Ngành điện tăng tốc chuẩn bị cho tăng trưởng 8%, chuyên gia đề xuất sửa cơ chế giá điện

Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đặt ra ở mức tối thiểu 8%, ngành điện đang triển khai 6 nhóm giải pháp đồng bộ để đảm bảo cung ứng điện ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu không sớm cải cách cơ chế giá điện theo hướng thị trường, ngành điện sẽ khó thu hút đầu tư và ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.

Bộ Công Thương kích hoạt 6 nhóm giải pháp, đảm bảo điện cho tăng trưởng

Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 7/5, ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, dựa trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng trên 12% theo kịch bản Bộ Công Thương đã đặt ra để điều hành.

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Cục trưởng Cục Điện lực chia sẻ tại tọa đàm.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng sẵn các kịch bản điều hành và chỉ đạo sớm toàn ngành điện triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm để đảm bảo cung ứng điện ổn định.

Giải pháp đầu tiên là yêu cầu các nhà máy điện, đơn vị truyền tải - phân phối đảm bảo bảo trì, bảo dưỡng đúng tiến độ, giữ thiết bị trong trạng thái sẵn sàng cao nhất.

Thứ hai là chủ động dự trữ nhiên liệu (than, dầu, khí) tại nhà máy và các kho chứa cho giai đoạn cao điểm.

Thứ ba, Bộ đặc biệt thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm, như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4, và lưới điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (dự kiến vận hành đúng dịp Quốc khánh 2/9).

Giải pháp thứ tư là xây dựng và cập nhật kịch bản điều độ linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với biến động phụ tải, thời tiết, điều kiện thủy văn bất thường. Thứ năm, đẩy mạnh tiết kiệm điện, giảm tải vào khung giờ cao điểm. Thứ sáu là tăng cường giám sát toàn chuỗi từ phát điện đến truyền tải, điều độ, phân phối để đảm bảo vận hành thông suốt, phản ứng nhanh với sự cố.

Ông Dương khẳng định: “Với các nhóm giải pháp đã và đang triển khai, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương nhận định việc cung ứng điện cho năm 2025 về cơ bản sẽ được đảm bảo, nếu các điều kiện dự báo không biến động quá cực đoan”.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn cần kịch bản ứng phó trong trường hợp bất thường, như phụ tải tăng đột biến, thời tiết nắng nóng kéo dài hoặc tổ máy gặp sự cố do vận hành đầy tải liên tục.

Cần minh bạch giá điện, không gộp an sinh vào cơ chế giá

Dù ngành điện đã chủ động nhiều mặt, song theo các chuyên gia, cơ chế giá điện hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn, có nguy cơ làm suy yếu năng lực tái đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển ngành.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Giá điện hiện nay không theo cơ chế thị trường, không được tính đúng - tính đủ chi phí đầu vào, tình trạng mua cao bán thấp vẫn tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm”.

 Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa (giữa) chia sẻ tại tọa đàm.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa (giữa) chia sẻ tại tọa đàm.

Ông cho rằng giá điện hiện gánh quá nhiều mục tiêu cùng lúc từ hỗ trợ đầu tư, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội đến khuyến khích tiết kiệm điện dẫn tới xung đột mục tiêu, khó có thể đồng thuận và triển khai hiệu quả.

Đáng chú ý, cơ chế bù chéo giá điện giữa hộ tiêu dùng - hộ sản xuất, giữa vùng miền... đã duy trì quá lâu, làm biến dạng thị trường điện, khiến giá bán lẻ không phản ánh đúng giá trị thực của 1 kWh điện. “Điện trở thành hàng hóa bao cấp cho toàn xã hội, làm triệt tiêu động lực tiết kiệm và cản trở thu hút đầu tư vào ngành điện”, ông Thỏa nói.

Do đó, ông Thỏa đề xuất, cần chuyển hẳn sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, bằng cách tính đúng, tính đủ chi phí trong giá điện và sửa biểu giá điện hiện hành để khắc phục các bất cập đang tồn tại. Theo ông, công thức tính giá hiện nay nên loại bỏ mục “chi phí khác”, bởi thực chất đây là những khoản chưa được tính đủ, thường được phân bổ dần, ví dụ như chi phí do chênh lệch tỷ giá.

Theo ông, nếu áp dụng cơ chế thị trường, giá điện cần được cấu thành rõ ràng từ các chi phí cụ thể như phát điện, truyền tải, bán lẻ, quản lý..., đồng thời phải đảm bảo có mức lợi nhuận hợp lý để ngành điện có thể tái đầu tư và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, ông Thỏa cũng kiến nghị xóa bỏ cơ chế bù chéo trong giá điện, thay vào đó là xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng biệt phù hợp với từng khu vực và nhóm đối tượng. Đặc biệt, cần tách rời yếu tố an sinh xã hội khỏi cấu trúc giá điện, tránh tình trạng giá bị méo mó do gánh quá nhiều mục tiêu.

“Chúng ta không từ bỏ chính sách an sinh xã hội hay bỏ rơi những người yếu thế. Nhưng để đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận được dịch vụ điện cơ bản, cần sử dụng các chính sách hỗ trợ trực tiếp, thay vì trộn lẫn vào giá bán điện. Việc tách bạch này, nếu làm được, sẽ rất có ích cho ngành điện, tạo điều kiện để đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đặt ra”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn.

Liên quan tới giá điện, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng, khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, giá điện trung bình của Việt Nam hiện đang ở mức tương đương Trung Quốc và Ấn Độ, cao hơn Bangladesh và Malaysia - những quốc gia có lợi thế riêng về thủy điện hoặc dầu khí nội địa. Ngược lại, nhiều nước khác như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines lại có giá điện cao hơn Việt Nam. Riêng tại Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận với Nhật Bản; còn tại Thái Lan, sau khi cải tổ cơ chế giá điện theo hướng tính theo giờ, giá điện đã tăng mạnh và cao hơn Việt Nam khoảng 50% so với 3-4 năm trước.

Theo ông Sơn, vấn đề không nằm ở chuyện giá điện tăng hay giảm, mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.

Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường trong xác lập giá điện - minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng đầu tư năng lượng sạch.

Nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài.

Ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh giải pháp căn cơ là cần một lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành, trong khi vẫn đảm bảo không tạo ra “cú sốc” về giá cho người dân và nền kinh tế. “Việc cân bằng giữa thị trường hóa giá điện và ổn định xã hội là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải” - ông Sơn nói.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nganh-dien-tang-toc-chuan-bi-cho-tang-truong-8-chuyen-gia-de-xuat-sua-co-che-gia-dien-post547638.html
Zalo