Ngành cao su muốn tham gia đầu tư các khu công nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam mong muốn được tham gia làm chủ đầu tư một số khu công nghiệp (KCN) sẽ được thành lập mới có thu hồi quỹ đất cao su ở Đồng Nai.
Việc tham gia đầu tư các KCN mới sẽ góp phần hỗ trợ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trong việc thực hiện chuyển đổi nghề cho người lao động trong ngành.
Tham gia đầu tư khu công nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 48 KCN được thành lập. Hiện nay, tỉnh đã có 34 KCN được thành lập, thời gian tới sẽ có thêm 14 KCN mới tiếp tục được thành lập. Để thành lập các KCN mới, nhiều diện tích đất cao su sẽ được thu hồi để chuyển mục đích sử dụng.
Đầu tháng 12 vừa qua, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với UBND tỉnh, đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã bày tỏ mong muốn được tham gia làm chủ đầu tư một số KCN mới sẽ được thành lập trên địa bàn tỉnh có thực hiện thu hồi quỹ đất cao su.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đang vận hành 16 KCN với tổng diện tích đất hơn 6,5 ngàn hécta.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Trần Công Kha cho biết, theo Quy hoạch tỉnh, thời gian tới, nhiều quỹ đất cao su trên địa bàn tỉnh sẽ được thu hồi, chuyển mục đích sử dụng để phục vụ xây dựng các KCN mới. Do đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam kiến nghị được tham gia làm chủ đầu tư một số KCN mới có thu hồi, chuyển đổi quỹ đất cao su để thực hiện.
“Với tốc độ đô thị hóa và việc chuyển đổi đất cao su để thực hiện các dự án KCN mới, ngành cao su rất mong muốn được tham gia đầu tư vào các dự án này. Từ đó, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động” - ông Kha cho hay.
Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tham gia làm chủ đầu tư nhiều KCN trên cả nước, trong đó có các KCN ở Bình Dương, Bình Phước khi chuyển đổi từ đất cao su sang đất công nghiệp. Do đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng là nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư phát triển các KCN. Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mong muốn Đồng Nai hỗ trợ, tạo điều kiện để Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tham gia đầu tư vào các dự án KCN như đề xuất.
Đồng Nai rất quan tâm phát triển các khu công nghiệp mới
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, quỹ đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được bổ sung thêm khoảng 7 ngàn hécta. Trong số này, hiện có khoảng 2 ngàn hécta đã có “địa chỉ” đầu tư. Với phần diện tích còn lại, tỉnh xác định sẽ ưu tiên, hỗ trợ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tham gia đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư phải theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, hiện tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt khoảng 86%. Do đó, quỹ đất KCN phục vụ cho thuê trên địa bàn tỉnh dành cho các nhà đầu tư gần như đã hết. Chính vì vậy, thời điểm hiện tại và thời gian tới, tỉnh rất cần thêm quỹ đất KCN để cho thuê đối với các nhà đầu tư. Đồng Nai có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nên tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư các KCN mới.
Hiện nay, Đồng Nai đang đẩy nhanh công tác lập quy hoạch đối với các KCN sẽ thành lập trong thời gian tới. Do đó, đối với đề xuất được tham gia làm chủ đầu tư đối với các KCN mới có thực hiện thu hồi quỹ đất cao su, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cần bám sát quá trình thực hiện quy hoạch. Đồng thời, để có thể tham gia đầu tư, đơn vị phải thực hiện các bước về đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên lưu ý, trước đây, việc đầu tư các KCN trên địa bàn tỉnh thường mang tính hỗn hợp, nhiều ngành nghề và chưa thực sự chú trọng nhiều vào yếu tố môi trường. Tuy nhiên, hiện định hướng phát triển KCN của tỉnh đề cao yếu tố thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Các ngành nghề thu hút vào các KCN phải là các ngành nghề thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, xanh, thân thiện với môi trường, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.