Ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL tiếp cận vốn còn khó khăn
Bàn về thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần sớm xây dựng định chế bảo hiểm nông nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tín dụng.
Ngày 18-11 tại TP Cần Thơ, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.
Mở đường cho doanh nghiệp vay vốn
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng có một bất cập trong vấn đề tín dụng là 99% doanh nghiệp phụ thuộc vốn vay ngân hàng.
"Nếu không có vốn vay ngân hàng thì tôi đảm bảo doanh nghiệp ngừng hoạt động ngay” - ông Bình nói. Đồng thời, ông đề xuất cần có nhiều nguồn vốn khác nhau để người làm trong ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có thể tiếp cận được.
Tôi mong cấp lãnh đạo xem xét, đừng để ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL tiếp tục mất cơ hội chỉ vì không vay được vốn để đầu tư phát triển trong khi ngân hàng không thiếu tiền cho vay.
Ông Phạm Thái Bình – TGĐ Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An
Theo ông Bình, ngành hàng lúa gạo muốn phát triển nhanh, căn cơ, bền vững thì không thể thiếu nguồn tín dụng của ngân hàng.
Theo đó, với kinh nghiệm sản xuất của Công ty Trung An, ông Bình đã phân tích các số liệu cụ thể về số tiền ngân hàng cần cho vay để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; các hiệu quả, giá trị mang lại từ 1 triệu ha cánh đồng có liên kết và không liên kết sau một năm…
Từ đó, ông Bình cho rằng nếu cứ để ngành hàng lúa, gạo Việt Nam sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỉ USD.
Cần thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã gợi mở nhiều vấn để để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL.
Theo đó, TS Trần Du Lịch gợi ý nên bàn thêm về xây dựng chương trình quốc gia bao gồm cả miễn giảm lãi suất tùy theo đối tượng, kéo dài thời gian trả nợ, xây dựng định chế bảo hiểm nông nghiệp. Cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cố gắng phát triển đa dạng hóa các hình thức tín dụng, ví dụ các định chế tín dụng vi mô, hợp tác xã tín dụng… với đối tượng vay linh hoạt.
Còn TS Cấn Văn Lực thì cho rằng một trụ cột quan trọng phải thúc đẩy thời gian tới là bảo hiểm nông nghiệp. Theo ông Lực, bảo hiểm nông nghiệp chúng ta có thí điểm hai công đoạn khác nhau năm 2013 và 2018 nhưng đến nay chưa tổng kết.
“Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng phải sớm tổng kết chương trình bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt sau bão Yagi. Các nước đều có bảo hiểm nông nghiệp để phòng ngừa những rủi ro do thiên tai, địch họa bất thường…” – ông Lực cho hay.
Doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó khăn
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, ngành ngân hàng có triển khai nhiều cơ chế đồng hành phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng nông sản chủ lực của vùng.
Tính đến cuối tháng 9-2024, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643.000 tỉ đồng, tăng 7% so với 2023.
Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL, trong đó có các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản, rau quả, còn khó khăn. Cụ thể như cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; Dư nợ của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến…