Ngành điện ảnh toàn cầu chao đảo vì kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump

Ngành điện ảnh đang chao đảo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 100% đối với phim sản xuất ngoài nước Mỹ, gây bất ổn cho tương lai của các tác phẩm quốc tế.

Bảng hiệu Hollywood ở kinh đô điện ảnh nước Mỹ tại Los Angeles. Ảnh: AFP/TTXVN

Bảng hiệu Hollywood ở kinh đô điện ảnh nước Mỹ tại Los Angeles. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin CNA, trong bài đăng ngày 4/5 trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump tuyên bố: “CHÚNG TÔI MUỐN PHIM ĐƯỢC SẢN XUẤT TẠI MỸ, MỘT LẦN NỮA!”. Đồng thời, ông chỉ đạo các cơ quan chính phủ liên quan bắt đầu ngay lập tức tiến trình đánh thuế cao đối với bất kỳ bộ phim nào không được sản xuất trong nước. Ông cho rằng việc các hãng phim Mỹ ra nước ngoài quay phim là mối đe dọa an ninh quốc gia và cáo buộc các quốc gia khác sử dụng phim ảnh làm công cụ để tuyên truyền.

Từ đầu năm nay, ông Trump cũng đã bổ nhiệm ba ngôi sao gạo cội của Hollywood – Sylvester Stallone, Mel Gibson và Jon Voight – vào nhóm cố vấn văn hóa nhằm “đưa Hollywood trở lại – vĩ đại hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Dù chi tiết cụ thể về cơ chế thuế quan mới chưa được công bố, nhưng thông báo này đã nhanh chóng tạo ra làn sóng lo ngại trong ngành điện ảnh. Các nhà sản xuất và phân phối phim đang phải đối mặt với bài toán nan giải: họ nên ngừng chiếu các bộ phim quay ở nước ngoài, hay phải dịch chuyển hoàn toàn sản xuất về trong nước để tránh thuế quan?

Một đại diện giấu tên của ngành điện ảnh Anh nói với tờ Screen Daily: “Nghe như một thảm họa tiềm tàng đối với ngành phim ảnh quốc tế”.

Ông Matthew Deaner, Giám đốc đài truyền hình Australian Broadcasting Corporation, chia sẻ với hãng tin AAP: “Dù chưa rõ chi tiết, nhưng động thái này chắc chắn sẽ gây chấn động toàn thế giới”.

Tuyên bố của ông Trump dường như nhắm đến mô hình sản xuất phổ biến hiện nay - trong đó các hãng phim Mỹ thường tận dụng ưu đãi thuế và trợ cấp của các nước như Anh, Canada, Ireland, Hungary, Tây Ban Nha và Australia để quay phim. Đổi lại, những quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ việc thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và tăng doanh thu từ du lịch và các dịch vụ liên quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều bộ phim bom tấn gần đây – bao gồm các phim siêu anh hùng Marvel, loạt phim James Bond và mới nhất là “Mission Impossible: The Final Reckoning” của Tom Cruise – đều được quay toàn phần hoặc một phần ở nước ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn với báo La Presse, bà Evelyne Snow, phát ngôn viên của một công đoàn kỹ thuật viên phim Canada, cho biết: “Những tác phẩm lớn được thực hiện từ A đến Z tại Mỹ rất hiếm. Trong khi đó, một dự án của Mỹ quay tại Montreal có thể tạo việc làm cho khoảng 2.000 người, từ quay phim đến tài xế limousine”.

Tại Pháp, Giám đốc Ủy ban Điện ảnh quốc gia Gaetan Bruel cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị cho “một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Mỹ nhằm vào mô hình hỗ trợ văn hóa của nhà nước”.

Trong khi đó, theo kênh CNN, giới lãnh đạo Hollywood cũng đang lo ngại sâu sắc rằng chính sách thuế của ông Trump sẽ làm tê liệt ngành điện ảnh Mỹ – vốn đã chịu nhiều thiệt hại vì đình công và suy giảm nội dung trong thời gian qua.

