Iran mất trắng hàng chục tỷ USD dùng để tái thiết Syria?
Kế hoạch tái thiết Syria đã được tìm thấy trong một tài liệu bỏ lại tại Đại sứ quán Iran ở Damascus, qua đó cung cấp nhiều thông tin đáng giá.

Iran đã có sẵn dự định tái thiết Syria sau nội chiến, được so sánh với bản Kế hoạch Marshall của Mỹ sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, nhưng Tehran phải thất vọng khi các khoản đầu tư trước đó của mình không thể thu hồi.

Hãng tin Reuter sau khi tiếp cận tài liệu trong đại sứ quán Iran tại Damacus đã nhận xét Tehran đang cố gắng hiện thực hóa tham vọng của mình trên lãnh thổ Syria, khi đưa ra bản kế hoạch lớn và đã đầu tư hàng tỷ USD để tăng cường ảnh hưởng.

Theo các nhà báo người Anh, khi xây dựng bản kế hoạch trên, Iran không ngần ngại tham chiếu một quốc gia mà họ coi là thù địch làm cơ sở, khi Mỹ đã chi nhiều tỷ USD để tái thiết châu Âu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Mặc dù vậy, kế hoạch tái thiết Syria và thu được lợi ích lâu dài của Iran đã thất bại khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lực lượng vũ trang HTS lật đổ và phải chạy sang Nga để tị nạn.

"Chương trình đầy tham vọng nói trên được nêu trong nghiên cứu chính thức dài 33 trang của Iran, trong đó chứa một số tài liệu tham khảo về Kế hoạch Marshall - một dự án của Mỹ nhằm khôi phục châu Âu sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai".

Theo ghi nhận của phóng viên Reuter, phía Iran nhận xét: "Chiến lược của Mỹ đã thành công khi khiến châu Âu phải phụ thuộc vào Washington cả về kinh tế, chính trị cũng như văn hóa xã hội".

Tài liệu trên được biên soạn vào tháng 5/2022, do đơn vị chính sách kinh tế của Iran tại Syria viết, văn bản này được các phóng viên của hãng tin Reuters tìm thấy trong đại sứ quán Iran ở Damascus, khi họ đến thăm tòa nhà vào tháng 12/2024.

Kế hoạch mang tính chiến lược của Iran nhằm tái thiết Syria đã mở ra viễn cảnh về việc tạo lập một thể chế kinh tế - chính trị phụ thuộc tại Damascus, từ đó giúp Tehran có thêm một "lực lượng ủy nhiệm" như Hezbollah tại Lebanon hay Houthi ở Yemen.

Tòa nhà đại sứ quán Iran ở Damascus khi các phóng viên Reuter bước vào được mô tả là ngổn ngang những đống giấy vụn và mảnh vỡ, nhưng nhiều tài liệu không bị tiêu hủy, cho thấy bản kế hoạch của Tehran có quy mô lên tới 400 tỷ USD.

Với những gì diễn ra, rõ ràng tham vọng của Iran đã bị dập tắt và Tehran thực sự gặp phải tình trạng "đổ sông đổ biển" mọi công sức, khi họ thậm chí không thu hồi được bất cứ khoản đầu tư trong thời gian qua.

Trong số các khoản đầu tư có một nhà máy điện trị giá hơn 400 triệu USD ở vùng ven biển Latakia, được một công ty của Iran xây dựng lại và hiện đang bị bỏ lại trong tình trạng dang dở.

Một dự án khai thác dầu mỏ ở sa mạc phía Đông Syria cũng đã bị đình chỉ, một cây cầu đường sắt trị giá 26 triệu USD bắc qua sông Euphrates do một tổ chức từ thiện của Iran xây dựng đã bị sập trong cuộc không kích và chưa thể phục hồi... chỉ là những ví dụ tiêu biểu.

Khoảng 40 dự án được biết tới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số vốn đầu tư của Iran. Các phóng viên của Reuters phát hiện tổng số nợ chưa thanh toán của Syria với các công ty Iran đã lên tới ít nhất 178 triệu USD.

Trong khi đó, một cựu đại biểu quốc hội Iran giấu tên ước tính tổng số nợ của chính quyền Damascus đối với Tehran lên tới hơn 30 tỷ USD và khoản tiền này rõ ràng đã mất trắng.

Với tình hình khó khăn của nền kinh tế Iran hiện nay, thiệt hại của Tehran trên "bàn cờ" Syria rõ ràng quá lớn.