Vẫn băn khoăn đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với bia
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với bia từ mức 65% hiện nay được đề xuất tăng lên 80% vào năm 2026, rồi liên tục tăng 5%/năm, đạt mức 100% vào năm 2030. Nhiều ý kiến lo ngại mức tăng này gây hệ lụy lên nền kinh tế.
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đang được thảo luận tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, trong đó có đề xuất tăng thuế với bia.
Có 3 phương án đề xuất. Trong đó, hai phương án của Bộ Tài chính:
Phương án 1 - tăng từ mức thuế suất 65% hiện nay lên 70% năm 2026, mỗi năm kế tiếp tăng thêm 5% để đạt mức 90% vào năm 2030
Phương án 2 - tăng lên 80% năm 2026, tăng 5%/năm liên tiếp đến năm 2030 đạt mức 100%.
Một phương án của Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát: Phương án 3 - tăng thuế từ 2027, mức tăng 5%, 2 năm tăng một lần, đến năm 2031 đạt thuế suất 80%.
“Ít quốc gia nào có mức đánh thuế liên tục như vậy”
Tại Hội thảo về tác động kinh tế - xã hội của chính sách thuế TTĐB đối với các ngành công nghiệp, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 18/11, TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bày tỏ sự e ngại khi Bộ Tài chính đang thiên về phương án 2.
“Ít quốc gia nào có mức đánh thuế liên tục như vậy”, bà Thảo nhận xét.
Bà Thảo cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính hiện nay chưa có đánh giá tác động một cách toàn diện, chủ yếu dựa vào cảm nhận của cơ quan soạn thảo; chưa có bằng chứng khoa học, dữ liệu, số liệu để chỉ rõ đây là mặt hàng cần phải kiểm soát; chưa có đánh giá tác động liên ngành (21 ngành khác có liên quan đến bia).
Một loạt số liệu được đại diện CIEM đưa ra để những nhà làm chính sách cân nhắc thiệt hơn trước khi ra quyết định cuối cùng.
Về tác động tới giá trị tăng thêm của ngành bia, với phương án 1, giá trị tăng thêm của ngành bia giảm 8% ngay năm 2026; phương án 2 giảm 11% năm 2026 và phương án 3 giảm 7,2% năm 2027. Cộng dồn từ năm 2026-2030, phương án 1 sẽ làm giảm hơn 44.000 tỷ đồng giá trị tăng thêm của ngành bia, phương án 2 giảm hơn 61.000 tỷ đồng và phương án 3 cộng dồn từ 2027 đến 2031 giảm hơn 38.000 tỷ đồng.
Về tác động tới tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, phương án 1 cộng dồn từ 2026 đến 2030, sẽ giảm tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế là hơn 10.000 tỷ đồng; phương án 2 giảm hơn 13.500 tỷ đồng; phương án 3 làm giảm hơn 6.500 tỷ đồng, ít tác động tiêu cực tới ngành bia và các ngành khác trong nền kinh tế.
Về tác động tới người lao động, phương án 1 khiến thu nhập của người lao động giảm hơn 3.400 tỷ đồng, phương án 2 giảm 4.600 tỷ đồng và phương án 3 giảm 2.200 tỷ đồng.
Về tác động tới ngân sách nhà nước: Phương án 1 tăng thuế gián thu (thuế sản phẩm) cộng dồn từ 2026-2030 là 6.469 tỷ đồng nhưng thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) lại giảm 1.230 tỷ đồng nên tổng thu thuế chỉ là 5.149 tỷ đồng; Phương án 2 tăng thuế gián thu 8.559 tỷ đồng, giảm thuế trực thu 1.752 tỷ đồng, tổng thu 6.807 tỷ đồng; Phương án 3 cộng dồn 2027-2031, tăng thuế gián thu 4.186 tỷ đồng, giảm thuế trực thu 856 tỷ đồng, tổng thu 3.330 tỷ đồng.
Tăng thu ngân sách chỉ đạt trong ngắn hạn, còn trung và dài hạn thì nguồn thu ngân sách bắt đầu suy giảm do ngành bia và các ngành trong quan hệ liên ngành cũng giảm doanh thu.
Doanh nghiệp mong được "khoan thư"
Ở góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại Heineken Việt Nam, chia sẻ quan điểm của các doanh nghiệp ngành bia rượu nước giải khát khi cho rằng tăng thuế TTĐB lên 100% là chính sách rất tiêu cực.
Trước hết, việc tăng thuế không chỉ ảnh hưởng tới những doanh nghiệp lớn, chính sách này còn tác động rất mạnh và toàn diện tới chuỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam tham gia ngành đồ uống có cồn (những doanh nghiệp đầu vào từ nông nghiệp, giao thông, phân phối, du lịch, thương mại, kinh tế đêm... ).
Khi các nhà đầu tư tính toán thu hẹp sản xuất tại Việt Nam, chuỗi SMEs sẽ mất cơ hội tham gia thị trường, tạo việc làm, tạo GDP.
Việc tăng thuế sẽ có khả năng kìm hãm động lực của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào, vận chuyển tăng, đang căng sức lo chi phí tuân thủ các chính sách mới như kinh tế xanh, kinh tế sạch,... giờ lại thêm gánh nặng thuế.
Hệ lụy lớn nữa là vấn đề an sinh xã hội. Thị trường lao động đang gia tăng xu hướng thất nghiệp. Tăng thuế có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp thu hẹp hoặc chấm dứt hoạt động. Phương án 2 của Bộ Tài chính sẽ khiến thu nhập của người lao động giảm tới hai lần so với phương án 3.
Đặc biệt, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh tác động của chính sách tăng thuế TTĐB với bia tới GDP. Cụ thể, phương án 1 giảm giá trị GDP hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 0,035% GDP; phương án 2 giảm 32.300 tỷ đồng, tương ứng 0,08% GDP; phương án 3 giảm 8.590 tỷ đồng, tương ứng 0,017% GDP.
“Cần rất cẩn trọng khi đề xuất tăng thuế vì ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu giảm 0,08% GDP sẽ không đảm bảo mục tiêu của Quốc hội”, bà Thảo nói.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam, đồng tình với xu hướng tăng thuế, song cũng khuyến nghị cần xem xét mức tăng thuế sao cho hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của ngành công nghiệp, với thu ngân sách.