Ngành Giáo dục khởi động nhiều việc lớn trong năm 2025

Sáng 6/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Bộ trưởng và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Trần Hiệp.

Bộ trưởng và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Trần Hiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Nhiều kết quả nổi bật

Năm 2024, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, của ngành và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Theo đó, công tác xây dựng, triển khai chương trình soạn thảo văn bản và kế hoạch nhiệm vụ được thực hiện tích cực. Nổi bật là đã trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục mầm non mới được tập trung nghiên cứu xây dựng; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả, chất lượng Chương trình giáo dục mầm non hiện hành; xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non và Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Chương trình GDPT 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới - được tích cực triển khai theo lộ trình. Hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số cấp tiểu học đối với 8 thứ tiếng và tài liệu giáo dục địa phương cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ. Chất lượng GDPT có bước tiến bộ, học sinh phổ thông tham dự các kỳ thi khoa học kỹ thuật, Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích cao.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 - được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 được chú trọng. Đến nay đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn Kỳ thi; chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để xây dựng đề thi, phần mềm phục vụ kỳ thi, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Phong trào xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời được quan tâm triển khai. Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao có bước phát triển, trong đó tập trung ưu tiên các ngành phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh mới. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học ngày càng được chú trọng. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao, tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm phát triển về số lượng và chất lượng. Công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; công tác quân sự, quốc phòng và phòng chống khủng bố; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh được triển khai hiệu quả.

Hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh; nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế được ký kết, tạo căn cứ và hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác với các nước và cơ sở giáo dục và đào tạo trên thế giới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo...

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ của Bộ, của ngành năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao; trình ban hành và ban hành văn bản theo thẩm quyền…

 Chia sẻ với ngành về những khó khăn, vướng mắc và cho rằng để khắc phục không thể một sớm, một chiều, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng niềm tin của xã hội với ngành Giáo dục. Ảnh: Trần Hiệp.

Chia sẻ với ngành về những khó khăn, vướng mắc và cho rằng để khắc phục không thể một sớm, một chiều, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng niềm tin của xã hội với ngành Giáo dục. Ảnh: Trần Hiệp.

Triển khai quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tiếp tục hoàn thiện thể chế

Năm 2025, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Chính phủ; các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo, góp phần cùng Chính phủ và cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, đóng góp thiết thực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, nghiêm túc và bảo đảm tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ GD&ĐT và bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ; chủ động các phương án tiếp nhận, sắp xếp, bố trí nhân sự các đơn vị phù hợp sau khi tiếp nhận các đơn vị về Bộ quản lý.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29. Tập trung nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, xây dựng Luật Giáo dục Đại học. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Cùng với đó là các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

 Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp.

Năm 2025, ngành Giáo dục cũng tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục quốc phòng và an ninh; giáo dục thể chất, y tế trường học. Đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới xu hướng thuận lợi của ngành trong năm 2024, qua đó tạo khí thế, tinh thần tốt cho đội ngũ giáo viên và cho toàn ngành.

Thuận lợi đầu tiên là sự gia tăng mối quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với ngành Giáo dục; thể hiện qua việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

 Đại diện các vụ, cục phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp.

Đại diện các vụ, cục phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp.

Theo Bộ trưởng, Kết luận số 91-KL/TW định hướng các việc của ngành trong tương lai vừa mang tầm vĩ mô, vừa thuận cho triển khai. Ngoài ra, trong giai đoạn phát triển bứt phá của đất nước, vai trò của nhân lực ngày càng được bàn đến nhiều hơn, tầm quan trọng của vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao ngày càng được nhìn nhận nhiều hơn; chiến lược đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao, công nghệ bán dẫn được triển khai với vai trò chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… là thuận lợi cho ngành.

Bên cạnh đó, một số thuận lợi liên quan đến đội ngũ nhà giáo được Bộ trưởng đề cập như: việc điều chỉnh mức lương cơ bản, trong đó đối tượng lớn được thụ hưởng đang công tác trong Giáo dục; việc được phân bổ, sử dụng hết 65.000 biên chế giáo viên; trong nghị trường Quốc hội hay trên các diễn đàn báo chí, truyền thông, vấn đề đời sống giáo viên được đề cập, quan tâm nhiều hơn, đó cũng là một trong những lý do để việc trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội thuận lợi…

Trong năm 2024 cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục của nhiều địa phương. Một số chính sách tác động tốt đến ngành như Nghị định 116 được triển khai, qua đó giúp tuyển sinh khối Sư phạm cải thiện rõ rệt. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ GD&ĐT đã tận dụng được xu hướng tốt để ban hành, điều chỉnh và tham mưu ban hành, điều chỉnh hàng loạt nghị định, thông tư… cũng là những nhân tố được Bộ trưởng đánh giá là thuận lợi trong năm 2024.

Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật, Bộ trưởng nhận định, trong năm 2024, ngành Giáo dục hoàn thành được nhiều nhiệm vụ lớn mà không đợi đến hết kế hoạch 5 năm. Trong đó có việc tổng kết Nghị quyết 29 và đề xuất chính sách mới; hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; hoàn tất chu trình đổi mới giáo dục phổ thông; hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm cùng quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt; xây dựng được nhiều đề án, chương trình, dự án sẽ chuẩn bị khởi động vào năm 2025; chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới…

Năm 2024 cũng cho thấy tinh thần đoàn kết, nhất trí, tính thống nhất, thực chất của toàn ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ. Các đơn vị, cục, vụ có nhiều nỗ lực trong biên soạn, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện về cả chất lượng và tốc độ. Cơ sở giáo dục ĐH thể hiện sự nhanh nhạy, năng động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ sở giáo dục phổ thông tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018. Báo Giáo dục và Thời đại có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt liên quan đến tổ chức các sự kiện lớn của ngành…

“Có thể nói, đây là năm của công tác kiến tạo, chuẩn bị và chúng ta đã làm được rất nhiều việc”, Bộ trưởng đánh giá.

 Đại diện cơ sở giáo dục ĐH phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp.

Đại diện cơ sở giáo dục ĐH phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp.

Nhìn nhận một số việc cần làm tốt hơn, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; giải ngân đầu tư công và nhiều công việc lớn sẽ khởi động từ năm 2025.

Theo Bộ trưởng, 2025 dù chưa phải năm khởi đầu kế hoạch 5 năm giai đoạn mới, nhưng với ngành Giáo dục lại là thời điểm khởi động nhiều việc lớn. Đơn cử như triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, năm 2025 cũng là năm bắt đầu triển khai thực thi luật này.

Cũng năm 2025, ngành Giáo dục bắt tay chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới theo Nghị quyết của Quốc hội; tổng kết và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018; đồng thời, triển khai các chương trình, đề án, dự án lớn quy mô toàn ngành…

Bộ trưởng lưu ý một số công việc trọng tâm triển khai trong năm 2025. Trong đó có việc tận dụng cơ hội về mặt đầu tư từ các nguồn khác nhau; chuẩn bị tốt các đề án phát triển đơn vị theo các nghị quyết vùng; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch; đặc biệt là triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tái cấu trúc, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-khoi-dong-nhieu-viec-lon-trong-nam-2025-post714865.html
Zalo