc ai đủ khả năng tham gia xây dựng hệ sinh thái phần mềm

Hạ Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-lap-trinh-buoc-vao-thoi-ky-cach-mang.htm
Zalo