Ngành công nghiệp khí của Việt Nam đã phát triển tới đâu?

Từ ý tưởng sơ khai đầu những năm 90, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam đã có hành trình phát triển vượt bậc, khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong nền kinh tế.

Từ đầu những năm 90, ý tưởng về một ngành công nghiệp khí đã được nhen nhóm và hình thành khi Công ty Khí đốt Việt Nam, nay là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - được thành lập để thu gom, sử dụng nguồn khí đồng hành Bạch Hổ, tránh đốt bỏ ngoài khơi.

Từ những dòng khí đầu tiên

Ngày 6/12/1990, Công ty Khí đốt trình Đề án "Phát triển và sử dụng khí thiên nhiên", bước đầu cụ thể hóa quá trình thu gom và sử dụng khí thiên nhiên phục vụ đất nước.

Đề án sử dụng khí bao gồm giàn nén khí ngoài biển, hệ thống đường ống với tổng chiều dài 195 km, nhà máy xử lý khí tại Dinh Cố và hệ thống kho cảng xuất nhập sản phẩm lỏng tại Thị Vải.

Đề án được thực hiện theo nhiều giai đoạn, khởi đầu là công trình "Đưa khí sớm vào bờ - FAST TRACK", với mục tiêu gấp rút đảm bảo nhu cầu khí cho Nhà máy điện Bà Rịa được khánh thành vào tháng 4/1995. Đến ngày 17/4/1995, khí đã được đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa.

Đúng 14h ngày 26/4/1995, Nhà máy điện Bà Rịa phát điện bằng dòng khí đồng hành đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ hòa vào lưới điện quốc gia. Đây như một đòn bẩy mở ra trang phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp khí, đồng thời cũng mở ra một chương mới cho ngành dầu khí Việt Nam.

 Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995.

Năm 2018 chứng kiến một sự kiện quan trọng đối với nền công nghiệp khí, đó là khi PV GAS khánh thành và đưa vào sử dụng an toàn, hiệu quả Nhà máy Chế biến Khí Cà Mau, được coi là điểm nhấn của chuỗi hoạt động hoàn chỉnh Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Qua hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, ngành công nghiệp khí đã đi từ "không đến có", biến nhiều điều "không thể thành có thể" và ngày càng lớn mạnh, chiếm vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Đến nay, Việt Nam đã sở hữu hạ tầng công nghiệp khí hoàn chỉnh ở tất cả các khâu: Thu gom - xuất, nhập khẩu - vận chuyển - chế biến - tồn trữ - kinh doanh khí và sản phẩm khí.

Trong quá trình phấn đấu vượt qua thử thách, PV GAS đã khẳng định vị trí tiên phong trong ngành công nghiệp khí, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển bền vững của Tập đoàn cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

PV GAS đã xây dựng ngành công nghiệp khí của đất nước lớn mạnh, hiện đại, hoàn chỉnh ở tất cả các khâu từ thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối đến kinh doanh khí và các sản phẩm khí.

Đến những dấu ấn phát triển vượt bậc sau hơn 3 thập kỷ

Ngành công nghiệp khí tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã làm được rất nhiều điều lớn lao. Từ việc triển khai thành công hệ thống khí Bạch Hổ, sau này mở rộng thành Hệ thống Cửu Long, PV GAS đã liên tiếp vận hành các hệ thống khí lớn, như Nam Côn Sơn; PM3 - Cà Mau; Hàm Rồng - Thái Bình.

Tổng công ty cũng tích cực đầu tư các dự án mới như dự án khí Lô B - Ô Môn, nhập khẩu LNG, Sư Tử Trắng, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2...

Trong hơn 3 thập kỷ qua, PV GAS đã cung cấp gần 170 tỷ m3 khí khô; trên 24,1 triệu tấn LPG; trên 2,1 triệu tấn condensate.

Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu ổn định để sản xuất gần 11% sản lượng điện, khoảng 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và gần 11% thị phần bán lẻ LPG nội địa.

Doanh nghiệp đầu ngành hiện sở hữu 5 hệ thống khí với tổng chiều dài trên 1.500 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 15 tỷ m3/năm; hệ thống kho chứa LPG có công suất gần 150.000 tấn trên toàn quốc; hệ thống trạm phân phối/chiết nạp khí/sản phẩm khí rộng khắp...

Đặc biệt, năm 2023, PV GAS đã đưa vào vận hành kho chứa LNG Thị Vải, lần đầu tiên đưa sản phẩm LNG nhập khẩu về Việt Nam, bổ sung nguồn cung cấp khí khoảng 1,4 tỷ m3/năm.

 Chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải năm 2023.

Chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng Thị Vải năm 2023.

Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải đi vào hoạt động là mắt xích quan trọng cung cấp khí tái hóa, đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt.

Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước đang suy giảm nhanh chóng và nhu cầu khí cho phát điện ngày càng tăng, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Hiện nay, PV GAS đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án này nhằm nâng công suất lên 3-5 triệu tấn/năm vào năm 2026.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, PV GAS hợp tác với Tập đoàn AES (Mỹ) triển khai dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ để đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2026 với công suất giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm.

Đối với khu vực Bắc Bộ, PV GAS đang có kế hoạch đầu tư Kho cảng LNG phía Bắc với công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 6 triệu tấn/năm.

Cùng với việc phát triển hệ thống công trình khí, đội ngũ cán bộ công nhân viên tại PV GAS cũng không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để từng bước làm chủ hầu như tất cả các khâu của lĩnh vực khí, thậm chí ở cả những khâu trước đây chỉ do chuyên gia, nhân sự nước ngoài đảm nhiệm.

 Toàn thể cán bộ công nhân viên PV GAS luôn nỗ lực nâng cao trình độ để làm chủ hầu như tất cả các khâu của ngành công nghiệp khí.

Toàn thể cán bộ công nhân viên PV GAS luôn nỗ lực nâng cao trình độ để làm chủ hầu như tất cả các khâu của ngành công nghiệp khí.

Trên cơ sở thực hiện các định hướng, chính sách của Nhà nước, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS đã và đang tiên phong thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trong đó, Tổng công ty tập trung đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực chính, cốt lõi, đảm bảo hiệu quả đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG.

Khi xu hướng xanh hóa các nguồn nguyên, nhiên liệu đang diễn ra rất mạnh mẽ trên toàn thế giới, công nghiệp khí được dự báo sẽ đóng vai trò đầu tàu, then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Trong giai đoạn định hình của ngành năng lượng Việt Nam, PV GAS đã có những bước chuẩn bị dài để tiếp tục ghi thêm những mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Lương Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nganh-cong-nghiep-khi-cua-viet-nam-da-phat-trien-toi-dau-post1490944.html
Zalo