Lý do Mỹ khó ngăn được dầu Iran chuyển sang Trung Quốc

Mỹ muốn cắt đứt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, nhưng một mạng lưới tàu chở dầu bí mật đang giúp Tehran chuyển hàng nghìn thùng dầu mỗi ngày sang Trung Quốc tạo ra thách thức lớn cho lệnh trừng phạt.

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 6/5, nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Tehran thông qua việc cắt đứt nguồn thu từ dầu mỏ đang đối mặt với thách thức lớn khi Iran vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu đáng kể sang Trung Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Hoạt động này, được ví như huyết mạch kinh tế quan trọng của Iran, chủ yếu dựa vào một "đội tàu bí mật" tinh vi, hoạt động ngầm và ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn đối với Washington.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran một lần nữa gia tăng sau khi vòng đàm phán hạt nhân thứ tư bị hoãn đột ngột. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn trên mạng xã hội Truth Social, tái khẳng định lập trường không khoan nhượng: "Bất kỳ quốc gia hoặc cá nhân nào mua dầu hoặc hóa dầu từ Iran sẽ phải chịu lệnh trừng phạt ngay lập tức của Mỹ... Họ sẽ không được phép kinh doanh với Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào".

Lời cảnh báo này là sự tiếp nối chiến dịch "gây sức ép tối đa" mà chính quyền Trump đã tái khởi động nhiều tháng trước, với mục tiêu đưa lượng dầu xuất khẩu của Iran về gần bằng không nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này. Các biện pháp trừng phạt mới đã được áp đặt lên các thực thể bị cáo buộc tiếp tay cho việc bán dầu của Iran, bao gồm cả các công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Ông Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh sẽ gia tăng áp lực nếu ngoại giao thất bại, đặt ngành dầu mỏ Iran vào tình thế khó khăn hơn sau nhiều năm chịu cấm vận.

Sức mạnh của các lệnh trừng phạt thứ cấp – nhắm vào các quốc gia và công ty bên thứ ba làm ăn với Iran – là không thể phủ nhận, bởi quy mô và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ. Đối với nhiều quốc gia, việc lựa chọn giữa ngừng mua dầu Iran và đối mặt với sự cô lập kinh tế từ Mỹ là một quyết định vô cùng khó khăn.

Iran thích nghi

Tuy nhiên, bất chấp áp lực khổng lồ, Iran dường như không chỉ thích nghi mà còn tìm cách phát triển trong mạng lưới thương mại dầu mỏ ngầm. Theo dữ liệu từ các công ty phân tích hàng hóa Kpler và Vortexa, Tehran hiện vẫn xuất khẩu khoảng 1,2 đến 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Đây là một sự phục hồi đáng kể so với mức dưới 400.000 thùng/ngày vào giữa năm 2020, thời điểm các lệnh trừng phạt kết hợp với Đại dịch COVID-19 gây tác động nặng nề nhất.

Trung Quốc nổi lên là khách hàng ổn định nhất, bất chấp các mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ. Phần lớn lượng dầu này được bán với giá chiết khấu đáng kể. Các nhà phân tích ước tính, nguồn thu từ hoạt động này mang về cho Tehran từ 30 đến 40 tỷ USD mỗi năm – một con số không nhỏ, đủ để hỗ trợ từ các chương trình khác.

Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran dựa vào một mạng lưới phức tạp và bí mật. Các tàu chở dầu thường xuyên tắt bộ thu phát tín hiệu (transponder) để ẩn mình khỏi các hệ thống theo dõi hàng hải. Dầu được chuyển giữa các tàu ngay trên biển (ship-to-ship transfer) nhằm che giấu nguồn gốc thực sự. Tên tàu, cờ hiệu và đăng ký cũng liên tục được thay đổi.

"Đội tàu bí mật" này phần lớn bao gồm các tàu chở dầu cũ và phương Tây cho là thiếu các loại bảo hiểm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc rõ ràng được hưởng lợi từ việc mua dầu giá rẻ, trong khi Bắc Kinh kiên quyết không công nhận các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ngầm này đang gây báo động tại Washington. Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng những lỗ hổng trong thực thi đang làm suy yếu hiệu quả của chính sách trừng phạt toàn cầu.

Đòn bẩy suy giảm của Mỹ

Mỹ đã nỗ lực hối thúc các đối tác khu vực, như Malaysia, tăng cường giám sát thương mại hàng hải và hoạt động chuyển dầu. Tuy nhiên, sự hợp tác gặp nhiều trở ngại do các mối quan hệ chính trị và kinh tế phức tạp. Malaysia duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Iran và Trung Quốc, và năng lực thực thi pháp luật hàng hải trong khu vực cũng không đồng đều.

Thêm vào đó là những khó khăn kỹ thuật trong việc theo dõi các lô hàng. Bản chất bí mật của hoạt động, kết hợp với sự thiếu phối hợp trong thực thi hàng hải quốc tế, khiến việc ngăn chặn dòng chảy dầu trở nên vô cùng khó khăn. Đáng chú ý, không chỉ Iran, mà cả Venezuela và Nga – những quốc gia cũng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây – đều đã khai thác hệ thống tàu chở dầu ngầm tương tự để duy trì xuất khẩu.

Clayton Seigle, nhà phân tích thị trường dầu mỏ kỳ cựu và thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: "Vẫn còn dư địa để thực thi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở nơi tiếp nhận các lô hàng này". Ông cho rằng cần nhắm vào các công ty vận tải và hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, nhất là ở châu Á.

Tuy nhiên, chuyên gia Seigle cũng chỉ ra một thách thức sâu sắc hơn: Mỹ đã mất đi một phần đòn bẩy đáng kể đối với Trung Quốc – điểm đến chính của dầu Iran – chính bởi cuộc chiến thuế quan do Washington khởi xướng. Trước khi ông Trump áp thuế, các nhà mua dầu Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn trước nguy cơ bị trừng phạt. Nhưng khi cuộc chiến thương mại nổ ra, tính toán đã thay đổi.

"Một khi Mỹ áp đặt các mức thuế thương mại đó, tác động của các lệnh trừng phạt tài chính đã giảm đi. Theo quan điểm của Bắc Kinh, chi phí kinh tế rộng hơn của cuộc chiến thuế quan lớn hơn nhiều so với rủi ro gắn liền với bất kỳ một lệnh trừng phạt nào (liên quan đến dầu mỏ). Điều đó khiến mối đe dọa về các hình phạt liên quan đến dầu mỏ kém hiệu quả hơn nhiều", chuyên gia Seigle giải thích.

Rõ ràng, việc ngăn chặn dòng chảy dầu của Iran sang Trung Quốc không chỉ là một bài toán kỹ thuật về theo dõi và thực thi, mà còn là một vấn đề phức tạp về địa chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại, khi đòn bẩy từ các lệnh trừng phạt tài chính bị suy giảm do chính cuộc chiến thương mại, nhiệm vụ cắt đứt huyết mạch dầu mỏ của Iran đối với Mỹ dường như ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-my-kho-ngan-duoc-dau-iran-chuyen-sang-trung-quoc-20250506175109449.htm
Zalo