Tạp chí kinh doanh phim ảnh Mỹ Variety bình luận: “Ai thực sự muốn điều này? Không phải Hollywood. Khi ngành kinh doanh rạp chiếu phim vẫn đang vật lộn hồi phục sau đại dịch, điều cuối cùng họ cần là một loại thuế mới đánh vào vé xem phim”.

Theo điều tra của New York Times, số lượng tác phẩm quay tại Los Angeles đã sụt giảm đáng kể, khiến tờ báo nhận định: “Hollywood, như chúng ta từng biết, đang bị đe dọa”.

Một đại diện giấu tên của Hollywood đã so sánh tình hình hiện nay với sự suy tàn của ngành ô tô tại Detroit: Các hãng lớn vẫn còn trụ sở, nhưng nhà máy đã biến mất.

Giới chức trong ngành cho rằng ông Trump chưa cân nhắc hết hệ lụy. Một số người bình luận đây là cách khơi lại cuộc tranh luận về “sản xuất mất kiểm soát” – tình trạng phim Mỹ ngày càng ít được quay trong nước.

Một cảnh quay trong bộ phim 'The Fall Guy', có sự tham gia của Ryan Gosling và Emily Blunt tại Australia. Ảnh: FlixPix/Alamy

Một cảnh quay trong bộ phim 'The Fall Guy', có sự tham gia của Ryan Gosling và Emily Blunt tại Australia. Ảnh: FlixPix/Alamy

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh đề xuất áp thuế của ông Trump. Chẳng hạn, các bộ phim do công ty Mỹ sản xuất nhưng lấy bối cảnh tại nước ngoài – như phim lịch sử về Thế chiến II – liệu có bị đánh thuế nếu quay tại chính những địa điểm liên quan đến cốt truyện? Và còn những bộ phim được thực hiện một phần ở Mỹ, một phần ở nước ngoài thì sao?

Một giám đốc điều hành hỏi liệu ông Trump có thực sự hiểu rõ cách thức sản xuất phim và truyền hình ngày nay hay không: “Đã có ai nói với ông ấy rằng điều này có thể ảnh hưởng đến các phim như James Bond, Harry Potter, Dune không? Rồi chúng ta sẽ phải quay 'Emily in Paris' ở đâu?”

Phần lớn các chuyên gia cũng đặt nghi vấn về tính khả thi của kế hoạch, bởi phim là sản phẩm trí tuệ, không phải hàng hóa vật lý và do đó không thuộc đối tượng chịu thuế quan truyền thống.

Theo hãng tin Reuters, phát ngôn của ông Trump đã khiến các hãng phim, công đoàn và giới chức California nhanh chóng đánh giá tác động của chính sách mới này.

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, cho biết: “Nếu Tổng thống công bố đề xuất cụ thể hơn, chúng tôi sẽ xem xét kỹ”.

Nghị sĩ Dân chủ Laura Friedman – người từng là nhà sản xuất phim – bày tỏ hoài nghi: “Nếu chỉ một cảnh quay ở nước ngoài thì có bị đánh thuế không? Phim không phải là món hàng hữu hình như một cái thùng. Liệu Tổng thống có đánh thuế toàn bộ quá trình sản xuất?”.

Bà đề xuất giải pháp khả thi hơn là Quốc hội Mỹ nên mở rộng các khoản tín dụng thuế cho sản xuất phim trong nước.

Ông Jay Sures, Phó Chủ tịch United Talent Agency, cảnh báo rằng mức thuế chung có thể khiến cả ngành điện ảnh đình trệ. Ông lưu ý rằng chi phí sản xuất ở nước ngoài vẫn thấp hơn, chủ yếu do nhân công rẻ và thiếu các ưu đãi tương tự trong nội địa Mỹ.

Hiện tại, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết nào về chính sách này. Chính quyền Tổng thống Trump cho biết vẫn đang nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số lãnh đạo ngành giải trí đã tiếp cận Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và nhận được phản hồi: “Chúng tôi đang triển khai”.

Trong khi đó, ông Trump khẳng định sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Hollywood trước khi ra quyết định cuối cùng.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nganh-dien-anh-toan-cau-chao-dao-vi-ke-hoach-ap-thue-cua-tong-thong-trump-20250506113127607.htm
Zalo